Bố mẹ ép con học hành quá mức, 12 tuổi đã bị viêm loét dạ dày
Tin liên quan
Đó là ý kiến của bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), khi trao đổi với phóng viên Emdep.vn về thực trạng bệnh nhi bị viêm loét dạ dày tá tràng. Cũng theo bác sĩ Phúc, y học vẫn đang coi nguyên nhân chính gây loét là do vi khuẩn HP, nhưng thực tế ở những trẻ mắc bệnh, khi khai thác tiền sử thường có yếu tố áp lực tâm lý, như phải gồng mình cố gắng học tập theo ý của bố mẹ, của thầy cô…
Cơn đau xuất phát từ tâm lý?
12 tuổi, bé S. (Đắk Lắk) đi khám được bác sĩ nội soi chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng, làm test vi khuẩn HP (+). Bác sĩ cho thuốc điều trị khỏi hết HP, nhưng bé S. vẫn thường xuyên đau bụng. Suốt 2 năm trời, gia đình đưa bé đi nhiều bệnh viện lớn tuyến trung ương từ Nam ra Bắc, lần nào soi dạ dày cũng bị viêm loét.
Được biết, ở nhà bố mẹ rất lo lắng cho tương lai của bé S. nên đã nhờ cô luyện viết chữ và học tính ngay từ mẫu giáo. Vào lớp 1, bé viết chữ đẹp và học giỏi nhất so với các bạn. Bé S. đã trở thành tấm gương sáng cho cả trường, nên cô chủ nhiệm giao cho bé trọng trách làm lớp trưởng và có nhiệm vụ giúp các bạn trong lớp cùng viết chữ đẹp.
Giáo dục theo kiểu bạo lực và áp lực học tập dễ làm cho trẻ bị viêm loét dạ dày, ảnh minh họa.
Mỗi buổi chiều từ trường về nhà, bé S. lại ôm vở của các bạn còn đang viết chữ xấu về nhà để viết mẫu cho các bạn. Theo chia sẻ của bố mẹ, nhiều đêm bé S. phải thức tới 1-2 giờ để hoàn thành nhiệm vụ cô giao.
Là một đứa trẻ khỏe mạnh, vui vẻ hoạt bát, nhưng do áp lực trọng trách học giỏi nhất lớp và tấm gương viết chữ đẹp khiến cho bé có tâm lý lo lắng. Bé bắt đầu xuất hiện những cơn đau bụng. Thời gian đầu gia đình chỉ nghĩ bé bị rối loạn tiêu hóa.
Cách đây 2 năm, bé S. bị đau bụng nhiều hơn và ảnh hưởng đáng kể tới kết quả học tập, cơ thể ngày một gầy yếu. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Xanh Pôn khám, bác sĩ soi dạ dày vẫn còn thấy tình trạng viêm loét, mặc dù đã được điều trị bằng thuốc rất đúng phác đồ.
Ngoài biểu hiện đau bụng và ăn ngủ kém, bé còn rất lo lắng đến kết quả học tập. Bác sĩ đã khuyên gia đình giảm áp lực học tập và phân tích cho cháu hiểu. Sau một tháng điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Xanh Pôn, mà chủ yếu là liệu pháp tâm lý kết hợp thuốc, bé S. đã hết đau bụng, bác sĩ đang tiếp tục theo dõi.
Khi học tập không phải là niềm vui
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, số trẻ em đến khám phát hiện viêm loét dạy dày tá tràng ngày càng tăng. Trường hợp nhỏ tuổi nhất được phát hiện, là bé H.A (2 tuổi), nhà ở Hà Nội.
Đa số các cháu đến khám thuộc nhóm 6-8 tuổi, khi khai thác tiền sử, nhiều bé đang phải chịu áp lực học hành từ ngay bố mẹ, cho đến thành tích của nhà trường.
Bác sĩ Phúc cho rằng, nhiều em không còn cảm thấy đến trường là niềm vui, mà ở đó là những giờ học căng thẳng, áp lực điểm số.
Trở về nhà, những đứa trẻ không đạt được kỳ vọng của bố mẹ, chuyện hứng chịu đòn roi, hứng chịu những chỉ trích là điều diễn ra thường nhật. Một điều nguy hiểm đối với trẻ, đó là những sang chấn tâm lí kéo dài, mà hệ quả tất yếu sẽ dẫn đến những tổn thương về thể chất (như viêm loét dạ dày tá tràng), đến tổn thương về tinh thần (như stress nặng hay trầm cảm).
Từ 5 - 6 tuổi trẻ tuổi, trẻ mới bắt đầu hình thành cái tôi cá nhân. Tuy nhiên, quá trình hình thành cái tôi ở mỗi trẻ là khác nhau, có trẻ sẽ hình thành sớm (khôn sớm) nhưng cũng có trẻ sẽ hình thành muộn. Vì vậy, không thể đánh giá đứa trẻ học tập kém thì sau này bước vào đời sẽ kém cỏi. Cũng không thể đánh giá những trẻ kết quả học tập cao mà sau này đã giỏi giang xuất chúng. Bởi vậy, thay vì tạo nên áp lực thành tích bằng cách nhồi nhét nhiều kiến thức, thì nên chăng giáo dục trẻ những kĩ năng sống để trở thành con người, cách khám phá kiến thức để có thể tự tin độc lập bước vào đời.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất