Quyền được sống tiếp của những người đã chọn ở lại

Quyền được sống tiếp của những người đã chọn ở lại

2022-04-06 10:48
- Đằng sau những bài học đau đớn, chúng ta vẫn phải sống tiếp, và xứng đáng được sống tiếp một cách hạnh phúc.

Tôi từng có buổi trò chuyện với các giáo viên - cũng là những người đồng nghiệp cũ về cách ứng xử khi có học sinh đồng tính. Tín hiệu tích cực là các giáo viên đều cảm thấy “hết sức bình thường”, “học sinh đồng tính cũng không có gì khác học sinh dị tính”. Có lẽ các thầy cô cũng đều còn trẻ, dạy học trong môi trường tư thục. Nhưng khi câu hỏi được đẩy lên một mức khó hơn với nội dung: “Nếu một ngày, anh/chị phát hiện con mình là người đồng tính thì sao?”.

Một khoảng lặng ngại ngùng, mọi người nhìn nhau không trả lời. Một chị lên tiếng: “Chị không có vấn đề gì với người đồng tính, nhưng chị không chấp nhận con mình đồng tính.” Những người khác không nói gì, gật gù ra điều đồng tình. Sâu thẳm trong thế giới quan của nhiều người, việc chấp nhận câu chuyện đồng tính hay LGBTI là một cách thể hiện bản thân là một người cấp tiến, tôn trọng sự khác biệt, nhưng những định kiến vẫn tồn tại khiến họ không chấp nhận được nếu điều đó xảy ra với người thân trong gia đình.

Và các phụ huynh vẫn luôn “loại trừ” con mình khỏi những điều khác biệt như thế trước mọi vấn đề trong cuộc sống.

Tôi nhớ tới con gái của chị họ mình, một cô bé lém lỉnh mà suốt những mùa hè những năm cấp một, mẹ nó hay gửi lên thành phố chơi ở nhà tôi. Đến khi con bé vào lớp 6, mùa hè đó vắng bóng tiếng cười. Hỏi ra mới biết, chị họ tôi bắt con bé đi học thêm rất nhiều, điều mà trước đây bà mẹ trẻ vẫn hay tự hào rằng “tao không muốn con đi học thêm quá nhiều, để nó thoải mái muốn học gì, theo đuổi cái gì thì tự nó quyết.”

Quyền được sống tiếp của những người đã chọn ở lại

Còn bây giờ, chị tôi nói “thấy người khác đi học mà con mình không đi học, chị cũng lo lắng, không thoải mái lắm.”

Đi qua những năm tháng làm việc trong trường học, làm phóng viên… tôi đã từng tiếp xúc và trò chuyện với nhiều phụ huynh. Đâu đó trong cuộc trò chuyện, họ vẫn nói với tôi rằng: "Chị không vấn đề gì với việc có những đứa trẻ học không giỏi, nhưng chị không muốn con mình học kém". Hoặc bản thân họ không muốn con học kém, hoặc họ bị áp lực từ những phụ huynh khác cũng đang chạy theo một cuộc đua còn khốc liệt hơn bọn trẻ. 

"Chị hiểu rằng kỷ luật không nước mắt rất tốt em ạ nhưng có những lúc bực quá vẫn phải đánh con mới được. Con người khác thì kệ nhưng con mình vẫn phải đánh, không đánh con không nghe lời."

"Chị thấy mấy người trầm cảm không có giống nó, ngày nào trông nó cũng vui vẻ mà, chắc con chị không trầm cảm đâu."

Ai cũng tin rằng cuộc sống dù có xấu xa như nào thì cây táo vẫn nở hoa với bản thân mình, gia đình mình. Tất cả những điều không may mắn sẽ lùi bước trước bậc cửa gia đình, sẽ không rơi vào con cái chúng ta. Chuyện ngoài kia là chuyện của những điều xa xôi. Con mình sẽ học giỏi, con mình sẽ không đồng tính, trầm cảm không phải là điều con mình sẽ trải qua, đánh con một xíu chắc cũng không sao…

Quyền được sống tiếp của những người đã chọn ở lại

Đằng sau những “ngoại lệ” ấy là niềm hy vọng nhưng cũng có thể dẫn tới những thất vọng và những khoảng trống trong mối quan hệ gia đình không thể lấp đầy. Chỉ mong các phụ huynh nếu đã yêu thương con, đừng coi con như một “ngoại lệ”.

Tuy nhiên, câu chuyện nguyên nhân - kết quả không diễn biến theo tiến trình một nguyên nhân sẽ dẫn đến một kết quả. Nuôi một đứa trẻ cần tới một ngôi làng như câu ngạn ngữ châu Phi nổi tiếng. Người ta vẫn nói về hành trình gian nan để một đứa trẻ trưởng thành, bước vào đời. Vậy tại sao khi một đứa trẻ gặp chuyện, cả thế giới lại đổ ụp lên vai người làm cha mẹ? Cả “ngôi làng” giờ đang ở đâu? Cha mẹ có bài học của riêng mình nhưng cả “ngôi làng” của trường học, bạn bè, thầy cô, xã hội cũng mang trong mình trách nhiệm. 

Cha mẹ nào cũng luôn yêu thương con nhưng nuôi con cũng là một “thử nghiệm niềm tin” của cha mẹ. Không một ông bố bà mẹ nào bắt đầu nuôi dạy một đứa trẻ có thể tự tin rằng mình sẽ nuôi con một cách đúng đắn nhất. Những điều họ tin là tốt, là đúng đắn… có thể đôi khi không phù hợp với điều con trẻ kỳ vọng, với những điều xã hội kỳ vọng. Và dù thế nào, họ cũng có quyền được sống tiếp.

***

Tôi vẫn nhớ ngày xưa khi trong gia đình có tang lễ, của ông hay bà tôi, một ai đó sẽ vỗ về mẹ khi thấy bà chìm trong nỗi đau buồn: “Thôi, người mất cũng đã mất rồi, người sống vẫn phải sống tiếp thôi cháu ơi.”

Sống tiếp trong thời đại này khó khăn hơn rất nhiều khi chỉ với một cú click chuột, một lần chia sẻ, những hình ảnh đau lòng lại trôi nổi trên mạng xã hội. Bức xúc không làm ta vô can. Đáng buồn thay khi quyền lãng quên của chúng ta lại nằm trong tay người khác, trên Facebook người khác, trong những group chat mà họ đang truyền tay nhau. Thậm chí, người nhà cùng phụ huynh, của em học sinh qua đời ấy đã phải lên tiếng, cầu xin mọi người đừng chia sẻ, đừng bình luận, đừng chỉ trích gia đình nữa.

Đó là một điều đau lòng.

Quyền được sống tiếp của những người đã chọn ở lại

Trong một bài báo trên tờ New York Times mang tên “We lost our son to suicide. Here’s How we survived” (Chúng tôi đã mất con trai vì tự tử, đây là cách chúng tôi sống sót ), tác giả đã trích ra những số liệu về vấn đề xoay quanh câu chuyện tự tử, không phải với nạn nhân mà với người thân của họ. 

Những người mất đi người thân vì tự tử có nguy cơ nghỉ học, bỏ việc cao hơn 80% những người có người thân mất vì các nguyên nhân tự nhiên.

Và đặc biệt, những người có người thân tự tử sẽ có ý định tự tử cao hơn 64% so với những người có người thân qua đời với các nguyên do tự nhiên khác.

Đằng sau những bài học, chúng ta vẫn phải sống tiếp, và xứng đáng được sống tiếp một cách hạnh phúc.

Tôi nhớ tới bộ truyện Harry Potter nổi tiếng - những cuốn sách gối đầu giường của bao đứa trẻ trên khắp thế giới. Trong tập 7 của bộ truyện, cụ Dumbledore từng nói: “Do not pity the dead, Harry. Pity the living. And above all, pity those who live without love.” (Tạm dịch: Đừng quá tiếc thương những người đã ra đi, Harry. Hãy dành những niềm xót thương cho người đang sống. Và hơn hết, hãy xót thương cho những ai sống thiếu tình yêu thương..."

***

Tôi vẫn nhớ đêm không ngủ đó với nhiều bậc làm cha làm mẹ trên khắp cả nước, nhiều Fanpage trên mạng xã hội chia sẻ một dòng tâm sự như nỗi lòng phụ huynh "Dù con học ra sao, con yêu ai, bố mẹ cũng vẫn sẽ yêu thương con..." Hàng chục nghìn người bình luận, hàng trăm nghìn lượt thích và chia sẻ như một sự đồng thuận. Lúc đó, tôi chỉ thầm mong khi sự việc lắng xuống, những người đã-và-sẽ-làm phụ huynh sẽ nhớ như in nó trong đầu.

Minh Đức

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Làm đàn bà khổ lắm, nếu có kiếp sau xin được làm đàn ông

Đọc nhiều nhất