Khổ trăm đường vì em chồng "bất trị"
2015-01-21 07:32
- Không kiếm ra tiền nhưng cô em chồng em lại tiêu tiền rất giỏi, đầu tóc rồi quần áo cô ta đổi mới, mua sắm liên tục. Vậy nhưng cứ hễ mọi người trong nhà nói động đến là em chồng em lại giận dỗi đòi chết.
Tin liên quan
Tâm sự:
Em kết hôn năm 21 tuổi, cũng hơn 3 năm rồi và cũng đã có 1 cậu con trai kháu khỉnh. Mẹ chồng em hiền lành, tốt tính còn bố chồng thì hơi gia trưởng nhưng nhìn chung, em không gặp vấn đề gì khi sống chung với ông bà. Duy có cô em chồng thì đúng là bà chằn, bất trị.
Em chồng cưới sau chúng em 1 năm nhưng sau đó không lâu thì 2 vợ chồng bỏ nhau do chồng có bồ. Vậy nên, cô ấy bế theo con trai, khi đó mới hơn 9 tháng tuổi, về sống cùng bố mẹ và vợ chồng em. Bây giờ, con trai của cô ấy cũng đi mẫu giáo rồi nhưng cô ấy không có ý định đi xin việc làm. Không kiếm ra tiền nhưng cô em chồng em lại tiêu tiền rất giỏi, đầu tóc rồi quần áo cô ta đổi mới, mua sắm liên tục. Vậy nhưng cứ hễ mọi người trong nhà nói động đến là em chồng em lại giận dỗi đòi chết… Việc nhà, em chồng em không động tay nhưng em nấu món gì cũng chê, lại còn ăn nói ngỗ nghịch, xấc xược. Em chồng cũng chưa 1 lần gọi em là chị (vì em kém cô ta 1 tuổi?). Có muốn “sai bảo” em cái gì cô ta cũng chỉ gọi “Này” trống không…
Bố mẹ chồng em biết tính cô ấy, cũng biết em phải nhẫn nhịn nhiều nên các cụ nói em đừng để bụng. Nhưng không để bụng sao được khi cô ta coi em như osin, đói cũng “Này, có gì ăn không?”; quần áo vứt ra cũng “Này, giặt giúp cái…”; con hết sữa cũng “Này, còn tiền mua cho cháu hộp sữa”; không có tiền đi đám cưới cũng “Này, còn tiền không”…
Tâm sự của độc giả xin được giấu tên.
Em chồng em đúng là bà chằn, bất trị.
Tư vấn:
Em chồng bạn đúng là "quá" thật. Đi lấy chồng, không ai mong muốn lại phải “chiến đấu” với cô em chồng như vậy. Câu “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” chắc đúng với trường hợp của bạn hiện nay.
Lạ một điều là những người trong gia đình (bố mẹ chồng, chồng) không có phản ứng gì sao? Hoàn cảnh của cô ấy cũng đáng thương nên chắc bố mẹ, anh trai cũng không nỡ “làm khó”, sợ con, em mình bị tổn thương?! Đã thế cô ấy lại là người không biết điều, không nhận thức được hoàn cảnh của mình, những tưởng “đây là nhà của mình”, chị dâu là người “ngoài”, có nghĩa vụ phải chăm sóc, phục vụ tất cả các thành viên trong gia đình. Khó tính, nói năng thiếu lễ độ, thiếu trách nhiệm... khiến cho cô ấy không giữ được hạnh phúc của mình. Trong lúc khó khăn, được bố mẹ, anh chị đón nhận, yêu thương mà không biết trân trọng, còn “làm mình làm mẩy”, cứ như mọi người là nguyên nhân gây ra bất hạnh cho cô ấy. Chắc trước kia cố ấy cũng được nuông chiều, nhiều khi “không biết mình là ai”.
Nhưng mình vẫn phải “sống chung với lũ”. Không thể vì cô ta mà đánh mất hạnh phúc gia đình mình, chồng con mình không có lỗi gì cả. Vậy, em là người khổ tâm nhất, em phải tự tìm cách giải thoát. Trước tiên em phải thưa chuyện với bố mẹ chồng để ông bà hiểu và “hỗ trợ” em. Có thể ông bà cũng bất lực vì “sợ con gái tự tử” nhưng ông bà cũng phải nhận thức được hoàn cảnh của con gái mình, nhắc nhở, bảo ban con, ông bà là người hiểu con nhất sẽ tìm được cách “nắn” con.
Thêm nữa, bạn nên trao đổi với chồng để chồng cùng với mình “tìm giải pháp” thích hợp. Ví dụ, nếu em gái bảo: “Này, giặt giúp quần áo cái” thì “Để anh, em bận để anh giặt cho”, nếu chê chị nấu ăn chả ra gì thì “Em muốn ăn gì để anh đi nấu cho”, hoặc nếu cô em chồng ngoắc tay hỏi: "Này còn tiền không” thì "Em cần tiền việc gì anh đưa cho”, luôn miệng ông bà, bác trai nhắc cháu ngoại: “Chào bác, gọi bác gái đi”...
Rất nhiều việc, lúc đầu có thể ngại, thấy khó vì em chồng có thể phản ứng, lườm nguýt... nhưng rồi em chồng sẽ thay đổi, khi tất cả mọi người trong gia đình cùng “vào cuộc”.
Về phía bạn phải hết sức kìm chế, nhẫn nhịn, kiểm soát thái độ, hành vi của mình (cố gắng không "cả giận mất khôn", lời nói lúc nóng giận dễ mất tình). Quan tâm, chăm sóc, yêu thương “con của em chồng”. Đứa bé cũng thiệt thòi, mua gì cho con cũng mua cho cả cháu. Con mình ăn gì, cho cháu ăn nấy (nếu cháu bé còn chăm kỹ hơn). Sinh nhật tặng quà cho cháu, cháu ốm chăm sóc nó khi “mẹ nó vắng nhà”. Rủ em chồng cùng nấu ăn, “nhờ” dạy chị mấy món ngon, hợp khẩu vị của bố mẹ. Em mệt mỏi, hỏi thăm, mua cho em viên thuốc, nấu cho em bát cháo. Nói năng với em chồng “một điều cô, hai điều cô”, vẫn đủ để nhắc cô về vị thế của mình nhưng không quá xa cách. Thỉnh thoảng đề nghị chồng đầu tư kinh phí để mình rủ em đi cà phê, làm đầu mới, mua bộ váy đẹp, đưa cả “đại gia đình” đi chơi dã ngoại đâu đó...
Không ai có thể từ chối sự yêu thương, chăm sóc, quan tâm tới mình. “Mưa dầm thấm lâu”, em chồng sẽ nhận ra tấm chân tình của chị dâu. May mắn em chồng tìm được hạnh phúc riêng của mình, em chồng sẽ trân trọng những lúc bần hàn. Nếu em chồng quyết định ở vậy nuôi con, mình cũng vui vẻ. Em thay đổi chính mình cũng là giúp bố mẹ chồng, giúp chồng thoải mái, hạnh phúc. Còn con mình nữa, chúng cũng trông vào mình để ứng xử với cô và em họ.
“Tu” tại gia rất khó. Nhưng em sẽ làm được nếu em có phương pháp đúng. “Xây” mới khó, “phá” thì dễ mà em.
>>> Mời độc giả đọc thêm các tâm sự đã được bác sĩ Thúy Hải tư vấn, tại đây.
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải
(Theo Congluan.vn)
(Theo Congluan.vn)
Bạn đang gặp rắc rối trong hôn nhân và tình yêu... muốn được chia sẻ? Hãy gửi thư về địa chỉ email: giadinh@emdep.vn, bác sĩ Hoàng Thúy Hải, nguyên chuyên gia tư vấn của chương trình Cửa số tình yêu, Đài Tiếng nói Việt Nam, sẽ tư vấn cho bạn trong thời gian sớm nhất.
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
6 tư thế yoga biến chân to như chân voi thành thon dài như đôi đũa