Chuyến hành hương đầu năm về đất thiêng Tây Yên Tử
Tin liên quan
"Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu"
Cứ mỗi độ đầu năm khi hoa mai hoa đào đua nhau nở, khách thập phương lại tìm về vùng đất thiêng Tây Yên Tử. Khác với những chuyến du xuân đi chùa chen chúc cầu tài lộc đầu năm, hành trình về Tây Yên Tử lại mang nét yên tĩnh và thanh bình như thể để người lữ khách tìm lại chính mình trong cuộc hành hương.
Sau khi băng qua Dốc Voi dựng đứng trơn trượt đầy lá kim, một trảng cỏ xanh mướt mắt hiện ra trước mặt. Đi qua con đường này sẽ tới khu vườn vải, là ngã ba đường một phía dẫn về Am Ngọa Vân, một phía dẫn lên chùa Hồ Thiên.
Hành trình leo lên chùa Hồ Thiên.
Chùa Hồ Thiên hai năm trở lại đây đã được xây bậc thềm đá lên tới tận chùa, bỏ lại hình ảnh con đường đất dốc đứng dường như không có chỗ đặt chân trong kí ức của những người từng lên thăm chùa Hồ Thiên ngày trước. Điểm bắt đầu gặp rừng trúc là điểm đánh dấu đã leo được nửa quãng đường lên chùa, dù mệt đến thở ra hai tai nhưng không khí thanh tịnh của vùng đất Phật vẫn khiến ý chí của người lữ khách thêm phần hào sảng.
Nếu leo nhanh, sau khoảng 2 tiếng từ khi gặp bậc đá dẫn lên chùa là bạn có thể tới được điểm dừng chân cuối cùng. Tiếng chó sủa văng vẳng từ chùa là nguồn động viên vô cùng to lớn cho những đôi chân tưởng chừng không lết đi được nữa. Tới chùa Hồ Thiên, du khách có thể xin phép sư thầy trụ trì được nghỉ tại chùa một đêm chờ sáng xuống núi. Thông thường các đoàn tới thăm chùa thường mang theo nhu yếu phẩm chay tịnh lên biếu chùa, và cũng cùng nhau xắn tay vào bếp nấu bữa cơm chay cho cả đoàn hồi sức.
Hồ Thiên là ngôi chùa nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, được khởi dựng dưới triều vua Trần. Nơi đây Phật hoàng Trần Nhân Tông (đệ nhất tổ phái Trúc Lâm) từng đăng đàn thuyết pháp. Tới đời Hậu Lê chùa được trùng tu với quy mô khang trang lộng lẫy, nhưng tới đầu thế kỷ 19 bị đổ nát và trở thành mồi ngon cho những kẻ đi săn tìm cổ vật quật phá. Hiện chùa chỏng chơ lại vài khối đá xanh, di tích tòa tháp bảy tầng tuyệt đẹp giờ chỉ còn lại phần vỉa nền bằng đá cuội, cùng với các bệ đá kê chân cột hình tròn trên nền tầng cao nhất.
Ban đêm, không gian trở nên vô cùng tĩnh mịch, ngước nhìn lên trời tưởng như có thể chạm tay được lên những ngôi sao đang lấp lánh, cúi nhìn xuống dưới lại thấy xa xa ánh đèn trải dài lung linh sáng cả một vùng Đông Triều, lòng chợt thấy an yên vô cùng.
Sáng tỉnh giấc, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh sắc đất trời nơi đây. Một sớm tinh sương với cảnh mây bồng bềnh dưới chân núi, không khí lại mát mẻ se lạnh, hoa xuân đua nở trên lối dẫn vào chùa. Lúc này, khách thập phương có thể lên thỉnh thầy để nghe về lịch sử Phật giáo cũng như thăng trầm chùa Hồ Thiên, xin thầy được lên thắp hương Tam Bảo, gõ chuông chùa và xin chỉ đường tìm lên Am Rồng linh thiêng.
