9 vị trí không ngờ trong nhà có thể trang trí căn bếp nhỏ
2015-07-25 08:03
- Có rất nhiều góc nhỏ không ngờ, sẽ giúp bạn bài trí bếp một cách tiện lợi, đẹp mắt trong nhà.
Tin liên quan
Khi việc nấu nướng không phải là niềm vui chính trong ngày của bạn, hoặc bạn rất ít khi nấu nướng ở nhà bởi công việc bận rộn, hoặc chỉ đơn giản là tạo bếp phụ nhỏ xinh để thuận tiện cho việc nấu ăn trong những dịp đặc biệt... Dù là lý do gì, khi bạn muốn tạo một góc bếp nhỏ xinh, hãy để ý đến những vị trí mà chúng tôi gợi ý, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với những ý tưởng tuyệt vời, giúp cuộc sống hàng ngày thêm tiện nghi, vui vẻ.
1. Tạo bếp ở ban công
Bạn có nghĩ rằng, ban công nhỏ xinh nhà mình vẫn có thể "bon chen" thêm bếp nấu và bồn rửa. Hãy lắp thêm cửa kính phía thành ngoài của ban công để tạo căn phòng riêng biệt. Bạn nên chọn một góc tường để đặt bếp nấu với hệ thống tủ bếp hoặc kệ đựng đồ tùy thuộc vào diện tích mặt ngang của ban công. Sắp xếp thêm bàn, ghế ở khoảng diện tích còn lại để bạn thoải mái sử dụng chúng với nhiều chức năng khác nhau.
2. Tạo bếp trong phòng khách
Bếp trong phòng khách cũng là một trong những góc khá tiện lợi bài trí bếp, giải pháp này phù hợp và thường được sử dụng ở những căn hộ nhỏ. Chỉ cần dọn dẹp một góc nhỏ trong phòng gần sofa, lắp đặt hệ thống tủ bếp và bồn rửa, thêm một vài giá treo là bạn đã có được căn bếp xinh xắn phục vụ cho nhu cầu ăn uống hàng ngày của gia đình. Bếp trong phòng khách cũng là phương án tối ưu khi không gian hạn chế, và bạn cần ưu tiên cho những chức năng chính của gia đình như sinh hoạt chung hay ngủ nghỉ.
3. Tạo bếp ở patio
Không gian nhỏ xinh của patio cũng có thể biến thành nơi ăn uống, sum vầy ngoài trời của gia đình. Để thuận tiện hơn cho việc ăn uống, đỡ tốn nhiều công sức khi phải mang đồ ăn từ căn bếp trong nhà ra ngoài trời và dọn dẹp khi sử dụng xong, bạn có thể tận dụng mảng tường sát cạnh patio để lắp đặt căn bếp nhỏ. Hãy sắm sửa thêm những vật dụng cần thiết như bếp nấu, bếp nướng, lò vi sóng, tủ bếp, bồn rửa và dụng cụ đựng đồ ăn uống... Mọi thứ luôn sẵn sàng giúp bạn và các thành viên trong gia đình cảm thấy hào hứng hơn khi tận hưởng không khí trong lành cùng niềm vui sum vầy ngoài trời.
4. Tạo bếp trên sân thượng
Cũng là không gian ngoài trời, nhưng nếu gia đình bạn không có khoảng nhỏ phía dưới, hãy tận dụng ngay khoảng diện tích quý báu trên sân thượng. Thật thoải mái để mọi người trong gia đình đón bình minh hay hoàng hôn mỗi ngày bên bàn ăn. Việc lắp đặt bếp nấu trên sân thượng chắc chắn sẽ vướng bận một chút do thời tiết thất thường. Bởi vậy, bạn có thể tạo mái che cho bếp ăn hoặc chọn tấm bạt để che phủ cho bếp luôn bền đẹp, giảm bớt những tác động xấu từ thời tiết hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lắp đặt hệ thống nấu nướng đơn giản với bếp và bồn rửa. Lắp đặt tủ với chất liệu bền, đẹp để đồ đạc, vật dụng phục vụ cho ăn uống luôn được cất trữ sạch sẽ, gọn gàng.
5. Thiết kế bếp trong vườn
Nhà bạn đang sở hữu một khu vườn rộng, chắc chắn bạn sẽ luôn muốn có được ngày cuối tuần ý nghĩa, khi được cùng các thành viên trong gia đình nấu nướng, ăn uống bên bóng mát cây xanh, trong tiếng rì rào của gió, ríu rít của những chú chim non... Hãy tạo cảm giác ấm áp, yên bình cho các thành viên khi cùng nhau chuẩn bị bữa ăn ngay trong vườn nhà. Chỉ cần tạo góc bếp nhỏ xinh với những vật dụng cần thiết, lắp đặt mái che để tiện lợi hơn cho việc lưu trữ, bảo quản đồ đạc trong căn bếp nhỏ này.
6. Tạo bếp dưới gầm cầu thang
Nếu gầm cầu thang nhà bạn đủ rộng, hãy đặt ngay bếp ở góc nhỏ này. Bạn không quá hào hứng với việc nấu nướng hoặc bận rộn với công việc, thì diện tích bếp nhỏ xinh vừa đủ cho những nhu cầu nấu nướng khi cần thiết. Đặt bếp ở gầm cầu thang cũng là giải pháp tuyệt vời, giúp bạn tăng thêm diện tích sử dụng cho nhiều chức năng hữu ích và cần thiết khác. Hãy lắp đặt thêm hệ thống hút mùi để khi nấu nướng, mùi thức ăn cùng khói bụi không làm ảnh hưởng nhiều đến không khí cũng như thẩm mỹ của căn nhà.
7. Tạo bếp trên tầng áp mái
Tầng áp mái thường được ưu tiên cho những chức năng cần nhiều đến sự yên tĩnh như nghỉ ngơi, học hành, làm việc... Tuy nhiên, nếu cuộc sống của bạn chỉ vẻn vẹn trên tầng áp mái, bạn có thể chọn góc thấp nhất để lắp đặt bếp nấu. Tùy vào diện tích cũng như nhu cầu sử dụng, để bạn lắp đặt bếp với kích thước, kiểu dáng phù hợp. Thêm ánh sáng cũng như hệ thống tủ phía dưới, là điều kiện cần thiết giúp căn bếp nhỏ xinh trên tầng áp mái luôn ngăn nắp, gọn gàng.
8. Tạo bếp trong phòng ngủ
Ý tưởng dành một góc nho nhỏ làm bếp nấu ngay trong phòng ngủ sẽ là phương án ít người nghĩ tới và rất ít được sử dụng. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp đặc biệt, khi căn phòng thuê khá nhỏ, hoặc không gian sống của gia chủ chỉ hạn chế trên một mặt bằng nhất định, việc nấu nướng vẫn cần diễn ra hàng ngày thì căn bếp ngay cạnh giường ngủ là phương án hợp lý.
Bạn nên tận dụng bức tường ngang để lắp đặt bàn bếp, tủ bếp, đồ gia dụng và tận dụng diện tích mặt đứng để lắp đặt thêm kệ và máy hút mùi phía trên. Nếu bạn muốn tách biệt không gian nấu nướng, hãy sử dụng cửa trượt để ngăn chia với nơi nghỉ ngơi. Với sự trợ giúp đắc lực của hệ thống hút mùi và cửa trượt, chắc chắn bạn sẽ có được giấc ngủ ngon sau mỗi bữa ăn thịnh soạn do chính tay mình chế biến.
9. Tạo bếp phía dưới gác xép
Căn hộ nhỏ với ưu thế lớn về độ cao, phương án được áp dụng chính là tạo thêm gác xép để tăng thêm diện tích sử dụng. Nếu như gác xép thường được sử dụng với chức năng ngủ nghỉ, làm việc thì khoảng diện tích phía dưới thường được tạo một căn bếp nhỏ xinh. Khéo léo chọn lựa những nội thất vừa và nhỏ, để không gian nấu nướng vừa tiện nghi vừa gọn gàng, tiện ích trong căn hộ nhỏ.
Lục Bảo
Nguồn ảnh: Lisaottosson, Hipflat
(Theo Congluan)
Nguồn ảnh: Lisaottosson, Hipflat
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Bảo Anh và nguyên tắc trong tình yêu