Gian nan chinh phục một trong 'tứ đại tử địa' Tây Bắc: Háng Tề Chơ
Tin liên quan
Háng Tề Chơ - chỉ nghe tên thác thôi cũng đã khiến người ta cảm thấy hoang mang và đôi chút sợ hãi khi quyết định phiêu lưu vào hành trình nhiều thách thức này. Nơi có những cung đường hiểm trở, vách đá dựng đứng cheo leo, dốc cao và đường lầy lội khó vượt qua. Mặc dù đường đi bây giờ đã dễ hơn 2/3 con đường “tử địa” trước đây.
Từ thị trấn Văn Chấn, chúng tôi chạy xe lên Phình Hồ. Qua đoạn đường nhựa đẹp thì tới con đường đá tảng, đá dăm trải dài từ Phình Hồ đến Làng Nhì. Đây cũng là đoạn đường mà khung cảnh đẹp và hùng vĩ hơn hẳn với những góc nhìn thoáng, sương mây bảng lảng phía xa.
Con đường từ Phình Hồ vào Làng Nhì với những góc cảnh nên thơ và yên bình
Và rồi quãng đường khó khăn nhất bắt đầu với lối nhỏ đường đất đá từ Làng Nhì rẽ vào bản Tề Chơ. Con đường hẹp hơn, vách núi sát mép đường, vực vẫn ngay sát dưới chân. Lổn nhổn đá dăm, đá tảng, nhấp nhô lên xuống, dốc cao và sâu, dài và lởm chởm. Mặc dù đường đã dễ hơn rất rất nhiều so với trước đây nhưng vẫn đòi hỏi tay lái cứng của “xế” và sự bình tĩnh, linh hoạt của “ôm”. Căng thẳng và thót tim với những pha bánh xe trượt bánh khỏi đường lái, lơ mơ là có thể cả xe cả người lao luôn xuống vực hoặc là ngã nhào vào vách núi mép trong. Ổ trâu, ổ gà không thiếu, nằm rải rác khắp con đường offroad khó nhằn.
Đường offroad vào bản Tề Chơ tuy khó đi nhưng khung cảnh thì xanh mát và hùng vĩ
Đường gian nan là thế nhưng mắt vẫn không thôi ngoái nhìn khung cảnh dọc đường với non núi xếp nối, những thửa ruộng bậc thang xanh vàng đang xen kẽ lên nhau, đồi nương thoai thoải, ngô xanh tươi bắp.
Chừng gần 2 tiếng chạy xe trên con đường offroad, chúng tôi cũng đến được điểm dừng xe để trek bộ đến thác Tề Chơ. Bản Tề Chơ với những mái nhà lợp bằng gỗ Pơ Mu đẹp mơ màng trong sương. Chúng tôi đùa nhau bảo khu làng này giàu nhất, mỗi ngôi nhà đang che lên mình những mảng gỗ quý đáng giá bạc triệu cũng không mua nổi.
Bản Tề Chơ với những mái nhà lợp bằng gỗ Pơ Mu và những bó lanh phơi trong nắng là điểm dừng xe và bắt đầu trek vào thác
Dẫn đường cho chúng tôi là một cô bé có mái tóc dài, đôi mắt to đen láy. Lối nhỏ bám theo vách núi, men theo những thửa ruộng bậc thang, qua cả những nương ngô giữa lưng chưng trời. Qua một đoạn nữa, ngẩng mặt lên thấy vài ngôi nhà sàn nhỏ nằm lưng chừng giữa núi đồi và những nương ruộng bậc thang miên man. Từ đây có thể nhìn rõ thác nước trắng xóa đang đổ ngay gần lắm rồi. Nhìn dòng thác như nước chảy ra từ khe núi. Tảng núi to với những mảng cây thẫm xanh bao quanh càng hùng vĩ hơn.
Lũ trẻ con vui vẻ dẫn đường và đi cùng chúng tôi vào thác
Xuyên qua một đoạn rừng cây che kín, nắng không chiếu được đến đất, rồi trượt xuống một đoạn dốc dài, chúng tôi đã đứng dưới chân con thác khổng lồ giữa đại ngàn non núi.
Ai nấy đều dừng lại ngước mắt, ngẩn ngơ nhìn ngắm một vùng thiên nhiên còn vẹn nguyên đến hoàn hảo. Thác nằm sâu sau những hòn đá to đùng, đổ từ trên cao xuống dòng suối nước trong vắt chảy xuôi về xa. Con thác lớn phải cao đến 50m, nước đổ ùn ùn xuống, tạo những tia nước như cơn mưa phùn nếu ngay cả khi đã đứng cách xa.
Con thác hiện ra ngay trước mắt với dòng nước trắng ầm ầm chảy
Chúng tôi tiếp tục vào sâu phía trong để được đứng dưới chân thác, cảm nhận rõ rệt cái hùng vĩ của con thác lớn nhất nhì Tây Bắc. Cẩn thận bám tay vào những tảng đá lớn, dẫm chân tới đâu, rêu trơn đến đó. Càng vào sâu gần chân thác, càng thấy rõ những tảng đá to như nhà 2-3 tầng, rêu bám đầy vết tháng năm. Mù mịt hơi nước khiến ai nấy đều ướt như chuột lột và luôn tay quẹt nước rớt lên mặt, lên tóc, lạnh run, co rúm. Để vào được chân thác, chúng tôi phải cẩn trọn lội chân qua dòng nước lạnh buốt và đạp chân vào lớp đá trơn trượt khá nguy hiểm.
Nước trong và lạnh buốt, vậy mà tụi trẻ vẫn hào hứng xuống tắm
Lũ trẻ con vẫn nhảy ùm xuống dòng nước dưới chân thác tắm, chơi đùa, hò hét với nhau thật thích thú. Chắc cũng phải sâu đến 2 mét là ít. Rồi chúng tôi ăn trưa trên mỏm đá dưới chân thác. Cạn những lon bia mát lạnh giữa ầm ầm của ngọn thác, ăn những lát bánh mì với xúc xích và pate, cùng vài thứ quả đào, thanh long đỏ mua dưới Phình Hồ, chúng tôi đã tận hưởng một ngày thật đáng nhớ trong hành trình tuổi trẻ đầy trải nghiệm.
Gần chân thác là những tảng đá to rêu phong lâu năm, nước phun mù mịt như cơn mưa to khiến ai nấy ướt sũng
Bữa trưa tại chân thác
Một vài lưu ý khi chinh phục Háng Tề Chơ
- Nên đi thác vào tháng 5, 6 hoặc tháng 9,10 vì đây là khoảng thời gian nước đổ nhiều và đẹp nhất, lại ít mưa để tránh đường lầy lội khó đi.
- Cần cẩn trọng khi di chuyển dưới chân thác do đá trơn trượt và có những đoạn nước sâu 1,8m-2m.
- Nên mang đồ đạc gọn nhẹ vì đường vào bản khó đi, lại thêm trek bộ đến chân thác khoảng 45 phút nữa.
- Chuẩn bị sẵn đồ ăn trưa, nước uống, hoa quả.
- Nên gửi xe tại bản và thuê người dẫn đường để an tâm hơn. Cẩn trọng đồ đạc.
Lịch trình tham khảo
Ngày 1: Hà Nội – Nghĩa Lộ
Ngày 2: Nghĩa Lộ - Phình Hồ - Làng Nhì - Bản Đề Chơ (khoảng 30km) Từ bản Đề Chơ gửi xe, trek xuống thác mất tầm 45 phút.
Ngày 3: Nghĩa Lộ – Tú Lệ - Mù Cang Chải
Ngày 4: Nghĩa Lộ – Hà Nội
Có thể kết hợp đi thêm Mù Cang Chải nếu có nhiều thời gian. Để tiết kiệm thời gian và bảo đảm sức khỏe, nên đi xe ô tô từ Hà Nội lên Nghĩa Lộ theo tuyến Hà Nội – Lai Châu rồi thuê xe máy để chủ động đi các điểm thăm thú cảnh đẹp.
Hạnh My
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất