6 nguyên tắc ứng xử nên học khi chuyển việc

6 nguyên tắc ứng xử nên học khi chuyển việc

2015-03-25 12:50
- Chuyển việc là hoạt động bình thường của rất nhiều người. Tuy nhiên, thay đổi công việc không có nghĩa là chúng ta thay đổi các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Ngược lại, sự gắn kết với đồng nghiệp cũ sẽ góp phần quan trọng tạo dấu ấn tốt đẹp cho bạn khi đến với công việc mới.
Vậy, chúng ta cần phải ứng xử thế nào với cơ quan cũ khi bắt đầu chuyển việc? Bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây.
Làm việc tích cực đến phút cuối
Những ngày làm việc cuối cùng tại chỗ làm cũ thường khiến bạn mệt mỏi. Tâm lý “đằng nào cũng nghỉ” khiến chúng ta khó có thể tích cực làm việc. Hơn nữa, những sức ép từ chỗ làm mới sẽ làm bạn không thể tập trung vào công việc.
Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Chúng ta cần tích cực làm việc đến ngày cuối cùng, hoàn thành tất cả công việc được giao trước khi nghỉ việc. Như vậy, bạn không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp cho công ty cũ mà còn “ghi điểm” trong mắt những “ông chủ” mới của mình. Bởi những giờ phút cuối cùng ở công ty cũ sẽ để lại dấu ấn đậm nét trong lòng sếp cũ. Đồng thời, cũng giúp bạn có được sự tin tưởng nhiều hơn của sếp mới.
Chia sẻ những tâm huyết của mình
Khi rời khỏi công ty, bạn nên chia sẻ những điều tâm huyết, những đóng góp chân thành nhất cho sự phát triển của công ty cũ. Đó sẽ là cách giúp bạn có được sự tôn trọng của mọi người ở công ty. Đặc biệt, những chia sẻ của bạn có thể giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của công ty. Điều đó sẽ làm bạn cảm thấy tự hào. 
Đừng ngại ngần khi gửi mail hay nói chuyện trực tiếp với sếp về những điều bạn nghĩ cần phải thay đổi ở công ty. Việc làm ấy sẽ giúp cho bạn có được tâm trạng vô cùng nhẹ nhõm và thanh thản khi rời khỏi công ty.
Hạn chế than phiền về công ty cũ
Có thể, nguyên nhân khiến bạn ra đi là do những bất cập, những điều khiến bạn không thể chịu đựng được ở công ty. Tuy nhiên, đừng nên chia sẻ quá nhiều về điều đó. Việc nói xấu công ty cũ có thể có hại cho bạn trong việc tiếp cận công việc mới. Bởi “người mới” có thể sẽ có suy nghĩ rằng: họ cũng sẽ trở thành đối tượng than phiền của bạn trong tương lai.
Vì vậy, bạn nên thận trọng mỗi khi nói về công ty cũ. Nếu không thể nói tốt được thì im lặng là giải pháp tuyệt vời nhất.
Giữ mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũ
Rời bỏ công việc không có nghĩa là bạn rời bỏ đồng nghiệp. Hãy luôn giữ mối liên hệ với đồng nghiệp cũ. Điều này cũng có thể giúp bạn rất nhiều với công việc mới.Đồng thời, việc duy trì quan hệ với những đồng nghiệp cũ cũng giúp cho đời sống tinh thần của bạn phong phú hơn. Bởi thêm một người bạn sẽ đem đến cho chúng ta nhiều niềm vui.
Dọn dẹp sạch sẽ bàn làm việc
Ngày cuối cùng làm việc ở công ty cũ, bạn nên dọn dẹp sạch sẽ bàn làm việc của mình. Những vật dụng bạn được trang bị để làm việc nên bàn giao lại cho người có trách nhiệm. Dọn dẹp bàn làm việc một cách sạch sẽ là việc cuối cùng giúp bạn ghi điểm cho những người ở công ty trước khi chia tay.
Nên chào tạm biệt.
Trước khi rời đi, bạn nên nói lời chào tạm biệt với tất cả mọi người. Nụ cười hiền cùng những lời chào của bạn sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp cho đồng nghiệp. Đây cũng là cách để bạn có thể “đo” tình cảm của những người xung quanh dành cho mình. Hơn nữa, những cái bắt tay, những lời chào tạm biệt có thể giúp bạn ấm lòng hơn trước khi ra đi.
Quốc Khánh
(Theo Congluan.vn)
 
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mẹ chồng quốc dân

Đọc nhiều nhất