Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên hay “đài sen” giữa núi rừng Tam Đảo?
2015-06-26 10:41
- Trúc Lâm Tây Thiên không chỉ là một trong những thiền viện lớn nhất Việt Nam mà còn là một trung tâm văn hóa – tôn giáo “đang bừng tỉnh sau giấc ngủ dài”.
Tin liên quan
Một trong 3 thiền viện lớn nhất đất Việt
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng mới trên nền tảng của Thiên Ân thiền cổ tự là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được cho là một trong ba thiền viện lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Một nét kiến trúc của thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.
Đây là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam gắn liền với cuộc đời tu hành của nhà sư Khương Tăng Hội. Tương truyền, khoảng thế kỷ thứ 3 cao tăng họ Khương – một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và hùng vĩ đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Thiên Ân tự, ngôi chùa do Khương Tăng Hội xây dựng cũng gắn liền với sự tích vua Hùng thứ 6 tên Hùng Chiêu Vương. Theo đó, vua từng lên đây để cầu tự và khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu, một người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, cò tài thao lược. Sau kết duyên với Hùng Vương, bà đã giúp vua trị nước, bảo vệ giang sơn Văn Lang.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tu theo tông phái Thiền Việt Nam.
Tuy là một ngôi chùa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử nhưng chùa Thiên Ân đã bị mất dấu tích suốt nhiều thế kỷ cho đến khi hòa thượng Thích Thanh Từ chọn nơi đây để khởi xây thiền viện tu theo dòng Phật giáo Thiền tông Việt Nam vào năm 2004. Trên nền ngôi cổ tự, các nhà sư đã phát hiện ra vô số các viên gạch và mảnh ngói vỡ có hoa văn mang dấu ấn thời Trần. Điều đó chứng tỏ Tây Thiên từng là một trung tâm văn hóa – tôn giáo lớn thời phong kiến nhưng bị bụi thời gian phủ mờ. Trải qua hơn 15 tháng xây dựng với tổng kinh phí ban đầu là 30 tỷ, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nhanh chóng hoàn thành các hạng mục cơ bản vào năm 2005. Nhờ đóng góp của Phật tử khắp đất nước, thiền viện đã trở thành một trong 3 thiền viện lớn nhất Việt Nam.
Tượng Phật Ngọc tạc bằng đá quý sapphire.
Không chỉ sở hữu kỷ lục về diện tích, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên còn có tượng được tạo bằng đá sapphire, loại đá quý, cứng và có độ bền chỉ sau kim cương. Pho tượng mang linh khí, nghệ thuật và tâm hồn Việt. Tượng Phật Thích Ca tay cầm viên đá Minh Châu tượng trưng cho điển tích nhà Phật. Các nhà tạc tượng đã mất hơn một năm đã tạc thành công pho tượng này.
“Đài sen” trên đỉnh Thạch Bàn
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được ví như “đài sen” trên đỉnh Thạch Bàn, một trong 3 ngọn núi hình thành nên dãy núi Tam Đảo. Trên đỉnh cao 300m, thiền viện được xây dựng mang đậm kiến trúc Phật giáo của một ngôi chùa Việt với cổng Tam quan, chính điện, lầu chuông, gác trống và nhà thờ Tổ. Để đến được cổng Tam quan của thiền viện, du khách phải đi qua hàng trăm bậc đá, tiếp vài chục bậc nữa mới có thể đến được Đại hùng Bửu Điện hay còn gọi là Đại hùng Bảo Điện.
Gác trống ở bên phải nhìn từ Đại hùng Bửu điện.
Tam quan của Thiền viện.
Đại hùng Bửu điện uy nghi, tráng lệ là không gian rộng lớn đủ cho hơn 600 người ngồi nghe giảng pháp. Trong điện có tượng Phật Tổ Như Lai (Phật Thích Ca Mâu Ni) đang giảng kinh, hai bên là hai vị đại Bồ Tát, vị cưỡi voi là Đại hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, còn vị cưỡi sư tử là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Chạy song song hai bên là hai câu đối “Phật giáo chỉ đường lìa mê về bến giác/ Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như” và “Phước đức sâu dày do gieo nhân đạt quả/ Tuệ giác tròn đầy bởi bát nhã gội nhuần”.
Trong Chính điện tượng Phật Thích Ca và hai vị đại Bồ tát.
Mái Đại hùng Bửu điện nhìn từ trên cao.
Phía sau Chính điện là nhà thờ Tổ, đây là nơi đặt tượng của nhà sư Khương Tăng Hội và Trúc Lâm Tam Tổ bao gồm: Phật hoàng Trần Nhân Tông (tổ thứ nhất), thiền sư Pháp Loa (tổ thứ hai) và thiền sư Huyền Quang (tổ thứ ba). Cả bốn bức tượng đều được làm bằng đá sa thạch - loại đá người Chăm và người Ai Cập thường dùng để tạc tượng vì có độ bền lâu dài. Nhà Tổ cũng là nơi các thiền sư trong thiền viện tọa thiền. Mỗi ngày các thiền sư tọa thiền ít nhất 6 tiếng chia làm hai lần: 3 giờ sáng tới 6 giờ sáng và 20 giờ đến 23 giờ.
Cả bốn bức tượng trong nhà Tổ đều được tạc bằng đá sa thạch.
Nhà Tổ là nơi thiền sư trong thiền viện tọa thiền mỗi ngày.
Nhà Trai đường của Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là dùng tiểu thực (ăn bữa sáng) và thọ trai (ăn bữa trưa) của tăng ni, thiền sinh trong thiền viện. Điều đặc biệt của người tu hành theo tông phái Thiền tông Việt Nam là chỉ ăn bữa sáng và bữa trưa, không ăn bữa tối. Đến giờ dùng bữa các tăng ni mỗi người cầm một chiếc bát lớn, một chiếc đĩa, một chiếc bát nhỏ và một chiếc thìa của riêng mình đến nhà Trai đường, đó cũng là nét đặc trưng riêng của các thiền viện ở Việt Nam.
Thiền viện được ví như đài sen giữa núi rừng Tam Đảo.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên còn có nhiều công trình kiến trúc lớn đang trong quá trình xây dựng, trong đó phải kể đến là tượng Phật Đài Hộ Quốc An Dân dự kiến là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tác bằng đá lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành. Với kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi thiêng, thiền viện là một điểm đến tâm linh thu hút người dân khắp đất nước. Nhiều người đến đây để hòa mình vào không gian của núi rừng Tam Đảo và cảm nhận sự tĩnh tại từ tiếng chuông, tiếng mõ nơi cửa thiền.
Bài và ảnh: Lê Đức
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
4 người đẹp Việt thừa nhận 'chỉnh sửa' một vài điểm trên mặt