Đường lên Am Rồng vẫn còn hoang sơ với những vách đá dựng đứng, hành trình băng qua những thân cây mục rồi lại bám theo những gốc trúc để leo lên cao. Chắc hẳn nhóm người đi trước nào đó nhận thấy sự hiểm trở này nên đã mang dây dù bảo hộ lên buộc dọc vách núi để các đoàn sau leo dễ dàng hơn. Cuộc hành trình cũng đòi hỏi sự đoàn kết tương trợ của những người bạn đồng hành.
Mọi người phải bám dây thừng để leo lên Am Rồng
Tới chùa Hồ Thiên cũng như lên Am Rồng, bạn nên ngồi lại tĩnh tâm một chút để cảm nhận được sự thanh khiết của đất Phật, cũng như để lòng người lắng lại sau bao bộn bề năm cũ.
Hành trình từ chùa Hồ Thiên sang Am Ngọa Vân sẽ dẫn các bạn qua một thảo nguyên đá tự nhiên rộng lớn, bao gồm nhiều phiến đá chồng lên nhau với nhiều dáng vẻ hình thù kỳ lạ. Có những phiến đá tảng trăm tấn, rất to và phẳng, rất thích hợp làm nơi nghỉ chân sau một quãng đường dài. Con đường đất to phía dưới bãi đá chồng đã được mở để xe tải vận chuyển nguyên vật liệu lên trùng tu am. Từ vị trí này có thể trông thấy mỏ khai thác than ở phía xa và con đường bê tông mới mở phục vụ du khách di chuyển bằng ô tô. Nếu còn sức, bạn vẫn có thể tiếp tục chuyến hành hương của mình băng qua bãi đá chồng, dọc theo con đường đầy trúc để tới Am Ngọa Vân.
Đường đi tới Am Ngọa Vân băng qua nhiều bãi đá đẹp.
Am Ngọa Vân tọa lạc trên núi Bảo Đài - Đông Triều, được coi là “thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và hóa Phật. Nhiều người lầm tưởng vị trí được coi là Am Ngọa Vân tại di tích Yên Tử hiện nay là chính là di tích tâm linh ngàn đời, nhưng thực tế đây chỉ là công trình được hình thành sau vào thời Lê, Nguyễn. Còn Am Ngọa Vân tại Đông Triều mới là nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch.
Sau khi vãn cảnh chùa, bạn có thể đi tiếp lên đỉnh Cột cờ để ngắm cảnh trước khi hoàn thành hành trình. Trên đường về băng qua Thông Đàn, Đô Kiệu, Trại Lốc, bạn sẽ thấy những gốc thông trơ trọi xem kẽ giữa phần di tích ngổn ngang hoang phế, dưới sự tàn phá của thời gian và sự thiếu văn hóa của con người.
Cột cờ trên Am Ngọa Vân
Dòng người về Tây Yên Tử không đông, một phần do quãng đường hành hương quá dài. Với vị trí địa lý núi cao, rừng rậm mát mẻ, hội tụ khí thiêng đất trời, Tây Yên Tử xứng đáng là vùng đất thiêng, là chốn Tổ của thiền phái Trúc Lâm.
Những người người hành hương về Tây Yên Tử dù trải qua một hành trình cuốc bộ mệt nhoài xa tít tắp, nhưng trở về nhà lại chẳng hề đau nhức cơ thể hay căng mỏi đôi chân, có lẽ bởi họ đã có được ý chí bền bỉ, cũng như được ngấm nhuần khí thiêng Yên Tử!
Rồi đây khi đường bê tông được trải khắp cùng với đường cáp treo hoàn thành, Am Ngọa Vân và chùa Hồ Thiên không tránh khỏi quy luật trở thành nơi vồn vã như Yên Tử hiện tại, để lại trong lòng người đã từng đến đây sự tiếc nuối khôn xiết…
Chimera
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất