Dùng tai nghe suốt đêm, vặn volume hết cỡ... giường bệnh đang chờ bạn

Dùng tai nghe suốt đêm, vặn volume hết cỡ... giường bệnh đang chờ bạn

2016-12-23 17:34
- Tai nghe là thiết bị gắn với cuộc sống hàng ngày của nhiều người nhưng đeo tai nghe quá lâu và không đúng cách cũng làm ảnh hưởng đến sức nghe.

Tai nghe là thiết bị gần như không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Đặc biệt, giới trẻ dùng tai nghe mọi lúc mọi nơi từ trên giường, trên đường, ở trường cho đến trên xe ô tô hay cả khi đang lái xe máy, đi xe đạp.

Tuy nhiên, việc dùng tai nghe như thế nào cho tốt và đảm bảo sức khỏe không phải ai cũng biết. Sự vô tình lạm dụng của việc dùng tai nghe quá lâu, quá dài và quá sức chịu đựng của tai khiến cho sức nghe giảm xuống và gây bệnh ở màng nhĩ.

Anh D. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang phải nghỉ làm 1 tháng để điều trị chứng bệnh ở tai. Ngoài công việc văn phòng anh còn là một người nghiện game và thích âm nhạc. Những khi rỗi rãi, anh lại ngồi máy tính chơi các game online ưa thích. Nhưng chơi và dán mắt vào màn hình chưa đủ, anh D. còn phải nghe âm thanh chát chúa phát ra bằng tai nghe mới cảm thấy thú vị.

Dùng tai nghe nhiều nhưng anh D. ít vệ sinh, lau chùi nên một thời gian sau ống tai ngoài của anh D. bị ngứa, đau. Tưởng là do côn trùng chui vào tai cắn nên mưng mủ. Dùng thuốc bôi, uống nước mát nhưng hiện tượng này không đỡ.

dùng tai nghe

"Tôi đi khám, bác sĩ nói bị viêm ống tai ngoài. Bác sĩ nói có thể do tai nghe bị rơi xuống đất, tôi không vệ sinh nữa nên bị bẩn, chứa vi trùng, gây nhiễm nấm. Mấy ngày đầu chỉ sưng đau nhưng về sau còn kéo theo cả nhức đầu, ê ẩm cả tai không chịu nổi. Bác sĩ nói tôi phải nghỉ làm, không chơi game 1 tháng để điều trị dứt điểm", anh D. nói.

Suốt 2 năm nay, chị Q. (Linh Đàm, Hà Nội) có thói quen đeo tai nghe nhạc, xem phim trước khi đi ngủ. thói quen này khiến chị Q. chỉ ngủ được khi nghe nhạc. Tuy nhiên, hệ lụy là chị Q. thường ngủ quên và để tai nghe như vậy suốt đêm.

Ban đầu nghĩ những thói quen này hoàn toàn vô hại, chị Q. vẫn duy trì mỗi tối. Chưa kể có khi nghe những bản nhạc sàn với âm thanh quá lớn, chị Q. cảm giác tai bị chấn động. Thời gian gần đây, xuất hiện đau đầu, mệt mỏi sau khi ngủ dậy dù đã ngủ đủ giấc, chị Q. mới đi khám.

"Bác sĩ bảo do tiếng nhạc, tiếng động mạnh từ phim làm cho vùng đầu của tôi bị ảnh hưởng. Màng nhĩ bị áp tai nghe nên bị đau. Tôi vừa điều trị vừa bỏ thói quen sai lầm nói trên", chị Q. nói.

Đeo tai nghe thế nào để đảm bảo

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Giàu (Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng) cho hay, dùng tai nghe cũng như dùng bất cứ đồ dùng nào khác nếu lạm dụng cũng bị ảnh hưởng tới tai nghe, đầu... đặc biệt là sức nghe về sau.

"Tai nghe có nhiều loại, nhưng có những loại với công suất lớn. Người dùng đặc biệt là giới trẻ thích cảm giác mạnh, âm thanh lớn để cho thỏa đam mê nhất là khi nghe nhạc Rock nên tự điều chỉnh âm thanh to. Với mức âm thanh trên 80db hay vượt qua ngưỡng 50% so với công suất cực đại, duy trì trong một thời gian nhiều tháng có thể tác động lên vùng tai, ảnh hưởng thính lực. Còn nếu dùng ở mức công suất lớn nhất khoảng trên dưới 100db thì chắc chắn sẽ thấy rõ sự ảnh hưởng ngay", bác sĩ Giàu nói.

Âm thanh cường độ lớn liên tục dội vào tai tác động nhiều nhất đến các tế bào thính giác. Đây là các tế bào giúp nghe hiệu quả. Một thời gian bị tác động như vậy, các tế bào thính giác phải làm việc quá sức gây suy nhược và lâu có thể mất khả năng nghe.

Ngoài ra, hệ thần kinh bị suy nhược, khả năng cảm nhận tiếng nói từ người khác giảm dẫn đến điếc hoặc điều khiển hành động chậm chạp hơn.

Bác sĩ Giàu khuyến cáo, tai nghe được dùng nhiều, tiếp xúc với tai thường xuyên nhưng không phải ai cũng có thói quen vệ sinh. "Tai nghe đính vào phần ốc tai, trong quá trình sử dụng có thể tiếp xúc gây xây xát. Những vi khuẩn, vi trùng tồn tại ở tai nghe thâm nhập có thể gây viêm nhiễm", bác sĩ Giàu nói.

Cường độ để tai nghe đảm bảo không gây hại là ở mức 50% so với mức cực đại. Những người mắc các bệnh như màng nhĩ bị ảnh hưởng từ trước hay viêm tai giữa không nên đeo tai nghe quá lâu. Mỗi ngày chỉ nên đeo tai nghe khoảng 2 tiếng để các tế bào thính giác không bị ảnh hưởng. Khi có các dấu hiệu nghe kém, ù tai hay nghe không rõ nên đi khám để được tư vấn.

Phương Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mẹ chồng quốc dân

Đọc nhiều nhất