Mẹ chồng chỉ vào mặt con dâu nói: 'Nên nhớ, phận con dâu chỉ là mớ rau, mớ rác trong nhà thôi'
Tin liên quan
Tôi năm nay 27 tuổi, đã lấy chồng được 3 năm. Chồng hơn tôi 5 tuổi, là con trai một trong một gia đình có 4 anh chị em. Bố mẹ chồng đều là giáo viên đã về hưu.
Sau khi ra trường, cả tôi và chồng đều làm ở Hà Nội. Như bao cặp vợ chồng không có điều kiện khác, chúng tôi lấy nhau rồi vẫn phải ở nhà thuê. Cuộc sống của vợ chồng tôi bấp bênh khi tôi làm kế toán công ty nhỏ với mức lương chỉ 5 triệu/tháng. Còn anh cũng đi làm thuê cho 1 tiệm sửa xe máy, lương tháng chỉ gần 7 triệu đồng.
Sống giữa Hà Nội, từ cái tăm cũng phải bỏ tiền ra mua. Vì thế cuộc sống của vợ chồng tôi khá chật vật. Nhất là sau khi sinh con, cuộc sống càng khó khăn hơn khi con tôi hay ốm đau. Vì thế, khi con được 2 tháng tuổi, tôi và con về quê sống cùng với bố mẹ chồng.
Chồng tôi vẫn đi làm ở Hà Nội. Chúng tôi chịu cảnh sống xa nhau như thế trong vòng khoảng 7 tháng. Cuối cùng chồng tôi cũng quyết định nghỉ việc, về quê tìm việc mới.
Cuộc sống của tôi chính thức thay đổi từ khi chấp nhận ở nhà chồng nuôi. Ảnh minh hoạ.
Cuộc sống của tôi chính thức thay đổi từ đó. Ở nhà chồng, vì ông bà nội vẫn đi làm đồng áng quanh năm nên tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Để có tiền tiêu vặt, tiền sữa cho con, tôi cố gắng duy trì việc bán hàng trên mạng. Còn chồng tôi, về quê cũng xin được làm nhân viên cho một cửa hàng sửa xe máy với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Từ ngày về nhà chồng ở, trong mắt mọi người, tôi là kẻ ăn bám, ở nhà trông con. Có lẽ vì vậy mà tôi bị mẹ chồng phân biệt đối xử một cách cay nghiệt. Có nằm mơ tôi cũng chẳng nghĩ được mình lại bị ức chế như vậy khi bước chân về nhà chồng.
Chuyện thật ra cũng không có gì nhiều, chỉ xoay quanh việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Chẳng là, mẹ chồng tôi có thói chỉ coi con mình đẻ ra mới là báu vật, còn con gái nhà khác về làm dâu thì là rau là rác.
Có lúc tự hỏi, thời đại nào rồi mà bà còn yêu cầu tôi phải sống cảnh đàn bà con gái trong nhà không có quyền được nói, được ăn, phải hy sinh tất cả vì chồng vì con.
Nghĩ lại những câu chuyện thường xuyên diễn ra trong mâm cơm mà tôi trào nước mắt. Hễ có món gì ngon, là ngay từ đầu bữa bà đã nói: “Cái này thằng Hưng (tên chồng tôi) ăn thì hợp”, “Cái này để cho bố nó ăn”. Hay tôi đang gắp miếng gì đó, thì lập tức bà lại nói con trai bà ăn nốt đi như thể ăn đi không tôi ăn.
Chưa kể, vì ở trông con nên khi ăn cơm, tôi cũng phải bế con cho chồng ăn trước. Ban đêm ngủ mà con quấy khóc, tôi cũng phải bế con mà không được gọi chồng dậy trông giúp. Mua cái gì về, bà cũng bắt phần chồng tôi. Bà bảo ở nhà thì ăn cái gì cũng được.
Rồi còn kiểu, chồng tôi luôn được ăn cơm vừa nấu mới tốt, Còn con dâu vì ở nhà nên chỉ cần ăn cơm nguội thôi. Ngày nào còn thừa cơm nguội là tôi lại nghe điệp khúc: “Cơm còn thừa, hấp vào mẹ với con ăn mỗi người bát cho hết. Bỏ đi phí của lắm”.
Vậy là triền miên, tôi phải thưởng thức bát cơm mà lẽ ra nhà người khác đã bỏ đi ấy. Nói không phải quá nhưng tóm lại là những thứ gì được coi là cơm thừa, canh cặn thì bà nhận bà ăn và không quên kèm thêm cả phần của con dâu là tôi ở đó.
Nhưng đó mới chỉ là khi có 1 mình chồng tôi ở nhà. Khi nào cuối tuần cả nhà chồng 3 cô con gái tụ họp ăn uống tôi mới thấy cảnh làm dâu của mình cay đắng. Mẹ chồng và các em chồng tha hồ chăm sóc cho nhau, họ xum xoe gắp cho nhau ăn, hối nhau ăn thật nhiều.
Thậm chí mẹ chồng tôi còn dồn hết đồ về phía con gái, con trai với lý do: “Con N (tên tôi) nó ăn ít lắm, chúng mày ăn được cứ ăn đi, thừa nó phí”. Nghe bà nói vậy tôi điên tiết. Chẳng nhẽ lúc đó tôi xin phép đứng lên vì không nuốt nổi với cảm giác tủi thân trào dâng, uất nghẹn lên tận cổ. Nhưng tôi vẫn phải cố gắng cười nói để không làm mất không khí vui vẻ của gia đình.
Đặc biệt, chiều tối qua đến giờ nấu cơm, bà mang một hộp đùi ếch ra bảo tôi mang đi mà chiên bột. Nhưng nếu chỉ như thế thì cũng chẳng nên chuyện. Tay bà vừa đưa miệng vừa nói: “Mang cái này mà chiên cho thằng Hưng với ông ăn”.
Đã nhiều lần tôi phải nghe kiểu nói như vậy, trong lòng cảm thấy đắng ngắt. Lần này tôi không im lặng và tủi thân nữa, tôi dõng dạc hỏi lại: "Thế chồng con và ông nội ăn đùi ếch chiên rồi thì con và bà ăn gì ạ?”.
Mẹ chồng tôi im lặng một lúc rồi trả lời được: “Mình đàn bà ăn gì chẳng được! Chan bát cơm với canh cũng xong!”. Nói xong bà nhìn tôi từ đầu đến chân và chỉ vào tôi bảo: "Mà con thắc mắc gì. Con nên nhớ, phận con dâu chỉ là mớ rau, mớ rác trong nhà thôi. Vì thế, đã đi làm dâu là cấm được quyền ý kiến và đòi hỏi".
Mẹ chồng tôi chì chiết: "Đã đi làm dâu là cấm được quyền ý kiến và đòi hỏi". Ảnh minh hoạ.
Thật sự lúc đó tôi đã muốn to tiếng cãi nhau với mẹ chồng. Nhưng đúng lúc đó chồng tôi cũng về nhà. Tôi thấy mẹ chồng kéo anh ra ghế, kể cho anh nghe mọi chuyện vừa xảy ra.
Cứ nghĩ, tôi sẽ nhận được lời bênh vực hay sẽ nhận được lời động viên, hoặc một phương hướng giải quyết nào đó, ai ngờ, tôi lại còn bị chồng bước tới quát cho 1 trận vì cái tội: "Đã ở nhà chồng nuôi còn lớn tiếng với mẹ". Anh cũng cấm không cho tôi được quyền ý kiến gì khi ở nhà chồng bởi gia đình anh từ trước đến nay không có chuyện các con cãi lại bố mẹ.
Về nhà chồng 3 năm mà tôi chỉ được chồng và nhà chồng coi là mớ rau mớ rác trong nhà. Có ai cay đắng như tôi không? Dù rất yêu chồng, nhưng sống như thế này tôi thấy ngột ngạt quá. Tôi đang nghĩ tới 2 từ ly hôn nhưng sợ tôi sợ bố mẹ đẻ tôi sốc. Tôi phải làm sao khi nhà chồng và chồng tôi đều coi thường tôi đây?
B.H (Thái Bình)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất