Vừa bàn với chồng về ngoại đón Tết, anh đã hùng hổ đáp 'trừ khi ly hôn'
Tin liên quan
Cả năm chăm lo, vun vén cho gia đình nhà chồng nên năm hết Tết đến, người vợ nào cũng mong chồng mình quan tâm, săn sóc tới nhà ngoại. Tiếc rằng đàn ông đôi khi lại ích kỷ không chịu hiểu suy nghĩ, mong muốn ấy của vợ nên những ngày cuối năm này, không ít vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm trong chuyện đón Tết ở đâu, nội hay ngoại. Giống tâm sự của người vợ trong câu chuyện dưới đây.
Câu chuyện như sau: "Tính tới Tết này là em cưới được 5 năm, cả 5 năm ăn Tết bên nhà chồng . Chưa năm nào được về đón Tết nhà ngoại. Nếu bố mẹ em đông con nhiều cháu thì không nói, đằng này ông bà có duy nhất mình em. Từ ngày em đi lấy chồng, họ toàn thui thủi đón Tết 1 mình, phải tận mồng 3 em mới đưa con về. Ngủ lại được 1 đêm, hôm sau đi luôn.
Bài chia sẻ của người vợ
Cũng tại chồng em bảo thủ, nhiều lần ngồi tâm sự em giãi bày với chồng rằng bố mẹ chỉ có mình em nên hai vợ chồng phải quan tâm ông bà hơn chút. Anh ấy nghe chỉ à ừ để đó chứ chẳng bao giờ thực hiện. Nhà ngoại neo người, mỗi khi có đồ ăn ngon, ông bà làm gọi con gái con rể về ăn mà chồng em tỏ ra khách sáo kiểu không muốn gần gũi, tình cảm với bố mẹ vợ nên ít khi anh ấy về lắm. Em mà nói thì anh bảo: 'Về nhà vợ ăn nhiều để thiên hạ cười cho'.
Cũng vì suy nghĩ đó mà anh ấy không đồng ý cho vợ con về ngoại đón Tết. Mỗi lần em gợi ý là kiểu gì chồng cũng nổi khùng.
Hôm qua, anh đi làm về đưa vợ 5 triệu bảo chủ động mang về biếu ông bà ngoại. Em tiện thể bàn với chồng: 'Năm nay nhân thể có vợ chồng anh cả ra Bắc đón Tết với bố mẹ rồi thì chúng mình về ăn Tết với ông bà ngoại 1 năm, động viên các cụ anh nhé. Từ ngày em lấy chồng, chưa năm nào được về đón Giao thừa mà năm nay bố mẹ cũng ngoài 70 cả rồi, biết còn được mấy mùa bánh chưng nữa. Mình về 30, chiều mùng 1 thì quay về nội. Em nghĩ ông bà nội cũng sẽ vui vẻ đồng ý thôi vì em hỏi ướm rồi'.
Em lựa lời nói tới gãy lưỡi chồng vẫn một mực bảo không. Anh bảo: 'Cô đừng có nói nhiều. Tôi có nhà cửa, bố mẹ đẻ tôi còn sống sờ sờ, sao tôi lại phải mò về nhà bố mẹ cô ăn Tết. Nếu cô thích về thì ly hôn đi rồi về'.
Thái độ của chồng làm em hết chịu nổi, liền gằn giọng lại: 'Chỉ anh có bố có mẹ còn tôi thì không hả? Chỉ mình bố mẹ anh Tết cần con cháu quây quần còn bố mẹ tôi thui thủi không sao à. Nói anh nghe, tôi đi lấy chồng chứ không phải biến mất vĩnh viễn trên đời mà không còn trách nhiệm với người sinh ra mình. Được, nếu anh thích ly hôn thì để tôi viết đơn. Ngày hôm nay giữa tôi với anh chấm hết'.
Ảnh minh họa
Thật sự lúc đó là em bất chấp rồi vì quá nản với chồng. Lão thấy em làm căng cũng bất ngờ. Sau vài phút thần người mới ấp úng bảo em ngang ngược. Vợ viết giấy ký sẵn nhưng lão hằn học không ký rồi quát: 'Cô muốn làm gì thì làm. Cái nhà này loạn rồi'. Lão đuối lý chỉ nói được thế, phóng xe đi. Em mặc kệ, lần này không có chuyện em nhịn nữa, Tết này nhất định em sẽ về ngoại. Vợ chồng muốn ra sao thì ra. Có như thế lão mới hiểu, em còn bố còn mẹ chứ không phải chỉ riêng có chồng".
Mong mỏi của phụ nữ là được chồng quan tâm chăm lo tới nhà ngoại như bản thân họ sống với bố mẹ chồng. Anh chồng trong câu chuyện trên lại quá bảo thủ. Nhất là khi Tết đến, xuân về bất cứ người con nào cũng đều hướng về gia đình, người sinh ra mình. Vậy mà chồng lại vô tâm nói ra những lời gây tổn thương tình cảm như vậy, tránh sao được vợ bức xúc.
Giống như các anh, phụ nữ cũng mong Tết được trở về nơi họ sinh ra nhưng vì hai chữ " làm dâu " mà họ phải chịu thiệt thòi, sống xa bố mẹ. Là chồng, đàn ông nên thấu hiểu, sẻ chia tâm sự ấy của vợ. Được như như thế, phụ nữ sẽ mãn nguyện mà câm tâm tình nguyện cả đời vì nhà chồng mà hi sinh, các anh chồng ạ.
Theo Pháp luật và Bạn đọc
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất