Là tiểu thư, thiếu gia nhà con một, chúng tôi đang chịu áp lực nặng nề

Là tiểu thư, thiếu gia nhà con một, chúng tôi đang chịu áp lực nặng nề

2017-04-02 18:50
- Làm con một không sung sướng như nhiều người nghĩ. Những tiểu thư, thiếu gia này luôn phải chịu đựng nỗi cô đơn khi không có anh chị em hoặc phải gánh vác trách nhiệm gấp nhiều lần những đứa trẻ có nhiều anh chị em.

Làm con một không sung sướng như mọi người tưởng

Hoàng Phúc là con một trong gia đình giàu có và nhận được trọn vẹn tình yêu thương của bố mẹ. Bất kể một món đồ nào dù đắt tiền đến mấy, chỉ cần Phúc muốn thì sẽ được bố mẹ mua cho.

Cũng vì là con một nên gánh nặng thừa kế công ty của gia đình đè lên vai thiếu gia này. Ngay từ nhỏ, Phúc đã được bố mẹ đưa đi học các lớp năng khiếu nghệ thuật để thể hiện tố chất của người thừa kế, đi học văn hóa thì môn nào cũng phải học tốt.

Phúc biết mình là đứa con duy nhất được bố mẹ đặt toàn bộ hi vọng và sự tự hào nên cảm thấy rất áp lực. Nhiều lúc anh cảm thấy rất cô đơn, mong ước có được một người anh hay em để cùng nhau chia sẻ áp lực trong cuộc sống.

Áp lực nặng nề khi sinh ra đã là con một

Những đứa con một luôn thiệt thòi khi không có anh chị em sẻ chia khó khăn, áp lực cuộc sống. Ảnh minh họa.

Khác với Hoàng Phúc, Diệu Anh sinh ra là con một của một gia đình cơ bản, nề nếp. Dù là tiểu thư duy nhất nhưng Diệu Anh không được chiều chuộng yêu thương như những đứa con một khác. Cô luôn nhận được sự chăm sóc có phần khắt khe của gia đình.

Bởi bố mẹ Diệu Anh cho rằng "đã là con một thì càng phải nghiêm khắc dạy dỗ, chiều chuộng quá sẽ khiến bản thân tưởng là cái rốn của vũ trụ, sẽ sinh hư". Khi nhìn bạn bè cùng trang lứa có chị, có em đi đâu cũng có nhau, Diệu Anh lại cảm thấy tủi thân khi mình là con một.

Niềm mong muốn càng lên đến đỉnh điểm khi Diệu Anh bị gia đình nhà người yêu từ chối khi biết cô là con một. Họ nói rằng kể cả khi cưới về thì cô vẫn phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc bố mẹ khi già yếu. Cô sẽ không thể toàn tâm toàn ý để lo lắng cho chồng con và nhà chồng được.

Nỗi cô đơn không chỉ đến với những đứa con mà đến với ngay cả những ông bố bà mẹ có con một. Như gia đình bác Điệp (Đà Nẵng) chỉ có duy nhất một đứa con trai, cả nhà dồn hết niềm yêu thương vào đứa con này.

Khi đến tuổi trưởng thành, cậu con trai sang Pháp làm việc và cưới vợ, định cư luôn ở nước ngoài. Không có con cháu trong nhà nên bác Điệp cảm thấy rất hiu quạnh, trống trải. Lúc đó, bác Điệp mới ước có thêm đứa con gái để ở gần, chăm sóc mình lúc tuổi già.

Cũng giống như gia đình bác Điệp, cô Hằng (Hà Nội) cũng chỉ có một đứa con trai duy nhất, thế nhưng đứa con trai này lại nhất quyết vào Nam lập nghiệp, sống tự lập và không ở chung cùng bố mẹ. Chiều con nên cô đồng ý để con ra ở riêng nhưng trong lòng cảm thấy rất buồn rầu vì không được ở gần con, luôn lo lắng cho sức khỏe của con. 

Kết giao bạn bè, đi du lịch thường xuyên để giải quyết nỗi cơ đơn

TS. Phương Hoa (Khoa Tâm Lý - Giáo dục, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên) cho biết: "Cảm giác cô đơn của những đứa con một trong gia đình xuất phát từ sự bao bọc kỹ càng của bố mẹ. Vì là con một nên đứa con phải gánh lấy sự kỳ vọng duy nhất từ bố mẹ, sẽ chỉ chăm chăm lo lắng làm sao để không làm bố mẹ thất vọng tạo nên áp lực trong suy nghĩ. Thường thì những đứa trẻ ấy sẽ cảm thấy muốn được chia sẻ gánh vác này cùng ai đó nhưng không có anh chị em nên chắc chắn sẽ cảm thấy cô đơn".

TS Phương Hoa cho biết thêm, để thoát khỏi sự cô đơn, có thể thử rất nhiều cách như kết giao bạn bè nhiều hơn, mở lòng hơn, tận hưởng các niềm vui trong cuộc sống, đi du lịch, tham gia các hoạt động xã hội, nuôi thú cưng...

Trong trường hợp của Hoàng Phúc, anh đã quyết định vượt qua nỗi cô đơn bằng cách kết giao nhiều bạn bè, tìm đến những người bạn tâm giao để tâm sự, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Phúc tham gia những cộng đồng khởi nghiệp trẻ tuổi để vừa giao lưu với những người cùng trang lứa, vừa học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, chuẩn bị tốt cho việc thừa kế công ty của bố mẹ.

Về phần Diệu Anh, sau khi trải qua cú sốc khi bị gia đình người yêu từ chối, cô nhận ra bố mẹ mới là nơi đón nhận, yêu thương cô. Vì muốn cô được chăm sóc tốt nên đã không sinh thêm con, để dành tiền bạc và công sức cho đứa con gái duy nhất.

Khi không cảm thấy mình thiệt thòi vì là con một nữa, Diệu Anh đã quyết định mở lòng hơn với bố mẹ, trò chuyện nhiều hơn và thường xuyên đưa bố mẹ đến nhà họ hàng thăm các anh chị em họ.

Bị gia đình người yêu từ chối vì là con một

Không thể ngồi yên để chịu đựng nỗi cô đơn khi con cháu không ở bên, vợ chồng bác Điệp cũng đã quyết định đi du lịch nước ngoài trong những ngày tháng về già. Mỗi tháng, cậu con trai ở Pháp lại gửi tiền về để bố mẹ đi du lịch. Thăm thú hết các cảnh quan trong nước và các nước trong khu vực, vợ chồng bác Điệp lại đến châu Âu chơi rồi tranh thủ tạt vào nhà con trai ở Pháp để thăm các cháu.

Bác Điệp tâm sự: "Hai vợ chồng tôi đã đi gần 15 nước rồi, chủ yếu là các nước ở châu Âu để có thể vào thăm con. Con cháu thành đạt nhưng ở xa nên chỉ có thể đi du lịch để khỏa lấp nỗi cô đơn trong lòng, thi thoảng sang thăm và gặp được con thì tốt".

Riêng cô Hằng thì không lựa chọn đi du lịch xa, dù đã về hưu nhưng vẫn còn rất khỏe nên cô tham gia vào các hội nhóm tại phường, thường xuyên đi làm các hoạt động tình nguyện cùng hội phụ nữ.

Đặc biệt, cô còn mua một con chó ngoại về nuôi dưỡng, vừa để giữ nhà vừa để khuây khỏa cho đỡ buồn. Có những lúc, cậu con trai từ miền Nam về thăm cô cũng phải tỏ ra giận dỗi khi cô... chăm chó còn hơn chăm con. 

TS tâm lý Phương Hoa (Khoa Tâm Lý - Giáo dục, trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên) :

Những đứa trẻ là con một có thể sẽ cảm thấy thiệt thòi hơn khi không có anh chị em. Bù lại, những đứa trẻ này nếu có thể kết giao nhiều bạn bè hoặc hướng ngoại thì sẽ rất tốt.

Nhưng quan trọng nhất, vẫn là cách giáo dục của bố mẹ phải đúng, trang bị cho con những kỹ năng sống, tối thiểu là kỹ năng tự lo những nhu cầu tối thiểu của bản thân, không ỷ lại vào bố mẹ. Khi có được cuộc sống tự lập sẽ bớt được cảm giác cần có anh chị em để gánh vác trách nhiệm.

Các gia đình khi có con một sẽ chỉ dành tình yêu thương, chăm sóc cho đứa con đó. Các ông bố bà mẹ thường hy vọng những đứa con sẽ thể hiện tình yêu, chăm sóc cho họ khi về già. Vậy nên nếu đứa con duy nhất đấy vô tình "quên" mất nghĩa vụ của mình sẽ khiến bố mẹ cảm thấy cô đơn, bị lãng quên, dễ sa vào lo lắng, buồn rầu.

Để tránh cho việc bố mẹ già cả cảm thấy cô đơn, quạnh quẽ lúc về già, đứa con một nên ý thức được việc mình là người máu mủ duy nhất đối với bố mẹ. Cần có sự trải lòng hơn để bố mẹ yên tâm và luôn có cảm giác có con cái ở bên cạnh. Dù vậy, có nhiều người vẫn lựa chọn giải pháp vào viện dưỡng lão khi về già khi con cái không ở bên, hoặc nhà cửa quá neo đơn, ít người. 

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những sao Việt xuất thân con nhà giàu: Ông Cao Thắng, Hà Anh Tuấn là thiếu gia nổi tiếng

Đọc nhiều nhất