Đàn ông bình phẩm khiếm nhã về phụ nữ chỉ là 'trêu hoa ghẹo nguyệt'? Gen Z gọi đó là 'quấy rối'
Tin liên quan
Ít ngày trước, MXH chia sẻ rầm rộ dòng trạng thái của một cô gái trẻ là sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Theo nội dung của bài đăng này, cô gái đã bị một người chụp trộm khi ra ngoài cổng trường mua họa phẩm, sau đó bị đăng bức ảnh lên và bạn bè của người này để lại những bình luận khiếm nhã, thô tục.
Những lời bình phẩm, đùa cợt của đàn ông về phụ nữ lâu nay thường được xem là hành vi bình thường. Dân gian có câu: "Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu", hay "đàn ông trêu hoa ghẹo nguyệt" là chuyện vui đùa thường tình. Nếu nhân vật bị bình phẩm cảm thấy khó chịu, họ chỉ có thể hoặc im lặng hoặc rời đi sau vài lời cáu gắt. Thậm chí, nếu họ phản ứng quá đà, họ còn bị cộng đồng chỉ trích là "làm quá". Một lời an ủi nếu có cũng chỉ là câu động viên dĩ hòa vi quý: "Tránh voi chả xấu mặt nào".
Nhưng với các cô gái trẻ ngày nay - thế hệ gen Z được học hành và có hiểu biết đầy đủ về quyền con người, họ đã không im lặng hay né tránh. Họ chọn lên tiếng. Cô gái nói trên đã định nghĩa, gọi tên hành vi của những người đàn ông có thói quen bình phẩm thiếu lịch sự về phụ nữ là "quấy rối tình dục online". Và cô chọn cách đưa vụ việc lên MXH như một hình thức cảnh cáo bằng công luận. Bài viết trước khi được khóa lại đã nhận được sự đồng tình mạnh mẽ với hàng nghìn lượt chia sẻ.
Hành động của cô gái sẽ khiến những người đàn ông phải cẩn trọng hơn trong lời nói và hành vi ứng xử với phụ nữ. Điều này cũng sẽ giúp hạn chế các hành động quấy rối phụ nữ cả trực tiếp và trên mạng, điều mà một bộ phận không nhỏ công chúng xem là bình thường, đùa vui.
Quấy rối tình dục, ở mọi hình thức, không có gì vui với chính người bị quấy rối. Và khi họ dám lên tiếng, họ đã hành động không chỉ cho chính mình mà còn cho cả cộng đồng.
Những con số về quấy rối tình dục: Phần nổi của tảng băng chìm
Vấn nạn quấy rối tình dục đã và đang là một vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận khi số lượng nạn nhân của các vụ quấy rối hay xâm hại tình dục ngày một tăng. Nhưng những số liệu đáng báo động được thống kê hiện nay chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ về vấn đề này. Một số vụ việc nạn nhân dám lên tiếng gần đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi có rất nhiều người khác vẫn đang im lặng và sống trong khủng hoảng tâm lý sau những gì xảy ra.
Quấy rối tình dục biểu hiện qua rất nhiều hình thức. Một trong số đó là quấy rối tình dục qua mạng. Không quá khó hiểu khi chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng với công nghệ “4.0” phát triển như vũ bão. Trên mạng xã hội, những hành vi quấy rối thông thường có thể là gạ gẫm quan hệ tình dục, chia sẻ những hình ảnh/video nhạy cảm, để lại những bình luận khiếm nhã về ngoại hình, đưa tin sai sự thật ảnh hưởng tới nhân phẩm người khác… Các hình thức quấy rối trên internet rất đa dạng và bởi thế, ranh giới của những lời nói đùa trêu bình thường với hành vi quấy rối cũng rất mong manh. Tuy không gian mạng có thể là ảo, nhưng những tổn thương và hậu quả để lại là thật.
Phía sau bóng ma mang tên “quấy rối”, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nó ngày càng hoành hành bất chấp nhiều lời xôn xao kêu gọi, phản đối.
Một là, sự xuống cấp của đạo đức, khi con người ta không có được sự tôn trọng tối thiểu về cơ thể và nhân phẩm của người khác.
Hai là, luật lệ xử phạt kẻ quấy rối chưa thực sự nghiêm minh và mang tính răn đe. Cách đây vài năm, một nữ sinh 20 tuổi tại Hà Nội bước vào thang máy để lên một căn hộ thì bị một người đàn ông lạ mặt buông lời gạ gẫm tán tỉnh, đòi xin số điện thoại nhưng nữ sinh này từ chối. Sau đó, cô gái đã bị gã này dồn vào một góc thang máy, sàm sỡ và cưỡng hôn. Sau khi nữ sinh này tới trình báo tại cơ quan công an, kẻ quấy rối tên Đỗ Mạnh Hùng chỉ bị lập biên bản xử phạt với số tiền 200 nghìn đồng về hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác". 200 nghìn đồng ấy từng khiến dư luận rất giận dữ, một con số rẻ mạt và thật mỉa mai, nó hoàn toàn vô ích.
Ba là, chúng ta thường ngại ngần khi nhắc tới chuyện này, nhất là người Á Đông. Những nạn nhân của quấy rối ít khi dám lên tiếng, chỉ khi nó để lại hậu quả nặng nề thì nhiều người mới dám tố cáo. Theo một nghiên cứu của Pew Research vào năm 2017 với đối tượng là các thanh thiếu niên thường bị nhắm làm mục tiêu đe dọa trực tuyến, chỉ có khoảng 40% người dám nói rằng họ đã trở thành nạn nhân của các vụ quấy rối, bắt nạt qua mạng. Và có tới 66% người thừa nhận mình từng chứng kiến hành vi quấy rối trên internet.
Gen Z - Thế hệ biết 'chỉ mặt đặt tên' được hành vi quấy rối và biết cách bảo vệ bản thân mình
Việc lên tiếng phản kháng hành vi quấy rối tình dục từng là điều rất hiếm ở Việt Nam. Nhưng tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, chúng ta liên tiếp được chứng kiến những tiếng nói quyết liệt từ những nạn nhân trong cuộc, đa phần họ là những người trẻ.
Như vụ nữ sinh viên ĐH RMIT Việt Nam tố thầy giáo trong trường quấy rối tình dục qua mạng đang dậy sóng dư luận. Theo lời kể của nữ sinh, thầy giáo đã kết bạn trên mạng và liên tục chia sẻ những tấm hình khoả thân của mình khi tự cho đó là “nghệ thuật”. Cô gái đã cảm thấy khó chịu nhưng nghĩ rằng có thể là do khác biệt văn hoá nên bỏ qua và cố tình né tránh. Câu chuyện ngày càng đi xa hơn khi gã thầy giáo ngày càng gửi nhiều tấm hình khoả thân hơn cho nữ sinh này. Và kèm theo lời nhắn nhủ: Nếu muốn “have sex” (quan hệ tình dục) thì thầy luôn luôn sẵn sàng”. Giảng viên này còn tiếp tục giới thiệu trung tâm ngoại ngữ do mình quản lý. Khi tìm hiểu về trung tâm này, nữ sinh đã bàng hoàng với quy định: "Tôi hiểu rằng giáo viên chỉ đi giày thể thao và tất. Tôi sẽ thấy toàn bộ cơ thể của họ như một phần của phương pháp giảng dạy".
Bảng nội quy mang tính chất phản cảm.
Cô gái trong câu chuyện đã rất đắn đo trong khi ra quyết định chia sẻ câu chuyện này bởi có thể “làm xấu danh tiếng của trường”. Nhưng cuối cùng, nữ sinh này đã lên tiếng để đưa ra lời cảnh báo với những sinh viên nữ trong trường vì “có thể còn có các nạn nhân khác như mình”.
Cách đây chưa lâu, một nhóm cô gái trẻ cũng đã tố cáo Ngô Hoàng Anh – người từng được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách Under 30. Nhóm nạn nhân này phần lớn là cựu học sinh Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM), họ cáo buộc Ngô Hoàng Anh, đang theo học thạc sĩ ngành dịch tễ học thống kê tại Trường Y trực thuộc Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh), từng có hành vi quấy rối tình dục với mình. Những đoạn tin nhắn “gạ tình” nhạy cảm và quấy rối được cho là của Ngô Hoàng Anh được chia sẻ rộng rãi trên MXH. Theo một nạn nhân, hành vi của Hoàng Anh lặp lại nhiều lần trong thời gian dài.
Những tin nhắn được cho là của Ngô Hoàng Anh, được gửi từ các nữ sinh tố cáo.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi quấy rối tình dục qua mạng bằng cách nhắn tin chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm hình sự nhưng không có nghĩa nó không gây ra các tổn thương tâm lý, tinh thần cho các nạn nhân. Ngô Hoàng Anh sau đó đã xin rút ra khỏi danh sách Under 30 năm 2022 sau khi hai thành viên khác cũng đồng loạt tự xin rút khỏi danh sách này như một cách phản đối hành vi quấy rối tình dục của Ngô Hoàng Anh. Dù ít dù nhiều, những tiếng nói đấu tranh đã có sự ảnh hưởng nhất định tới nhận thức của cộng đồng. Có thể thấy, người trẻ nói chung và đặc biệt là thế hệ gen Z nói riêng đã có sự tìm hiểu, có kiến thức và biết cách lên tiếng về quấy rối tình dục để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Ai cũng có thể trở thành người tiên phong dẫn dắt sự thay đổi
Nhiều người cho rằng quấy rối tình dục qua mạng là chuyện bình thường, miễn sao không “động chạm cơ thể là được”. Thế nhưng, quấy rối qua mạng hay bất cứ hình thức quấy rối nào cũng có những tác động tiêu cực nhất định đến cơ thể hay tinh thần của nạn nhân, và vết thương đó sẽ rất khó liền sẹo. Câu chuyện quấy rối không thể được coi là “chuyện bình thường”, và hành vi quấy rối là điều không thể dung thứ.
Người trẻ sống trong thời đại của “Facebook”, của “Tiktok”,… cần tìm hiểu để định nghĩa được những hành vi xấu và chuẩn bị đủ hành trang để bảo vệ bản thân mình. Hãy trân trọng và yêu thương bản thân, có như vậy khi rơi vào tình huống bị quấy rối, bạn mới có thể đưa ra những cách giải quyết hợp lý, kịp thời nhất. Và hơn thế, chúng ta còn cần phải lên tiếng trước những hành vi quấy rối, kêu gọi những người khác cùng chung tay để ngăn chặn những hành vi xấu. Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành một luồng gió tiên phong để dẫn dắt sự thay đổi. Khi đồng lòng lên tiếng trong thời gian đủ dài, những hành vi quấy rối dù dưới bất cứ hình thức nào đều buộc phải chấm dứt.
Cẩm Mịch
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất