Bỏ con một mình khi bực: Phụ huynh có lường trước được hậu quả này?
Tin liên quan
Mới đây, trong một clip được chia sẻ trên mạng xã hội, một người phụ nữ đã để con lại một mình ở siêu thị và đi về. Theo nhiều phụ huynh, người mẹ không nên làm như vậy vì có thể khiến trẻ sợ hãi.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh từ lâu cũng có cách hành xử như vậy. Có người dọa con bỏ lại và bố mẹ về trước nếu không ngừng khóc hay cho con ở trong nhà một mình rồi bố mẹ đi nơi khác... Tất cả những điều đó tưởng như đơn giản hay là cách để muốn trẻ bớt khóc, mè nheo hay quấy song lại có thể khiến trẻ sợ hãi và bị chấn động.
Bỏ rơi con... thật đáng sợ
Tiếp xúc, làm việc với rất nhiều bậc phụ huynh, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận thấy do không kìm chế được cơn nóng giận, cha mẹ đang mắc rất nhiều sai lầm trong cách ứng xử khi con mắc lỗi, dù trẻ nhỏ mắc lỗi cần phải được dạy dỗ.
Có nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy ức chế khi con không ngoan, chưa kể mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền. Nhưng TS. Thu Hương khẳng định, việc đánh con và bỏ rơi con, đặc biệt là bỏ rơi con ở chỗ đông người khi con mắc lỗi là hành vi không thể chấp nhận được.
“Đó là phản giáo dục! Hãy tưởng tượng người chăm sóc và cho ta dựa dẫm bấy lâu bỏ ta mà đi, điều đó khủng khiếp, đáng sợ đến thế nào?”, tiến sĩ Hương bức xúc.
Thậm chí, việc bỏ rơi con như vậy làm cho trẻ cảm thấy lạc lõng, xung quanh không có một ai thân thích... có thể dẫn đến tổn thương tâm lý nặng nề. Khi cơn sợ hãi lên đến tột cùng, bé có thể khiếp đảm và mang nỗi sợ đó nhiều năm tháng.
Theo TS. Thu Hương, khi trẻ mắc lỗi, nếu bố mẹ có xu hướng giải thích cho con bằng lời. Thực tế, việc giải thích dài dòng, quá nhiều lúc đó chẳng đem lại hiệu quả giáo dục trẻ. Vì trẻ còn đang bận…mè nheo đòi hỏi và chẳng để tâm đến lời giải thích của cha mẹ.
Không ít bố mẹ to miệng lấn lướt quát mắng để con “đuối lý” và nhận lỗi. Con giả vờ nhận lỗi lúc đó nhưng thật ra con không biết lỗi của mình ở đâu.
“Trong thâm tâm, con không phục, không tin cha mẹ. Với cách dạy thế này, hòa khí trong gia đình sẽ mất, con cái xa lánh bố mẹ. Về lâu dài, con sẽ tìm cách sống hai mặt, nói dối để đẹp lòng bố mẹ. Việc này cha mẹ cần hiểu rõ và tránh xa”, TS Thu Hương nói.
Đánh đập hay xỉ nhục, con cực kỳ tổn thương
Xỉ nhục con là “đồ hậu đậu”, “đồ hư hỏng” làm tổn thương tinh thần con một cách nghiêm trọng. Khi bị xỉ nhục, con nghĩ mình bị người thương yêu nhất nghĩ xấu, nghĩ sai. Từ đó, trong đầu con sẽ xuất hiện ý nghĩ tiêu cực rằng: “Nếu đã vậy thì mình xấu luôn, sai luôn, chẳng cần đúng nữa”.
Là một người mẹ và cũng là một giảng viên dành nhiều tâm huyết, tình yêu thương, trăn trở trong việc giáo dục trẻ, nữ chuyên gia tâm lý cho rằng thật mâu thuẫn khi cha mẹ oán trách giáo viên quát mắng trẻ ở trường.
Nhưng khi trẻ về nhà, trẻ lại bị chính cha mẹ - người yêu thương trẻ bằng cả trái tim làm tổn thương trẻ bằng việc mắng nhiếc, thậm chí là đánh đập không thương tiếc khi trẻ mắc lỗi.
Con trẻ chắc chắn sẽ cảm thấy hoang mang và sợ hãi khi bị cha mẹ đánh đập, vì bất cứ lý do gì. Nếu các cha mẹ đánh con nhiều, con sẽ nảy sinh tính lì lợm. Sâu thẳm trong tâm hồn, trẻ đang bị tổn thương ghê gớm và dễ bị kích động.
Thực tế cho thấy con trẻ bị cha mẹ đánh đập sẽ có xu hướng sợ hãi, co mình lại, thiếu tự tin. Có cháu có xu hướng thích bạo lực, giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực.
“Hãy nhớ, cha mẹ càng bất lực càng dễ đánh con hơn. Đòn roi không thể là biện pháp dạy người”, TS. Hương cảnh báo.
TS. Thu Hương nhận thấy, có không ít các cha mẹ cảm thấy đánh con là sai trái. Tuy nhiên, họ không có đủ kiến thức và kĩ năng để dạy dỗ con. Chính vì lý do đó, họ thường giáo dục con bằng lời. Nhưng éo le ở chỗ, việc dạy dỗ bằng lời đó chưa kịp có tác dụng thì các cha mẹ hết kiên nhẫn và lại sử dụng roi vọt với con
Ứng xử khi con mắc lỗi thế nào cho đúng?
Xét cho cùng, người lớn cũng có lúc sai, thậm chí sai nặng nề, huống hồ con trẻ. Cho nên TS. Thu Hương khuyến khích các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh khi con mắc lỗi và thực hiện những điều sau:
- Hãy cho con cơ hội giãi bày cảm xúc. Bằng cách hỏi “Vì sao con muốn thế?”, “Con cảm thấy thế nào khi hành động như thế?”… Bởi khi trẻ được nói và cha mẹ lắng nghe, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng.
- Trong trường hợp con mè nhèo thái quá, cha mẹ có thể đếm từ 1 đến 3, nếu con không thực hiện yêu cầu, con sẽ bị phạt.
- Cho con tự lựa chọn các phương án “phạt” và thực thi theo các phương án đó.
- Trong các trường hợp con hay bất kể thành viên nào trong gia đình có vi phạm, cha mẹ nhất thiết phải phạt thật nghiêm minh, không có trường hợp ngoại lệ.
- Khi bình tĩnh lại, cha mẹ cần góp ý thẳng thắn, chân thành trên cơ sở lắng nghe, tôn trọng con. Cha mẹ cần thiết phải đưa ra các điều luật rõ ràng và yêu cầu thực thi nghiêm túc trong cả gia đình. Khi đó, trẻ sẽ tâm phục khẩu phục và mọi chuyện trong nhà sẽ diễn ra suôn sẻ.
Khánh An
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất