Ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại - vấn đề chưa bao giờ hết nóng
Tin liên quan
Gần đây trong một Group tâm sự trên facebook đã đăng tải một câu hỏi của FB Dũng Trần về việc ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại. Trong dòng tâm sự, chủ nhân của dòng trạng thái cũng thể hiện tâm trạng rối bời, bất ổn và hoàn cảnh của mình khi đứng trước quyết định, nên ăn Tết ở nội hay ngoại trước.
Bài viết trên Facebook thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Ảnh chụp màn hình facebook.
Bài viết nhận được sự quan tâm, chia sẻ và góp ý của rất nhiều người, chỉ qua 6 tiếng đăng tải đã thu hút được trên 1000 lượt like và comment. Điều đó cho thấy rằng, việc ăn Tết ở bên nội hay bên ngoại trước không chỉ là vấn đề quan tâm của riêng một cặp vợ chồng nào, mà đó là lo lắng của rất rất nhiều gia đình trẻ. Nhất là những cặp vợ chồng sống trong hoàn cảnh làm việc một nơi, hai bên nội ngoại lại ở xa nhau.
Facebook Dũng Trần kể lại câu chuyện của mình, hai vợ chồng làm ở Hà Nội, quê vợ ở Bắc Giang, quê chồng ở Nghệ An. Năm nào vợ cũng đòi về ngoại ăn Tết, nhưng bạn không đồng ý, vì bản thân là con một, gia đình bố mẹ già. Năm nào gia đình bạn cũng ăn Tết ở nội, mùng 3 Tết mới ra ngoại. Nhưng vợ không đồng ý, rồi khóc lóc. Bạn còn bày tỏ rằng, có việc này thôi nhưng năm nào vợ chồng cũng cãi nhau, mệt mỏi vô cùng.
Các bà mẹ trẻ rất hào hứng với chủ đề này. Ảnh chụp màn hình facebook.
Câu hỏi của Dũng Trần lập tức nhận được những comment, góp ý của bạn đọc. có người thì kịch liệt phản đối người vợ, cho rằng “lấy chồng thì phải theo chồng”, phải lo Tết nhà nội trước rồi mới đến nhà ngoại, nhất là ở gia đình chồng là con một. Nhưng facebook Ngọc Phạm lại nói: Tại sao nhiều người cứ có cái suy nghĩ " lấy chồng là phải theo chồng nhỉ ". Nếu lấy chồng gần thì không sao chứ lấy chồng xa như gia đình bạn chủ top thì người chồng hãy nghĩ cho vợ 1 chút, cả 2 đều xa gia đình, làm sao cho hài hoà, mọi năm ăn Tết nhà chồng rồi thì năm nay về nhà vợ ăn Tết trước xong mùng 2 về lại nhà chồng cũng được, chồng có bao giờ phải ăn Tết xa nhà đâu mà biết được cảm giác của người vợ thế nào.
Bên cạnh những ý kiến trái ngược nhau như vậy, thì có rất nhiều bạn có những comment ôn hòa hơn, chia sẻ cách giải quyết để được vẹn cả đôi đường.
Ảnh chụp màn hình facebook.
Bạn Huyền Nguyễn chia sẻ: Nhà mình cũng ở Hòa Bình- Yên Bái, năm nào cũng về nội ăn Tết rồi mùng 3 về ngoại. Biết ông bà ngoại buồn nhưng bên nhà chồng cũng chỉ có mẹ chồng, không về bà lại buồn. nên cứ về cả hai nơi là vui nhất, chứ về ngoại không về nội cũng không được.
Rất nhiều các bà mẹ trẻ, những người vợ cũng chia sẻ ý kiến cá nhân của mình, nhưng đều không giải đáp thỏa đáng được tình huống đặt ra.
Bạn Trịnh Nhung thì nhắn nhủ với bạn Dũng Trần rằng: “Bạn cần rõ ràng với vợ để từ năm sau không cần bàn cãi lại…”
Ảnh chụp màn hình facebook.
Được hỏi về vấn đề, nên ăn Tết bên nội hay bên ngoại trước, Chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên tổng đài tư vấn 18001769 - Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh cho biết: Việc tranh cãi ăn Tết bên nào chủ yếu xảy ra ở các cặp vợ chồng kết hôn dưới 10 năm. Vợ hoặc chồng đưa ra ý kiến của mình cũng là thể hiện cái tôi và những lý lẽ riêng, nên cũng không thể kết luận ai sai, ai đúng. Cách tốt nhất để “hạ lửa” và tháo gỡ vấn đề này chính là sự thỏa thuận, bàn bạc và nhất trí của cả hai vợ chồng.
Thường thì người phụ nữ sẽ có tâm lý, cả năm sống cạnh nhà chồng, chăm sóc cống hiến cho nhà chồng rồi, ngày Tết nên dành cho nhà đẻ, về để bù đắp cho người thân ruột thịt của mình. Còn người đàn ông sẽ nghĩ, phụ nữ lấy chồng phải theo chồng, cống hiến lo Tết nhà chồng là điều đương nhiên. Tất nhiên bố mẹ bên nào cũng quan trọng, cũng mong ngóng con về dịp Tết, vì vậy nếu được thì hãy chia lịch, sắp xếp thời gian hợp lý để hài hòa mọi chuyện.
Ảnh minh họa
Theo chị Phương, trước Tết, hai vợ chồng nên bình tĩnh ngồi lại bàn tính kế hoạch cho những ngày Tết, từ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đến việc đi Tết nội ngoại. Nếu có điều kiện thì chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội, nhà ngoại; còn nếu không khắc phục được thì năm nay ăn Tết cùng bên nội, sang năm ăn Tết cùng bên ngoại.
Còn những trường hợp hi hữu vợ chồng không thể thỏa thuận được lịch trình thì thay vì cãi vã, giận dỗi, hãy coi Tết là một trong những kỳ nghỉ của gia đình, làm sao để thời gian đó vợ chồng con cái thật vui vẻ. Biến những ngày bận rộn thành những trải nghiệm ý nghĩa, đừng quá quan trọng việc ăn Tết ở đâu. “Ngày nay, thay vì ăn Tết ở nhà nhiều người lựa chọn đi du lịch. Tôi nghĩ, đó cũng là một gợi ý thiết thực đối với những gia đình không tìm được tiếng nói chung trong việc ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại”, chị Phương gợi ý.
Đối với người Việt thì ngày Tết vẫn truyền thống, thiêng liêng, ý nghĩa, do đó, mỗi người, mỗi nhà nên thu xếp thời gian, cởi mở trong suy nghĩ để có kỳ nghỉ Tết ý nghĩa, vui vẻ, hạnh phúc bên người thân, gia đình nội ngoại.
Lê Hòa
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất