Ngừng thắc mắc: Hãy để yên cho "gái ế" ăn Tết!

Ngừng thắc mắc: Hãy để yên cho "gái ế" ăn Tết!

2018-02-19 06:59
- Ế hay không chỉ là một sự lựa chọn của chính con gái chúng ta - đơn giản là tận hưởng cuộc sống chưa có bồ. Tết được bao nhiêu mà phải vì mấy câu nói ra vào mà tự làm khổ bản thân.

Cô bạn tôi, năm nay 27 tuổi, đã tuyên bố thẳng thừng năm nay sẽ không về quê ăn Tết nữa. Lý do âu cũng chỉ bởi cái chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi" là năm nào cũng như năm nào, từ hồi ra trường đến nay, cứ về nhà dịp lễ Tết, y như rằng nó sẽ phải ngồi yên chịu trận trước 1001 câu hỏi của họ hàng. Mà câu hỏi thì bao nhiêu năm vẫn vậy, nguyên một cấu trúc, nguyên đối tượng bị hỏi, chẳng thay một dấu chấm dấu phẩy: "Thế có người yêu chưa?"/"Sao không đưa người yêu về ra mắt?"/"Bao giờ lấy chồng?"/"Con gái lớn không lấy chồng thì làm gì?"/"Ơ thế ế à?"… 

Nó dọa bố mẹ nó cho vui hay quyết tâm thể hiện thái độ đến cùng, tôi chẳng biết, tôi chỉ biết, dẫu nó có không về thật thì cũng không thay đổi được sự thật nó vẫn bị gán cho cái mác "gái ế", vẫn sẽ bị giục giã cho đến khi vấn đề chồng con của nó được giải quyết thì mới thôi.

Đấy là câu chuyện của cô bạn tôi, nhưng tôi tin, có hàng ngàn, hàng triệu cô gái đến tuổi cập kê ngoài kia cũng từng ít nhất một lần rơi vào tình trạng như thế, từ chán nản đến mệt mỏi phát bực vì chuyện kết hôn, lập gia đình. 

Những câu hỏi lúc đầu thể hiện sự quan tâm, hàm ý vui mừng vì con cháu mình đã lớn nay dần dà thay đổi ý nghĩa, một phần mang ý đe dọa, một phần khác hóa thành áp lực, định kiến đè nặng lên vai con gái. Sau khi lớn lên, phải có bạn trai, phải lấy chồng, phải sinh con trở thành "nghĩa vụ" mà một cô gái bắt buộc phải hoàn thành nếu không muốn bị coi như kẻ sống ngoài quỹ đạo. Hoặc đơn giản và dễ hiểu hơn là tự nhiên bạn được dành tặng thêm một cái biệt danh "ế" nghe chẳng vui vẻ gì. 

Mặc dù biết ngoài những soi mói thái quá đội lốt quan tâm thì vẫn có những người thực sự hy vọng bạn tìm được bến đỗ bình yên, hạnh phúc cả đời, nhưng đến bao giờ mọi người mới chịu hiểu 1 năm 365 ngày, những người trẻ tầm tuổi bạn đã phải nghe quá đủ những lời giục như lời hò: Yêu đi! Lấy chồng đi! Mỗi người một mục đích, nhưng người chịu trận cuối cùng thì luôn là con gái – "quả bom nổ chậm" của gia đình. 

Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao đã "làm khổ" nhau cả năm rồi mà Tết đến không để con gái người ta yên thân nhỉ? Tết, người được nghỉ nhiều thì 7, 10 ngày, người nghỉ ít thì 3, 4 ngày thôi, vậy mà vẫn có những người sẵn sàng dành ra quá nửa thời gian trong số đấy chỉ để làm khó một vài người khác bằng vô vàn câu hỏi han, bằng hàng loạt cuộc tư vấn tình cảm, mai mối…

Để rồi trên đời xuất hiện những cô gái như cô bạn tôi kể ở trên, có nhà, có quê mà Tết không dám về. Nghe thôi đã thấy khổ rồi! 

Mà kể cũng lạ, chẳng hiểu ai là người đã nghĩ ra khái niệm "gái ế". Chỉ một danh từ không biết có được liệt vào từ điển ấy không mà bao nhiêu khái niệm khác đã bị bóp méo. Vì nó mà con gái bỗng bị coi như món hàng, bị đem ra phán xét dù rõ ràng, con gái sinh ra là để yêu thương chứ không phải để bán buôn mà ế với chẳng đắt.

Chuyện "ế" hay không vốn không phải do xã hội quyết định mà đó là lựa chọn riêng của mỗi cá nhân cô gái. Điều đó có nghĩa là, không có cô gái nào "bị ế" mà đơn giản, họ đang chọn tình trạng mối quan hệ là "ế" thế thôi. Độc thân hay kết hôn chỉ là một trong vô vàn sự lựa chọn mà một người có thể chọn để sống cuộc đời mình. 

Kiên trì cũng được, thỏa hiệp cũng được, chỉ cần bạn cố gắng và cảm thấy không làm bản thân thất vọng, vậy là đủ rồi. Về phần người khác, cho dù bạn kết hôn, họ vẫn sẽ tìm được chuyện khác để dông dài, để bàn tán về bạn mà thôi: Sao bạn chưa sinh con? Sao bạn lại sinh con gái? Bạn hào phóng, họ sẽ nói bạn dối trá, bạn keo kiệt, họ sẽ nói bạn không biết cách đối nhân xử thế. Nếu lúc nào cũng phải để ý đến câu hỏi của người khác, vậy bạn sẽ vô tình bị người khác nô dịch tinh thần. Đó mới thật sự là đáng thương! 

Không phải đã có quá nhiều ví dụ thực tế cho thấy vì thoát khỏi cảnh độc thân mà vớ bừa một ai đó tạm bợ là một quyết định không thể ngu ngốc hơn ư?  Khi bạn 24, 25 tuổi, tôi không nói bạn còn trẻ nhưng tôi cũng không tin rằng tất cả trong số các bạn đã đủ sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân cả về suy nghĩ lẫn tâm thế. Một nhượng bộ để làm vui lòng người lớn lúc này rất có thể sẽ phải trả giá bằng những mất mát lớn lao mà bạn không thể đoán trước được. Suy cho cùng, vội bao giờ cũng không tốt mà. 

Vậy nên các cô gái ơi, hãy cứ bình tĩnh mà sống. Trên đời này chỉ  có tình yêu nên chuyển sang giai đoạn kết hôn chứ không hề có cái gọi là độ tuổi kết hôn. 

Hãy hỏi bản thân mình một chút, bạn có hài lòng với cuộc sống hiện tại không? Đừng nhượng bộ, cũng đừng qua loa cho xong, cứ tìm một phương thức cải thiện tình hình dễ dàng nhất, thiếu tiền thì kiếm tiền, thiếu thời gian tìm thời gian, thiếu tình cảm thì bồi dưỡng thêm tình cảm, ít nhất đừng cố đeo cho mình hai chữ "gia đình" lên lưng chỉ vì người khác. 

Đừng mù quáng hâm mộ người khác, cứ yêu thương bản thân mình trước. Thích hợp sẽ thích hợp. Cưỡng cầu có ích lợi gì? Không có người yêu thì không có người yêu, vậy thôi. Vui vẻ cũng là một ngày mà âu sầu cũng thế, vậy tội tình chi phải chọn vế sau. Nếu bạn có thể lấy chồng thì cuối cùng vẫn sẽ lấy được chồng, chuyện sớm hay muộn mà thôi. 

Tết được bao nhiêu mà phải vì mấy câu nói ra vào mà tự làm khổ bản thân. Hãy ghi nhớ một điều, mỗi mùa xuân sang, bạn lại qua thêm một tuổi rồi, cứ tận hưởng đi thôi! Con gái bây giờ hẳn là nên tự làm chủ cuộc sống của mình, hẳn là nên yêu thương bản thân mình hơn một chút, có cái nhìn thấu đáo về hôn nhân hơn một chút. 

Một cô gái ở độ tuổi 20 chưa hiểu gì lại lựa chọn lấy chồng, đến khi 30 tuổi, rất có thể bạn sẽ phát hiện ra cuộc đời mình trước giờ chỉ vì một người khác mà sống. Một cô gái khác cố gắng phấn đấu đến 30 tuổi, có sự nghiệp, có nhà, chuyện gì cũng thông thấu thì việc kết hôn hay không chẳng hề ảnh hưởng đến cuộc đời của cô ấy cả. 

Thế giới này cho tới bây giờ cũng không có những cô gái bị tình yêu và hôn nhân bỏ qua nên bị ế, cũng không có những cô gái chẳng thể lấy được ai. Không yêu bản thân, không quan tâm cuộc sống của chính mình, không hiểu cách làm mình trở nên tốt hơn, mới là "gái ế".

Những cô gái ấy bị "ế" trong quyền uy của người đàn ông, bị "ế" trong dư luận đạo đức, bị "ế" trong những quy chụp của xã hội với lối suy nghĩ truyền thống. Đem cuộc đời mình phó thác cho một người khác, không có năng lực, không đủ khả năng nuôi sống mình, thế mới là "gái ế". 

Nhớ nhé, con gái phải độc lập cả về kinh tế và tư tưởng mới có tư cách truy cầu cuộc sống tốt đẹp nhất cho bản thân. Con gái, nên và phải sống vì mình trước khi vì người khác! 

Theo Tom/Helino

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chung Sở Hy khoe cổ thiên nga cực gợi cảm trong bộ ảnh mới

Đọc nhiều nhất