Các loại bánh mứt hiện nay khá đa dạng và hấp dẫn, các loại bánh mứt được chế biến công nghiệp cầu kỳ được đưa xuống từ Đà Lạt ngày càng thu hút thị hiếu của thực khách. Bên cạnh nét sang trọng cầu kỳ của bánh mứt Đà Lạt mứt miền Tây lại có vẻ đơn giản và dung dị hơn.
Mứt miền Tây được làm thủ công qua bàn tay cần mẫn kiên trì của các bà nội trợ, qua nhiều công đoạn ngâm, ngào, sơn phết đường mất nhiều thời gian nhưng đó lại chính là nét riêng làm nên dư vị ấm áp và đầy quen thuộc trong mỗi gia đình dịp Tết.
Mứt me
Mứt me là món mứt có vị chua thanh ngọt rất hợp với người thích nhẩn nha vị chua. Trong nhiều loại mứt thì đây là loại ăn nhiều vẫn không gây cảm giác ngán cho người dùng. Thậm chí có nhiều người còn ghiền loại mứt này, ăn mãi không thấy chán. Me được chọn làm mứt thường là những loại chua và còn hơi xanh. Me phải được ngâm nước muối khoảng 3 ngày cho bớt độ chát chua rồi mới sên đường cho ngấm.
Me sên xong được phơi nắng ban ngày và tối lại phải mang vào ngâm vào nước đường sên cho tới khi thấy me ngậm đủ đường và trở nên trong hơn là được. Mứt me có giá khoảng 75.000 đồng một kg. Bạn có thể tìm mua tại các chợ hoặc ghé các cơ sở sản xuất mứt nổi tiếng như Thanh Tuyền tại ấp Long Mỹ, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho hoặc làng mứt Cái Vồn tại Thị xã Bình Minh, Vĩnh Long.
Me được chọn ban đầu là những trái mập thịt và hơi xanh. Ảnh: Internet.
Mứt me làm xong có màu hơi đỏ nhưng dẻo và chua ngọt kích thích vị giác. Ảnh: Internet.
Mứt hạt sen
Mứt hạt sen với hương sen thanh tao, vị sen ngọt mà thanh đạm là một món ăn rất thích hợp cho ngày Tết cổ truyền. Mứt hạt sen được xem là một trong những vị thuốc nam quen thuộc trị mất ngủ và là món ăn thưởng trà tao nhã của người Việt.
Hạt sen làm mứt phải là hạt thật to, căng tròn đem sấy khô rồi ngâm nước vài giờ cho nở ra. Sau đó trần hạt sen qua nước sôi để hạt sen được mềm. Quá trình này phải diễn ra hai lần để hạt sen chín kỹ rồi lại ngâm vào nước lạnh để hạt sen có độ dai nhất định.
Quá trình làm mứt sau đó mới bắt đầu. Đường để làm mứt hạt sen phải là đường cát trắng phau, sên chậm mà kỹ. Lửa nhỏ vừa phải cho đường thấm dần đều vào hạt sen, lại phải đảo đều tay và cẩn trọng để hạt sen không bị bung nát.
Mứt hạt sen muốn thơm ngon thì khi sên phết xong, người thợ làm mứt sẽ cho thêm một ít nước hoa bưởi.
Mứt sen tròn đầy thanh bai như hạt ngọc trời. Mứt hạt sen có giá dao động khoảng 100.000 đồng một kg.
Mứt mãng cầu
Mãng cầu xiêm thường được dùng để làm loại mứt này do thịt mãng cầu trắng và dai. Khi thưởng thức mứt có vị chua ngọt, dễ ăn và không gây ngán. Sau khi sên, những miếng mãng cầu tươi ngâm đường, thành phần dinh dưỡng của mứt có thay đổi ít nhiều so với trái mãng cầu tươi.
Lượng đường trong mứt mãng cầu khá cao, tùy thuộc vào lượng đường cát đã thêm vào mứt và độ ngọt của mãng cầu. Đây không chỉ là một món ngon đãi khách mà còn là một món ăn giàu dinh dưỡng. Mứt mãng cầu được bán phổ biến tại các chợ với giá khoảng 170.000 đồng một kg.
Mứt mãng cầu thường được gói trong những bọc xanh đỏ nhiều màu sắc. Ảnh: Internet.
Mứt khóm
Loại mứt này được làm từ những trái khóm còn hơi ương xanh. Khi khóm được cắt gọt sạch vỏ và thái lát mỏng, ta sẽ cho khóm vào chảo khi đường đã nóng chảy và tiến hành sên. Để biết mứt được hay chưa người sên sẽ lấy một ít cho vào ly nước, nếu thấy mứt sánh lại trong ly thì đã thành công.
Đối với khóm sẽ có hai loại là mứt dẻo và mứt khô. Mứt khóm dẻo có giá khoảng 80.000 đồng một kg.
Mứt dừa
Đây là loại mứt quen thuộc nơi đất Phương Nam nhưng để mứt dừa thơm ngon hơn thì dừa phải được trồng từ vùng cù lao Bến Tre màu mỡ thì cơm mới chắc và thơm béo. Mứt được làm từ cơm dừa cứng, được bào mỏng, rửa sạch và để ráo nước, ướp đường độ một đến hai giờ rồi đảo liên tục trên chảo, khi nào thấy khô mới mang xuống.
Để món mứt thơm hấp dẫn và bắt mắt, ngày nay người làm mứt thường chế biến ra loại mứt dừa ngũ sắc, năm màu hài hòa nhau gồm màu trắng nguyên sơ của dừa, đỏ của trái gấc, cam cà rốt, xanh lá dứa và tím của bắp cải tím. Với loại mứt này thì cần nhiều thời gian và phải cẩn thận khéo léo hơn.
Dừa sau khi bào xong sẽ được chia làm năm phần ngâm trong nước ép gấc, cà rốt, dứa và lá cẩm. Khi dừa ngấm màu thì cho lên bếp sên đường đến khi đường kết tinh bám dính vào từng miếng dừa là được. Trong những ngày giáp Tết mứt dừa thường được bày bán nhiều trong các quầy hàng tại các chợ.
Dừa làm xong sẽ được trộn đều với nhau tạo nên món dừa ngũ vị. Ảnh: Internet.
Ngoài mứt dừa rau quả người ta có thể làm thêm các loại khác như dừa ca cao, dừa cà phê. Giá nửa kg mứt dừa đóng gói khoảng 75.000 đồng.
Bài & Ảnh: Thoa Nguyễn
(Theo Congluan)
Video hot: Cách bó giò hoa ngũ sắc thơm ngon, đẹp mắt ăn Tết
Thực hiện 3 bài tập này sau 2 tuần chân cột đình sẽ thon gọn ngay