Bạn có biết đối với gia đình, sự bỏ mặc cũng là một loại bạo lực?
Tin liên quan
Ai trong chúng ta đều ít nhất một lần cố định nghĩa về gia đình sao cho thật vĩ đại. Gia đình, không phải là những người cùng chung huyết thống, hay những kẻ sống cùng nhau. Mà gia đình đơn giản là bạn ở bên cạnh, yêu thương chăm sóc và không bao giờ bỏ rơi nhau những khi cần. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ nhất, người có thể đứng bên cạnh ta không hề do dự cũng chỉ có gia đình.
Mỗi người trong gia đình có thể sống chung trong một căn nhà. Tuy thế, không phải căn nhà nào cũng là mái ấm, không phải căn nhà nào cũng có một gia đình hạnh phúc. Bao giờ cũng vậy, nỗi bất hạnh lớn nhất vẫn là bị chính gia đình của mình quay lưng.
Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho rằng: Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình”. Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là việc “các thành viên gia đình vận dụng sức mạnh để giải quyết các vấn đề gia đình”. Bạo lực gia đình có 4 hình thức: bạo lực thân thể, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần. Đó là những gì chúng ta có thể dễ dàng nhận biết. Chỉ duy nhất một loại bạo lực gia đình khác, hiếm kẻ nhận ra và ít người đề cập đến. Và nếu có thể, sự bỏ mặc cũng là một dạng biểu hiện cao hơn của bạo lực tinh thần.
Vợ chồng bỏ mặc nhau sẽ khiến tình cảm rạn nứt và cuộc hôn nhân trở nên tồi tệ đối với cả hai. Khi người bạn đời không còn muốn bạn hiện diện trong cuộc sống của họ nữa, còn điều gì đau lòng hơn? Nhưng sự bỏ mặc tàn nhẫn hơn phải là của cha mẹ dành cho con cái. Có câu chuyện kể rằng, một cậu bé 4 tuổi bị chính người mẹ cờ bạc, nghiện rượu của mình bỏ rơi, đã trở nên trầm cảm và tìm cách tự tử. Mẹ cậu không hề đánh đập hay hành hạ cậu. Chỉ là cô không hề quan tâm, chăm sóc, cho ăn hay trò chuyện cùng cậu. Thậm chí người mẹ đó còn không biết đến sự có mặt của cậu ngay bên cạnh mình. Thời gian trôi qua, cậu bé bị suy dinh dưỡng nặng, trầm cảm, bỏ nhà ra đi và gần như tự làm tổn thương chính mình.
Chúng ta đã có minh chứng cho điều này: môi trường sống của một đứa trẻ là nhân tố quan trọng quyết định tính cách, sự phát triển về thể lực, trí tuệ và cả đạo đức của chúng trong tương lai. Nếu đứa trẻ được sống trong môi trường có đầy đủ sự yêu thương, giáo dục thì có thể trở thành người có ích cho xã hội. Trái lại nếu tuổi thơ của chúng đầy rẫy những đe dọa, xâm hại hoặc sự bỏ mặc từ người thân thì đứa trẻ sẽ luôn sợ hãi, chạy trốn bản ngã, dẫn đến căm thù, phẫn nộ, và có thể bắt đầu hành vi tội ác sau này.
Aileen Wournos là một nữ sát thủ khét tiếng đã từng nhận bản án tử hình cho sáu vụ giết người mà nạn nhân đều là đàn ông tại Mỹ những năm 1990. Khi điều tra về thân thế, cảnh sát phát hiện ra cô có một tuổi thơ đầy sóng gió và bất hạnh khi cha chết trong tù, mẹ bỏ rơi, phải sống cùng ông bà ngoại. Lauri và Britta Wournos – ông bà ngoại của Aileen – lại là những người nghiện rượu. Họ nóng tính, bạo lực và đối xử rất hà khắc với cô. Không những thế, Aileen còn bị ông ngoại Lauri Wournos xâm hại tình dục từ khi còn nhỏ. Con đường tội ác của cô đã đi từ một đứa trẻ bị người thân bỏ mặc và một người thân khác xâm hại.
Chính bởi thế, bỏ mặc con trẻ là một hành động tàn nhẫn, cũng giống như phạm tội bạo lực vậy.
Một trường hợp mặc kệ khác trong gia đình đang phổ biến hiện nay, đó là những phận đời bị bỏ rơi lúc về già. Viện dưỡng lão mọc lên, đối với các nước phương Tây là nơi nghỉ ngơi vui vẻ tuổi già. Vì họ không muốn làm phiền con cháu, trở thành gánh nặng cho những người trẻ. Ở nước ta thì lại có rất nhiều trường hợp không phải như vậy. Đối với văn hóa gia đình của chúng ta, mỗi người khi về già đều chỉ muốn được quây quần bên con cháu, cùng ăn bữa cơm, kể chuyện cuộc đời.
Người Việt Nam có câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng./ Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày.” Quả thật cuộc sống đúng là vậy. Khi xã hội trở nên hiện đại hơn, con người mãi chạy theo guồng quay của sự bận rộn, mượn cớ vì mưu sinh mà quên đi những giá trị tốt đẹp. Chưa bao giờ chữ “hiếu” lại trở nên rẻ rúng bèo bọt như bây giờ. Những đứa con đưa cha mẹ đã già yếu vào nhà dưỡng lão, hàng tháng gửi ít tiền sinh hoạt phí, và mãi mãi chẳng bao giờ đến thăm nom. Hoặc cũng có kẻ tệ hơn thế, đuổi chính cha mẹ ruột ra đường để tranh giành đất đai, nhà cửa. Từng câu chuyện đau lòng ấy, hàng ngày chúng ta đều có thể được đọc trên mặt báo hay tận mắt chứng kiến ngoài đời thực.
Như thế mới biết, không hẳn là sự tra tấn, đánh đập hay cưỡng hiếp mới đem lại nỗi đau. Tổn thương về mặt tinh thần là vết cắt không đổ máu, nhưng không bông băng thuốc đỏ hay thuốc giảm đau nào chữa được. Bạn sẽ buồn tủi nhường nào khi sự hiện diện của mình trên đời này không được ai hoan nghênh? Và sẽ tuyệt vọng ra sao nếu chính người thân hoặc gia đình lãng quên bạn? Chúng ta đều biết rằng, chẳng còn ai ngoài kia có thể dễ dàng cho ta điều gì ngoại trừ gia đình. Và cuối cùng, vẫn chỉ có tình cảm gia đình là thứ tình yêu vô điều kiện duy nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Vậy nếu ngay cả gia đình cũng bỏ mặc ta, thì nỗi bất hạnh ấy, phải dùng bao nhiêu điều tốt đẹp trên đời này mới có thể thay thế xoa dịu được?
Ny An
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất