Sau Rằm tháng Chạp đã có thể thực hiện lau dọn ban thờ?
Tin liên quan
Thực hiện lau dọn ban thờ nên tiến hành thường xuyên để giữ cho ban thờ sạch sẽ. Ảnh minh họa: T.L
Việc bao sái ban thờ cần tiến hành thường xuyên
TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho rằng, bát nhang là biểu tượng tâm linh linh thiêng trên ban thờ. Đây còn là cầu nối thể hiện tấm lòng tưởng niệm, tưởng nhớ cũng như ước nguyện của mỗi gia đình với tổ tiên, thần linh. Thực hiện bao sái ban thờ hay lau dọn cần phải được tiến hành thường xuyên để giữ cho ban thờ sạch sẽ. Điều này thể hiện lòng thành tâm, hiếu nghĩa, tri ân đối với người đã mất khi có sự quan tâm, để ý đến.
Các gia đình khi nào thấy ban thờ gia đình mình chưa thực sự được thanh tịnh, sạch sẽ nên thực hiện lau dọn ngay. Hoặc các gia đình cũng có thể tiến hành việc này theo từng tháng chứ không nhất thiết phải đợi tới dịp cuối năm mới làm, trong khi cả năm để ban thờ bụi bặm. Vì vậy, sau Rằm tháng Chạp là đã có thể thực hiện bao sái ban thờ khi gia đình chọn ngày cát lành để thực hiện, miễn sao thành tâm. Lưu ý khi thực hiện bao sái tránh thời gian 12 giờ trưa và sau 18 giờ tối.
Hiện nay phần lớn các gia đình vẫn chọn làm việc lau dọn ban thờ sau lễ cúng ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp. Nhiều người chọn vào thời điểm này vì theo quan niệm dân gian, sau khi ông Công, ông Táo về trời mới dọn dẹp sẽ không "mạo phạm". Ban thờ khi đó được dọn sạch sẽ không chỉ thể hiện tâm thành tưởng nhớ công ơn của thổ thần Táo Quân, gia tiên tiền tổ mà cũng là chuẩn bị đón Tết một năm mới được sạch sẽ, trang nghiêm. Họ tin rằng điều đó sẽ mang lại những điều tốt đẹp đến với gia chủ.
Theo chuyên gia phong thủy Tam Nguyên, sang tháng Chạp là có thể tỉa chân nhang, phần lớn sau Rằm tháng Chạp là làm được. Tỉa chân nhang chọn ngày đẹp, kỹ lưỡng hơn chọn ngày hợp với công việc tế tự hoặc ngày bách sự nghi dụng.
Để tiến hành bao sái ban thờ cần phải thực hiện chuẩn bị lễ vật với hương, nến, hoa quả, trầu cau, nước, tiền… Lễ không cần quá cầu kì, lớn. Vật dụng lau cần khăn sạch và những loại nước như ngũ vị hương, nước gừng hoặc rượu gừng… để lau dọn.
Điều cần lưu ý khi thực hiện bao sái ban thờ ngày Tết
Chuyên gia Vũ Thế Khanh cho biết, việc lau dọn ban thờ tưởng đơn giản nhưng nhiều gia đình thực hiện chưa phải phép vô hình trung lại thành có lỗi với Thổ Công, gia tiên. Đây là việc quan trọng nên không thể tùy tiện và vội vàng làm cho xong chuyện được.
Để thực hiện việc bao sái ban thờ, trong quá trình làm mọi người cần chú ý:
Nước thơm bao sái ban thờ: Theo các nhà tâm linh, lau rửa ban thờ thì nên dùng nước ấm chứ không dùng nước lạnh. Các gia đình có thể chuẩn bị sẵn nước thơm để bao sái ban thờ như dùng rượu gừng, nước thảo dược, nước ngũ vị hương…
Người thực hiện việc bao sái ban thờ nên là người đàn ông: Trong trường hợp nhà neo người, người phụ nữ có thể thay thế. Trước khi thực hiện bao sái lưu ý tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng và chuẩn bị hoa quả đặt lên trước khi dọn ban thờ và đồ thờ cúng. Sau đó thắp 3 nén hương để thông báo cho tổ tiên và thần linh xin được tỉa chân nhang, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh đi nơi khác một thời gian cho con cháu lau dọn.
Lau từ trên cao rồi mới xuống thấp: Nếu có bài vị của thần Phật thì cần lau trước khi lau bài vị tổ tiên. Khi thực hiện nên cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết cũng là cách để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.
Không nên di chuyển bát hương: Một nguyên tắc khi thực hiện bao sái ban thờ là chỉ được di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn… nhưng tránh xê dịch bát nhang, bài vị đã định vị. Do đó, khi lau mọi người nên chú ý lấy tay giữ không cho xoay rồi lấy khăn sạch ẩm lau bằng nước rượu pha gừng giã nhỏ hoặc là nước ngũ vị hương đã chuẩn bị sẵn. Việc di chuyển bát hương quá nhiều sẽ dễ chuyển sang hướng xấu không tốt cho gia chủ.
Tỉa, đổ chân hương sai cách: Mọi người nên rút bỏ từ từ chân nhang thay vì việc dốc ngược bát hương. Chân nhang được rút từ từ đến số lẻ 3, 5,7 hoặc 9. Thường thì mọi người vẫn để 5 chân nhang đẹp cắm lại bát hương. Nếu nhiều tàn tro, mọi người dùng thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài. Còn chân hương đã rút nên hóa thành tro rồi cho vào gốc cây hoặc bỏ ra sông, ao chứ không vứt vào thùng rác, nơi bẩn thỉu.
Làm lễ sau khi bao sái: Bao sái ban thờ xong, mọi người cần thắp hương kính cáo gia tiên công việc hoàn thành. Nếu có lễ nhỏ như hoa quả, rượu, trầu cau càng tốt. Làm lễ không cần mâm cao cỗ đầy, khoe trương tốn kém mà chính là tấm lòng thành tâm, hiếu kính. Gia chủ khi khấn lễ, tâm tịnh và xin phát nguyện làm những điều tốt lành để hồi hướng công đức cho tổ tiên, cha mẹ và người thân.
Theo Giadinh.net.vn
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất