Hoa hậu không phải sân chơi, đó là đấu trường, vì thế chưa bao giờ thôi khốc liệt

Hoa hậu không phải sân chơi, đó là đấu trường, vì thế chưa bao giờ thôi khốc liệt

2017-03-15 20:02
- Hoa hậu ư, đó là nơi hàng trăm cô gái đẹp bị loại từ 'vòng gửi xe'. Tiến được vào vòng chung kết cũng đừng vội yên tâm. Được báo chí dự đoán sẽ lọt Top cũng đừng vội vui. Và thậm chí đoạt giải rồi cũng đừng vội làm tiệc ăn mừng.

Lâu nay, các 'nhà sản xuất' Hoa hậu vẫn hay dùng mĩ từ cho chương trình của mình là 'sân chơi nhan sắc'. Trên thực tế, thời của 'sân chơi nhan sắc' đã trôi qua từ lâu. 

Khi mà các cô gái đẹp đủ thông minh để nhận ra rằng, có một danh hiệu Hoa hậu, Hoa khôi hay Người đẹp trong tay là có cả một tương lai rộng mở. Chứ không chỉ dừng lại ở chiếc vương miện mĩ kí hay chiếc xe đạp mifa màu xanh của thời Hoa hậu Bùi Bích Phương. 

Và nhất là, khi các cô gái đẹp ôm giấc mộng showbiz phù hoa nhận ra rằng, không có cách nào để đặt chân vào làng giải trí nhanh chóng, dễ dàng hơn là một danh hiệu Hoa hậu. 

Thời của sân chơi nhan sắc, thời của những cô gái đẹp đi thi chỉ để đánh dấu một kỉ niệm thanh xuân như Bùi Bích Phương đã qua lâu lắm rồi 

Kể từ ấy, sân chơi nhan sắc đã chuyển mình thành đấu trường. Sân chơi thì vui là chính. Còn đấu trường, dĩ nhiên đấu là chính. 

Đến cuộc thi của các quý bà thành đạt - nghĩa là ngoài đẹp thì còn thông minh và giàu trải nghiệm - trong mùa đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam cũng đủ khiến báo chí đau đầu tốn giấy mực vì những vụ tố nhau qua lại giữa các người đẹp đã qua thời xanh non nông nổi. 

Thế mới biết, ai lãng mạn cho đó là sân chơi thì cứ việc, còn các người đẹp tham dự vào khu vực đó luôn tự cho mình là một chiến binh. 

Ai lãng mạn bảo nhan sắc là sân chơi? 

Vậy nên, hậu cung của các cuộc thi nhan sắc trong chục năm trở lại đây lúc nào cũng nhộn nhịp. Thí sinh tố nhau, các quản lý của thí sinh tố nhau, rồi chơi xấu nhau, tung tin cô này chảnh chọe, cô kia kiêu ngạo, cô khác có đại gia chống lưng. 

Mỗi mùa Hoa hậu Việt Nam, BTC luôn méo mặt với những đơn thư tố cáo thí sinh nặc danh. Không ít trường hợp Ban giám khảo đã ngầm chấm cô này rồi thì hôm sau bỗng chưng hửng vì có đơn thư tố cáo chính cô gái nổi bật nhất ấy. 

Thành ra, đôi khi, thay vì chọn 'người đẹp nhất', BTC phải chọn 'người an toàn nhất' sau rất nhiều kinh nghiệm đau thương. 

Ví như, năm 2006, có lẽ rút kinh nghiệm từ tai tiếng Á hậu Trịnh Chân Trân năm 2004, BTC Hoa hậu Việt Nam đã chọn Mai Phương Thúy thay vì Lưu Bảo Anh. 

Mặc dù rõ ràng, về mặt ngoại hình, sự trẻ trung trong sáng của Thúy không sánh được với nhan sắc đang độ rực rỡ nhất của Bảo Anh. 

Mai Phương Thúy cao nhưng thân hình thô, dáng đi hơi gù, da đen, răng xấu. Trong khi Bảo Anh có vóc dáng mềm mại, làn da trắng sứ, gương mặt căng mọng. 

Tiếc thay, đơn thư tố cáo Bảo Anh quá nhiều trong khi BTC không thể xác minh tường tận. Kết quả chung cuộc, Bảo Anh chỉ giành ngôi Á hậu. 

  Bảo Anh và Mai Phương Thúy, ai đẹp hơn không quan trọng bằng ai 'an toàn' hơn 

Những đơn thư tố cáo ấy đến từ đâu? Dĩ nhiên chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ và đoán định được. Các người đẹp cũng đủ khôn ngoan để nhận thức rằng, họ không chỉ phải cảnh giác với những người ngoài kia mà còn phải cảnh giác với những người trong này. 

Bởi các thí sinh ngoài việc tập trung cho lịch trình hoạt động dày đặc của cuộc thi thì còn dành khá nhiều tâm sức vào việc 'soi' nhau. Ai đã nâng mũi, ai đã chỉnh nha, ai đã tiêm botox cơ hàm, ai đã độn silicon… 

Chính những chiến binh là người phát hiện 'giúp' BTC, đôi khi dưới sự hậu thuẫn của các quản lý sau lưng. 

Thế mới nói, vào đến vòng chung kết rồi cũng đừng vội yên tâm. Bởi các người đẹp có thể được gọi tên để… xách va ly ra về bất cứ lúc nào. Thậm chí là ngay trước giờ chung kết. 

Có người nói, muốn thảnh thơi thi Hoa hậu thì bản thân phải không có tì vết. Không đại gia chống lưng, không gian dối lí lịch, không có bảng điểm xấu và không thẩm mỹ. 

Nhưng có mấy người đẹp đã liều thân đặt chân vào đấu trường nhan sắc mà lại giữ được sự thảnh thơi. Chí ít là, đã tập trung đi thi nhan sắc hết đấu trường này tới đấu trường khác thì lấy đâu ra một bảng điểm hoàn hảo. 

Chưa kể, mấy người đẹp sắc nước hương trời mà không nằm trong tầm ngắm đại gia. Thế là vừa thi lại vừa run. Vừa thi vừa lo kẻ tọc mạch nào đó gửi đơn thư tố cáo lên BTC hay bồn chồn hồi hộp không biết chiếc răng bọc sứ kia, chiếc mũi độn sụn kia đến khi nào bị phát giác ra. 

Để tồn tại được trong một đấu trường nhan sắc cho đến hết đêm chung kết đã khó. Chọn sai đấu trường để chiến đấu lại càng khó hơn. 

Mỗi đấu trường có một tiêu chí riêng về nhan sắc và lí lịch của nhan sắc. Song, các người đẹp, đôi khi vì quá tham vọng, quá khát khao vương miện mà nhắm mắt làm liều, biết những điều cấm kị mà cứ tự động viên an ủi mình biết đâu trót lọt. 

Kết quả là sai một li mà đi cả dặm. Trường hợp của Nguyễn Thị Thành là một trong số đó. 

Nguyễn Thị Thành đã chọn nhầm đấu trường ngay từ bước đầu tiên và đã bị trả giá cho sai lầm nghiêm trọng này. 

Vẻ đẹp của Nguyễn Thị Thành vốn không phù hợp với Hoa hậu Việt Nam. Ngay cả khi tiêu chí của cuộc thi này khá thất thường, vừa có thể chọn vẻ đẹp của Đặng Thu Thảo lại vừa có thể chọn vẻ đẹp của Nguyễn Cao Kỳ Duyên. 

Hoa hậu Việt Nam vốn rất bảo thủ trong quan điểm về giải phẫu thẩm mỹ. Đã có rất nhiều thí sinh phải tự nguyện hoặc bắt buộc rời cuộc thi vì chỉnh vách ngăn mũi hay làm răng của các mùa thi trước, mà Nguyễn Thị Thành vẫn bọc răng sứ cho hàm răng nguyên thủy không hề xấu của mình là một sai lầm. 

Cách Thành ứng xử với BTC khi phải rời cuộc chơi là một sai lầm tiếp theo. Bản thân cô đã bày tỏ sự ân hận về điều này. Nhưng sai thì đã sai rồi. Hậu quả là dù đã cầm vương miện trên tay rồi mà Nguyễn Thị Thành còn không thể mở tiệc mừng. 

Phạm Hương, người thầy tinh thần của Nguyễn Thị Thành, cũng đã thất bại tại Hoa hậu Việt Nam 2014 vì lí do chọn sai đấu trường. 

Vẻ đẹp quá mạnh mẽ và hiện đại của Phạm Hương chưa bao giờ ưng mắt BTC Hoa hậu Việt Nam. 

Chưa kể, Hoa hậu Việt Nam chưa bao giờ thích những người đẹp 'ngựa chiến', những người đẹp đã đi thi nhan sắc quá nhiều, đã quá quen mặt và có quá nhiều kinh nghiệm 'trận mạc'. 

Đấu trường này đề cao vẻ trong sáng, tự nhiên, nguyên sơ, có chút vụng về thì càng tốt. Thế thì Nguyễn Cao Kỳ Duyên mới được đặt ở ngôi vị cao nhất, bỏ xa Phạm Hương phía sau. 

Chỉ đến Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, cuộc thi chuộng cái đẹp năng động, nóng bỏng thì Phạm Hương mới có cơ hội tỏa sáng. 

  Phạm Hương dù nổi bật thế nào thì Hoa hậu Việt Nam 2014 vẫn phải là Nguyễn Cao Kỳ Duyên 

Một bản lí lịch sạch, một vẻ đẹp chưa có can thiệp của thẩm mỹ lẫn kĩ năng hay kinh nghiệm như Kỳ Duyên mới là lựa chọn của đấu trường Hoa hậu Việt Nam 

Việc chọn sai đấu trường khiến nhiều người đẹp cứ trày da tróc vảy ở hết cuộc thi này tới cuộc thi khác mà xôi hỏng bỏng không. 

Không phải ai cũng may mắn như Phạm Hương, Nguyễn Thị Loan hay Nguyễn Thị Lệ Nam Em. Nhiều người đẹp thi nhiều và thất bại nhiều đến chán mắt công chúng thay vì làm họ trân trọng hay cảm phục. 

Rồi khi không tìm kiếm được cơ hội giành danh hiệu trong nước, họ lại tìm đến các cuộc thi ở nước ngoài theo đường 'thi lậu'. 

Việc phải có bằng được một tờ chứng nhận nhan sắc đủ để công chúng thấy những người đẹp không phải đang chơi cuộc chơi của tuổi trẻ mà giống tay mê đỏ đen đang cay cú trong sòng bài hay kẻ chiến binh ngùn ngụt một phen thắng thua trên sàn đấu so găng. 

Tự bao giờ, Hoa hậu - nơi người ta tôn vinh nhan sắc bằng sự tán thưởng của công chúng lại trở thành nơi để người ta dùng các chiêu trò giành giật ngôi vị lẫn tiếng tăm; nơi lẽ ra là cuộc tụ hội của những bông hoa muôn sắc muôn hương lại trở thành cuộc chiến khốc liệt của những chiếc gai sắc nhọn?  

Theo Pink/Thoidai.com.vn

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mẹo giúp ngăn ngừa nhức đầu trong ngày nắng nóng

Đọc nhiều nhất