Làm gì nếu phát hiện con không hề ngoan khi ở trên Facebook?

Làm gì nếu phát hiện con không hề ngoan khi ở trên Facebook?

2015-08-14 15:59
- Ở nhà, con chị là 1 đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành, nhưng khi vô tình "thâm nhập" được vào Facebook của con, chị mới té ngửa vì những lời lẽ tục tĩu, những "vai phản diện" và những quan điểm chả giống ai trên đời...

Vô tình, tôi đọc được tâm sự của một người mẹ nói rằng, chị đã bị sốc, bị giật mình khi kết bạn và “vào thăm” facebook con mình. Chị kể, ở đó toàn những lời tục tĩu, toàn những “vai phản diện”, những quan điểm chả giống ai trên đời. Trong khi ở nhà con bé rất hiền lành, dễ chịu, thế nên chị càng sốc, càng hoang mang và phân vân khủng khiếp. Chị không biết nên cư xử như thế nào với con...

Có người bảo chị, cứ cấm luôn nó dùng điện thoại đi, cứ cách ly nó khỏi internet đi, bao giờ hết phổ thông, đỗ đại học rồi tính tiếp. Lại có người khuyên, cứ lên thẳng facebook của con mà chấn chỉnh, nhắc nhở trực tiếp xem con chị có biết sợ không! Riêng tôi, tôi không đồng ý với hai cách ấy. Bởi ta càng cấm đoán, càng cách ly,... thì chỉ càng làm cho đứa con chị thèm thuồng và tìm mọi cách để vào facebook được thôi. Nhất là khi internet phổ biến như hiện nay thì việc nói dối, trốn bố mẹ để tiếp cận cũng không hề khó. Còn việc “nhảy” vào facebook của con mà tranh luận thì chỉ là một cách đẩy con ra xa với bố mẹ hơn, con sẵn sàng chặn bố mẹ ngay, hoặc lập facebook khác!

Làm gì nếu phát hiện con không hề ngoan khi ở trên Facebook?

Tôi cho là, chuyện này xảy ra là bởi có thể con gái chị muốn được gây chú ý. Nó cố tỏ ra không phải nó “chậm tiến”, nó “đụi” hơn các bạn. Sâu xa, đằng sau cái vẻ hiền lành của con bé khi ở nhà, là một vị thành niên ưa cái mới và ham chứng tỏ năng lực của mình. Điều ấy, thật ra không xấu! Cũng có thể, do bố mẹ đã sống quá truyền thống, và cô con gái ấy cảm thấy không thể chia sẻ được. Nên chọn cách đóng một vai khác trên facebook, chọn cách mang một “khuôn mặt” khác! Ở cái nơi không dễ dàng lộ diện đời sống thực.

Nếu là tôi, thì tôi chọn cách cho con mình khoảng lặng. Nghĩa là coi như không biết những gì con vẫn post lên facebook hàng ngày, mà tập trung giải tỏa con bằng chính cách sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày. Nếu con có những ước mơ như được đi bơi, đi chơi... thì cứ tế nhị và tùy theo điều kiện mà giúp con thực hiện những mong muốn của mình. Đôi khi cũng vì ta đã quá khắt khe nên bỏ qua những ước mơ chính đáng của con.

Còn những điều có vẻ trái với luân thường đạo lý, có vẻ đi ngược với quan niệm đạo đức lành mạnh của xã hội, hay những lời chửi tục, theo tôi, nó không tốt nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra! Bất kỳ một thanh niên mới lớn nào cũng có thể mắc vào những suy nghĩ đó. Nó đến từ mong muốn về tiền bạc, đến từ sự chán ghét lối sống “đóng hộp”, cứng nhắc, đến từ cảm giác ưa hưởng thụ... Cha mẹ thì nên tìm cách gỡ bỏ giúp con, để con thoát ra khỏi những vướng mắc ấy mà trở về với lối tư duy lành mạnh tự nhiên. Nhưng phải “gỡ bỏ” theo cách tế nhị, kín đáo nhất có thể. Ta không thể trực tiếp nói với con rằng “nghĩ như thế là sai”. Bởi lẽ phải có một điều gì ở hiện thực, ở cuộc sống gia đình, ở đâu đó khiến con chán ghét, khó chịu,... mới khiến con nghĩ đến một đời sống khác với cách vận hành của những gì đang có.

Cha mẹ đôi khi không nhận ra điều này, họ nhất nhất cho rằng cuộc sống của gia đình mình rất ổn, cha mẹ rất thuận hòa, việc học ở trường của con rất tốt, điều kiện kinh tế không có gì đáng lo... Nhưng rất có thể, con cảm thấy quá tải với kiến thức ở trường, con cảm thấy cô đơn với đám bạn gái quá điệu đà trong lớp, hay con đang ôm trong mình tình cảm đơn phương với một bạn nam nào đó... Tất cả những sự không hài lòng hiện thực sẽ đẩy con đến với trạng thái hướng đến điều ngược lại.

Cha mẹ hãy cố gắng gần gũi để con nói ra một cách tự nhiên nhất có thể về những điều này. Và nếu cha mẹ không làm cho con nói ra một cách tự nhiên, thì lỗi đã thuộc về cha mẹ. Tôi cho rằng nếu con có thể nói được những câu nói nhẹ nhàng về chuyện con đang quan tâm đến một bạn nam nào trong lớp, và tìm được sự an ủi, sẻ chia của mẹ, thì chắc chắn con không cần phải lên facebook để “vào vai ác”. Hoặc con có thể thành thật nói ra là con khó chịu với cô chủ nhiệm về những lý do nào đó, chắc con không cần chửi tục ở nơi mà cô và bố mẹ không nghe thấy. Tôi không hề nói rằng chúng ta cổ vũ cho suy nghĩ sai của con, cho sự oán trách của con về cô chủ nhiệm hay cổ vũ cho tình yêu học trò đi đến kết cục thái quá. Tôi chỉ cho rằng, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của con, để động viên con suy nghĩ tích cực là đối thoại. Chứ không phải “đổ thêm dầu vào lửa”, không phải những bài giáo huấn dài dòng...

Tôi muốn nói lời chúc mừng với người mẹ đã được đọc những tâm sự thật của con mình. Để hiểu về con. Chúng ta đôi khi đã quá bận tâm đến những thứ bên ngoài mà cứ khăng khăng con cái mình vẫn ổn. Có thể sau khi đọc những lời lẽ ấy, người mẹ ấy bớt quan tâm đến những điều phù du bên ngoài, bớt để tâm đến những xô bồ mệt mỏi của đời, để dang vòng tay, đón con mình trở về, để yêu thương, ôm ấp, để lắng nghe con và thấy cuộc đời còn nhiều lắm những yêu thương, ấm áp!

Nguyên Ân
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Ngoài váy trắng, đây là 3 mẫu đầm mà bạn nên có trong tủ đồ hè 2021

Đọc nhiều nhất