Đội cứu nạn giao thông nghĩa hiệp: Chàng trai hết lòng giúp người bị nạn (kỳ 1)
2016-05-04 07:15
- Trong gần 3 năm, Đội đã cứu giúp hàng trăm người bị tai nạn giao thông. Lòng nhân ái của những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đang được người dân địa phương hoan nghênh, tin tưởng.
Tin liên quan
Đã gần 3 năm nay, cái tên “Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh” đã trở nên thân thương với người dân Tây Ninh. Người đầu tiên sáng lập Đội chính là anh Đặng Văn Phúc (SN 1980, ngụ khu phố 6, phường IV, thành phố Tây Ninh).
Nói về lý do trở thành sáng lập viên của Đội cứu nạn, anh Phúc cho biết: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều tai nạn giao thông thảm khốc trên đường, nhất là lúc giữa đêm khuya, người bị nạn đau đớn nhưng không có ai giúp đỡ. Nhiều người đi đường thấy nhưng không dám đưa nạn nhân đi cấp cứu vì họ sợ liên lụy, phiền phức và bản thân không có kỹ năng sơ cứu, vận chuyển người bị thương. Chính vì vậy, tôi muốn thành lập Đội cứu nạn giao thông nhằm giúp đỡ những người bị tai nạn”.
Thành viên đội cứu hộ đang thực hiện việc thiện nguyện
Trước khi thành lập Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh, từ năm 17 tuổi, anh Phúc đã một mình làm việc nghĩa này. Hễ nhìn thấy tai nạn là chàng trai gác hết mọi công việc để giúp đỡ người bị nạn. Một, hai người rồi nhiều người biết việc anh làm, khi có người bị tai nạn, họ lại gọi anh đến. Không cần biết nạn nhân sai hay đúng, giàu hay nghèo, già hay trẻ, khi nghe tin tai nạn, anh gác công việc của mình để chạy đến sơ cứu rồi chở nạn nhân đến bệnh viện.
Nếu đi cứu nạn ban ngày thì ban đêm anh lại về tranh thủ làm những việc mà ban ngày chưa hoàn thành. Anh Phúc chia sẻ: “Công việc chạm khắc gỗ có thể gác lại một hai tiếng đồng hồ, nhưng việc cứu người thì không thể gác lại được, bởi liên quan trực tiếp đến tính mạng của họ”. Anh Phúc cho biết, mỗi khi đưa được nạn nhân đến bệnh viện, lòng anh rất nhẹ nhõm vì đã góp phần cứu người giữa lúc khó khăn, hoạn nạn.
Mặc dù việc làm này giàu lòng nhân ái và ý nghĩa, vợ anh lại cho rằng chồng đang “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Biết nỗi lo của vợ cũng là điều dễ thông cảm nhưng anh Phúc luôn nặng lòng với những người bị tai nạn nên không nỡ rời xa công việc thiện nguyện của mình.
Nạn nhân tham gia đội cứu nạn
Nghĩa cử cao đẹp của anh Phúc đã khiến nhiều người ngưỡng mộ. Chính vì vậy, có nhiều người đến xin tham gia cùng anh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Ban đầu, 2 người, 4 người, 7 người rồi con số lên đến hàng chục. Trong đó, rất nhiều người trước khi trở thành thành viên của Đội, họ chính là những nạn nhân được anh Phúc giúp đỡ.
Trường hợp anh Nguyễn Lê Thanh và chị Phan Thị Thanh Trúc là một ví dụ. Vào khoảng 22h ngày 5/6/2015, anh Phúc nhận được điện thoại của một người dân báo tin có tai nạn giao thông tại khu vực Lộ Chánh Môn, gần Tòa Thánh Tây Ninh.
Khi anh đến hiện trường, có một đôi nam nữ đang nằm giữa đường, bên cạnh là một chiếc xe gắn máy. Hai nạn nhân Nguyễn Lê Thanh và Phan Thị Thanh Trúc đã bị một người đàn ông say rượu tông vào. Lúc này, gã say rượu đang chửi mắng và đòi đánh hai nạn nhân.
Anh Phúc đến giải thích cho gã say về hành vi sai trái của mình và băng bó vết thương cho anh Thanh, chị Trúc lẫn gã say rượu. Sau khi được anh Phúc đưa vào bệnh viện, gia đình anh Thanh, chị Trúc đã biếu anh Phúc một chút tiền nhưng anh quyết không nhận.
Điều bất ngờ là cảm kích tấm lòng của anh Phúc, cả anh Thanh và chị Trúc đã gửi hồ sơ xin gia nhập Đội cứu nạn giao thông của một đôi nam nữ.
Anh Thanh chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng thương người của anh Phúc. Vì vậy, sau khi chữa lành vết thương đã quyết định gia nhập đội của anh Phúc để cứu giúp cho những trường hợp không may tương tự. Chúng tôi đã từng bị tai nạn nên hiểu người bị tai nạn rất cần được giúp đỡ”.
Một nạn nhân được đội giúp đỡ
Anh Võ Nhựt Linh (SN 1991), một trong những thành viên đội cứu nạn giao thông của anh Phúc, đang công tác ở Ban CHQS phường 4 thành phố Tây Ninh (Tây Ninh) cho biết: “Ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, tôi tham gia đội cứu nạn, vì theo tôi đây là việc làm có ý nghĩa, giúp được cho những người không may gặp tai nạn giao thông. Tôi cảm thấy vui vì mình làm được việc có ích cho xã hội”.
Còn cô giáo Đinh Thị Mỹ Loan - giáo viên Trường tiểu học Trương Định là thành viên của đội chia sẻ: “Phải thừa nhận là công việc tham gia cứu nạn khá vất vả, đặc biệt là vào ban đêm, nhưng khi mình làm được công việc có ích cho mọi người nhằm hạn chế hậu quả có thể xảy ra thì bản thân cảm thấy rất vui”.
Đội của anh Phúc còn có các thành viên nhỏ tuổi, là học trò của lớp dạy võ miễn phí do anh hướng dẫn. Đa số thành viên khi tham gia đều được trang bị những kỹ năng cơ bản trong sơ cứu y tế, một số người không có nghiệp vụ thì phụ giúp đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Tính đến nay, Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh đã có 32 thành viên, trong đó có 8 thành viên là nữ. Dù không phải là một cơ quan hay doanh nghiệp nhưng anh Phúc cũng rất bài bản trong việc “tuyển nhân viên”. Người vào Đội phải là người có lý lịch rõ ràng, tóc tai gọn gàng, trong lúc làm nhiệm vụ không được uống rượu. Nếu có ai vi phạm quy định đến lần thứ ba sẽ bị khai trừ ra khỏi đội.
Mời quý độc giả Emdep.vn đón đọc kỳ 2 về những việc làm nghĩa hiệp của đội cứu nạn giao thông vào 7h sáng 5/5/2016.
Sơn Tùng
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Gom đủ thất vọng rồi sẽ buông tay