8 cách để kiểm soát tức giận nhanh và hiệu quả nơi công sở
2015-03-23 05:55
- Tức giận không phải là tính cách bẩm sinh. Nó hình thành khi bạn bị ức chế từ những tác động bên ngoài. Nếu không được kiểm soát, sự tức giận có thể trở thành tính khí của bạn; và trong các mối quan hệ xã hội và nơi làm, sự bực tức thiếu kiểm soát có thể đem lại cho bạn nhiều rắc rối và thiệt hại. Vậy, bạn cần làm gì để kiềm chế những cơn nóng giận ở chốn công sở và hạn chế những hậu quả đáng tiếc? Hãy tham khảo 8 cách dưới đây!
Tin liên quan
1. Nghĩ trước khi nói
Bạn chỉ mất 3 giây để định hình tình huống. Nếu bạn linh cảm được điều gì đó không ổn sắp xảy ra, hãy nhắc mình không được “giận quá mà mất khôn”. Mọi lời nói thiếu suy nghĩ khi thốt ra đều có thể làm “tổn hại” hình ảnh của bạn trước nhiều người. Hãy nghĩ trước khi nói, dù bạn ở vị trí gì trong công ty như người lãnh đạo hay nhân viên dưới quyền nhiều người.
2. Nói bình tĩnh
Ngữ điệu, giọng điệu và tần suất lời bạn nói cũng thể hiện sự thiếu thiếu kiểm soát trong đầu bạn. Thay vì hét to, nói nhanh liên hồi với những từ khó “lọt tai”, bạn nên dùng ngữ điệu chậm và nói vừa đủ nghe. Thực tế cho thấy, vẫn là một vấn đề nhưng nếu bạn nói bình tĩnh, lời nói của bạn sẽ có tác động tích cực hơn những lời nói to và suồng sã. Đây cũng là lý do tại sao những lời nói ru nhẹ nhàng có thể khiến trẻ nhỏ chìm vào giấc ngủ nhanh hơn và thôi miên là nghệ thuật của sự điều tiết ngữ điệu vừa đủ để tác động đến não bộ người bị thôi miên.
3. Làm gì đó thay vì nói và nghi ngờ
Sự bực tức có thể làm mất sự tỉnh táo của bạn với những lời nói thiếu cân nhắc và các thái độ tiêu cực khác như ngờ vực, dùng vũ lực đập phá. Tốt nhất, bạn nên làm gì đó để thoát khỏi trạng thái nóng giận một cách có kiểm soát. Ví dụ, bạn có thể uống một cốc nước thật to, đi vào nhà vệ sinh rửa mặt hay đi cầu thang bộ.
4. Không làm gì cả
Chắc chắn sự tức giận sẽ khiến bạn không thoải mái và tập trung để làm việc. Vậy tại sao bạn phải cố dán mắt vào màn hình máy tính hay một tập tài liệu? Hãy cho phép mình một khoảng thời gian không làm gì cả. Hãy nói chuyện với một người bạn. Hãy ra ghế sofa nhắm mắt lại và thả lỏng cơ thể. Chỉ một lát sau, bạn sẽ thấy thoải mái hơn!
5. Lên kế hoạch xả stress
Có thể “cục tức” của bạn không nhỏ nên bạn không thể “nuốt” trôi bực tức ngay. Hãy lên kế hoạch xả stress cho mình vào buổi tối hay vào cuối tuần. Những giờ phút thư giãn sẽ giúp bạn lấy lại cân bằng và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn. Đằng sau bất kể sự tổn thương hay tình huống khó khăn nào cũng để lại một bài học cho bạn. Nếu bạn dành thời gian để suy nghĩ, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn. Và ít nhất ở khía cạnh kiểm soát cơn bực tức ở chốn công sở nhiều thị phi, bạn sẽ rèn luyện được tinh thần thép tốt hơn.
6. Giữ thái độ lịch sự và tôn trọng người nghe
Bạn có nghĩ rằng hôm nay mình bực tức với ai đó và mối quan hệ của bạn ngày mai sẽ vẫn còn? Sự thực là mối quan hệ của bạn sẽ bị tổn hại. Quy tắc để giữ các mối quan hệ là tôn trọng lẫn nhau. Dù bạn vừa nhận lời nói khó nghe đến mức nào, hãy để họ nói hết, rồi mới đáp lại. Nếu cả hai cùng bực tức và hung hăng, bạn và đối phương của bạn sẽ chẳng khác gì hai con dê đen trên một cây cầu. Kết quả là cả hai sẽ làm tổn thương nhau và cả hai cùng lăn xuống vực. Trong trường hợp sếp bạn bực tức với bạn, bạn nên im lặng. Hãy cứ lắng nghe với sự tôn trọng của cấp dưới với cấp trên. Hãy kìm nén sự tức giận và hậm hực của mình và không thể hiện thái độ đó trước mặt sếp. Nếu cần giải thích, bạn hãy nói với thái độ tôn trọng và mong đợi sự tôn trọng khi lắng nghe từ phía sếp của mình.
7. Không giữ ác cảm, hận thù
Ác cảm và hận thù là những suy nghĩ tiêu cực không nên có ở nơi làm việc. Chúng chỉ làm bạn bị mất tinh thần làm việc và thêm mệt mỏi. Đặc biệt, khi bạn tức giận, chúng là “chất phụ gia” có thể khiến bạn mất kiểm soát lời nói và hành động một cách bột phát. Vậy nên, bạn cần loại bỏ hết những suy nghĩ đó ra khỏi đầu mình càng nhanh càng tốt!
8. Tìm sự giúp đỡ
Cuối cùng, bạn có thể nghĩ đến một ai đó để giúp bạn thoát khỏi tâm trạng khó chịu này trong người. Hãy kể lại tình huống bạn giận giữ cho một người bạn của mình, nếu họ đã từng trải qua cảm xúc như bạn, họ có thể sẻ chia với bạn và giúp bạn thoát khỏi cảm giác bực tức nhanh hơn. Ngoài bạn bè, bạn có thể tìm đến người thân gia đình, chồng hoặc vợ của bạn. Khi được chia sẻ, bực tức của bạn sẽ nhanh chóng tiêu tan thôi! Thậm chí, những con vật cưng như chó, mèo cũng có thể khiến bạn thấy nhẹ nhõm và dễ chịu hơn khi bạn chơi đùa với chúng.
Nguyễn Mai – Nguồn: MO
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Lý do không nên ăn xúc xích