Trầm cảm vì áp lực trở thành “bà mẹ hoàn hảo”
2014-07-15 21:30
- (Em đẹp)- Minh Phương từng phải gặp chuyên gia tư vấn vì có dấu hiệu trầm cảm khi bé Min chưa tròn 10 tháng.
Trước khi lập gia đình, Minh Phương thuộc mẫu phụ nữ năng động, giỏi giang và cầu toàn. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi 1 trường đại học danh tiếng trong nước, cô tiếp tục du học 2 năm ở Anh và trở về Việt Nam nhận vị trí tư vấn tài chính tại một công ty lớn Hà Nội.
Tự tin, giỏi giang, kiếm nhiều tiền song sau khi kết hôn và sinh con, Minh Phương quyết định nghỉ làm ở nhà một thời gian để toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình. Bởi cô quan niệm không ai chăm sóc con mình tốt nhất bằng mẹ và 1 năm đầu đời là khoảng thời gian quan trọng và non nớt nhất của con. Chính vì thế dù nhà khá giả, lại có giúp việc nhưng Minh Phương vẫn dành lấy hết thảy mọi việc chăm con, từ việc nhỏ tới việc lớn.
Ngay từ khi mang bầu cô đã "giành" lấy hết thảy mọi việc mua sắm, chuẩn bị đồ cho con
(Ảnh: 19twentythree)
Trở về thời điểm trước sinh 1 tháng, Minh Phương xin nghỉ việc ở cơ quan để chuẩn bị cho quá trình “nằm ổ”. Khác với nhiều mẹ bầu chỉ nghỉ ngơi dưỡng sức chờ đẻ, trong suốt tháng cuối này cô tranh thủ từng chút một để mua sắm, sửa sang, chuẩn bị đồ cho em bé sắp chào đời. Cô tận tay chọn lựa từng chiếc bao tay cho đến việc chọn mua cũi, đệm hay tới cả công đoạn sơn sửa, trang trí cho phòng của em bé. Thậm chí không ưng ý đồ nội địa, Minh Phương còn tỉ mỉ so sánh rồi cất công chọn lựa và đặt mua đồ đạc từ bên Mỹ. Miệt mài tới mức 2 giờ trước khi lên bàn đẻ, cô vẫn còn cố dán thêm mấy miếng đề can hình thú, gấp lại quần áo, là phẳng lại tấm ga trải cũi cho con…Cô muốn mọi thứ phải thật tinh tươm, hoàn hảo trước khi đón con về.
Qua hai ngày nằm viện lúc sinh nở, việc đầu tiên cô làm sau khi 2 mẹ con trở về nhà là…rửa, tiệt trùng bình sữa và phụ kiện trong máy hút sữa (mặc dù có giúp việc và cả ông bà nội ngoại, cô vẫn không yên tâm giao phó vì “sợ mọi người chưa quen, rửa sẽ không sạch”). Từ đó trở đi, mọi việc liên quan đến bé như thay tã, tắm táp, ru ngủ…cô đều dành làm hết. Vốn là người có hiểu biết lại không ngại học hỏi nên chuyện chăm sóc con từ luyện ăn, luyện ngủ đến tiêm phòng, khám sức khỏe cô đều đọc và tham khảo kỹ khá nhiều sách. Việc áp dụng cho con khá thành công theo sách giúp cô tự tin ở bản thân bao nhiêu thì cũng khiến cô hoài nghi nhiều hơn về về khả năng chăm sóc em bé của người khác trong gia đình.
Con càng lớn, nhu cầu càng nhiều, cô càng có thêm nhiều chủ đề cần quan tâm. Và tất nhiên càng tìm hiểu Minh Phương càng chắc chắn rằng trong gia đình việc nuôi dạy con chẳng ai hiếu biết hơn cô, cô càng trở nên “ôm đồm” công việc hơn. Chăm sóc một đứa trẻ là một công việc rất mở và với người cầu toàn như Minh Phương việc này sẽ không bao giờ có giới hạn. Do đó, tình trạng quá sức, thiếu ngủ diễn ra thường xuyên bởi với cô có quá nhiều việc cần làm, cần học hỏi.
Thế nhưng song hành với điều đó chính là việc cô cáu gắt thường xuyên hơn… Cô thường xuyên mất bình tĩnh trong mọi chuyện. Chỉ cần bé Min hơi “hư” một chút như ăn không hết bình sữa hoặc mè nheo một chuyện gì đó cũng có thể làm cô phát điên. Kết quả là Minh Phương đuối sức và cảm thấy chán nản với chính con mình (thật nghịch lý song lại là thực tế khi dồn toàn tâm toàn sức cho con rồi đến một ngày…bỗng dưng chán ghét hết thảy cho dù đứa bé vẫn rất đáng yêu và vô cùng ngoan ngoãn).
Ở cô, những cơn nóng giận và mệt mỏi xuất hiện nhiều hơn
(Ảnh: Phiilly)
Tất cả lên đến đỉnh điểm khi chính chồng của Minh Phương cũng không thể chịu nổi vợ mình và to tiếng lại với cô (đàn ông nào chịu được mãi tình trạng sau một ngày làm việc mệt mỏi, về đến nhà lại gặp bộ mặt “đưa đám” của vợ, bị vợ chì chiết vì những lý do rất đỗi… đơn giản như quên rửa thay trước khi bế con và diễn ra triền miên trong nhiều tháng).
Hai vợ chồng cãi nhau, Minh Phương như người mất hết ý chí, la hét, đập phá đồ đạc ầm ĩ trước mặt chồng (điều cô chưa bao giờ làm trước đây). Lần đó, cô bị một vết cứa sâu ở tay và cần đến bệnh viện để khâu lại. Nhưng trong cái rủi có cái may, nhờ lần đến bệnh viện này mà cô đã gặp bác sĩ Tú, bác sĩ trực cấp cứu hôm ấy…
Thời gian sau đó, Minh Phương đã phải trải qua một liệu trình gồm 10 buổi gặp gỡ, nói chuyện với bác sĩ tâm lý (vốn là người quen của bác sĩ Tú giới thiệu cho gia đình cô) để lấy lại cân bằng. Và phải mất thêm nhiều tuần sau đó nữa, cô mới dần dần cởi bỏ ám ảnh “người mẹ hoàn hảo” trước việc chăm sóc con mình. Cô giao dần dần một số việc vặt cho giúp việc, dành thời gian chơi và tận hưởng thời gian bên con nhiều hơn thay vì cố gắng “nghiên cứu” một “mớ” sách vở nào đó để áp dụng cho con mình. Cô cũng thôi cảm thấy bị thúc bách phải đọc cái này, cập nhật cái kia để không bị “tụt hậu, thiếu hiểu biết” trong việc chăm sóc con cái.
Ngoài những buổi gặp chuyên gia tâm lý, chồng Minh Phương "yêu cầu" cô đến spa hàng tuần
(Ảnh: Fetilitywomen)
Mọi việc dần trở lại bình thường song di chứng cho việc trở thành “bà mẹ hoàn hảo” của cô vẫn còn lẩn khuất qua những cơn đau nhói nửa đầu và nóng giận thiếu kiểm soát (mọi người trong nhà vẫn bảo cô bị hậu sản) cho tới tận 1 năm sau nữa mới hết hẳn.
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi
Vĩnh An
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Làm gì khi con gái khóc?