Cụ bà 73 tuổi muốn 'đi bước nữa' và màn đáp trả phũ phàng của cộng đồng mạng: Ai cũng có quyền tìm hạnh phúc cho riêng mình!
Tin liên quan
Mới đây trên MXH có một bài viết thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và nhận về khá nhiều bình luận. Chủ nhân bài viết tự xưng là một phụ nữ 73 tuổi, chồng bà mất đã được 4 năm. Hiện tại bà đang muốn tái hôn và đăng hỏi lấy tuổi nào hợp với mình.
Thế nhưng ở phần bình luận, có khá nhiều cư dân mạng cười nhạo và nói kháy cụ bà với hàm ý “già rồi còn rửng mỡ”.
Xã hội đã phát triển, song nhiều người vẫn có quan điểm lệch lạc rằng: người già có nhu cầu kết hôn nghĩa là họ “ham hố quá mức” hay “trẻ không chơi, già đổ đốn”.
Tình yêu vốn không phân biệt địa vị, giới tính cũng như tuổi tác. Ai cũng dễ dàng nói được điều này nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu thấu. Việt Nam giờ đây đã hiện đại và hội nhập hơn xưa rất nhiều, song có lẽ câu chuyện hẹn hò, kết hôn của những người già vẫn là điều khó lọt tai đối với nhiều người.
Về phương diện luật pháp, tuổi kết hôn chỉ bị “chặn dưới” (nam trên 20 tuổi, nữ trên 18 tuổi) và không hề bị “chặn trên”. Thế nhưng xưa đến nay, câu chuyện hôn nhân ở Việt Nam không chỉ dựa trên luật pháp mà còn liên quan nhiều vấn đề khác. Ví dụ như, tái hôn ở tuổi già còn phải quyết định dựa trên hoàn cảnh gia đình, thậm chí là tuỳ thuộc vào con cái. Với người Việt, sự hy sinh vì con cái được đặt lên hàng đầu, bởi vậy có nhiều người già chấp nhận sống cô đơn suốt đời để nuôi dạy, đỡ đần con cái.
Chính tư tưởng này đã khiến nhiều người có quan điểm lệch lạc rằng: người già có nhu cầu kết hôn nghĩa là họ “ham hố quá mức” hay “trẻ không chơi, già đổ đốn”. Thực tế, càng lớn tuổi, nhu cầu vật chất hay xác thịt ngày càng giảm, còn nỗi cô đơn và nỗi sợ bị bỏ rơi ngày càng ám ảnh người già. Vì vậy, nhu cầu có người bạn đồng hành tuổi xế chiều là cực kỳ quan trọng, không nên đem ra để chế giễu hay phán xét.
Nếu tái hôn mà người già cảm thấy hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn thì chúng ta nên ủng hộ thay vì chỉ trích. Nhất là ở một xã hội hiện đại, con cái khi trưởng thành thường không sống cùng cha mẹ, sẽ khiến những người cao tuổi càng cảm thấy lạc lõng và cô đơn hơn nếu chỉ có một mình. Việc bù đắp cho người già chỉ bằng vật chất chỉ là một phần rất nhỏ, bởi thế mới có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.
Theo số liệu năm 2016 tại Anh, lượng đàn ông kết hôn khi đã gần 70 đã tăng lên 25%, trong khi đó tỷ lệ này tăng lên 21% ở phụ nữ. Còn tại Mỹ, 67% số người ở độ tuổi 55-64 đã trải qua hôn nhân hai lần, và có 50% những người 65 tuổi trở lên tái hôn.
Ở Việt Nam, có lẽ nhiều người đã nghe đến câu chuyện hai cụ già tuổi 91 ở Bến Tre đã quyết tâm đến với nhau và cùng nhau vượt mọi rào cản từ con cái và những định kiến của xã hội. Đã ở tuổi 91, chắc chắn 2 cụ không đến với nhau vì những ham muốn xác thịt tầm thường, mà chỉ đơn giản là khao khát được bầu bạn sẻ chia để vơi bớt nỗi cô đơn và tìm chút hơi ấm cho những năm tháng cuối đời.
Người trẻ bây giờ khi kết hôn thì cùng nhau đi xem tuổi, lựa ngày tháng đẹp để cưới hỏi, thậm chí còn lựa cả ngày tháng để sinh nở. Nhưng khi một người già kết hôn muốn chọn tuổi thì cớ sao những người trẻ lại cười? Đâu phải chỉ có người trẻ kết hôn mới là hợp luân thường đạo lý?
Nhiều người trong chúng ta thường hô hào khẩu hiệu mạnh dạn sống, vượt lên mọi rào cản ràng buộc mà sống, thế nhưng hình như chúng ta kém xa cụ bà 73 tuổi ấy. Cụ muốn “đi bước nữa”, khẳng định muốn lấy chồng. Cụ muốn chọn tuổi, nói muốn chọn tuổi. Đâu phải người trẻ nào cũng dám thể hiện rõ ràng tình cảm và ước muốn của mình trước đám đông như vậy? Hãy tư duy và hành xử văn minh, ai cũng có quyền tìm hạnh phúc cho riêng mình dù ở độ tuổi, giới tính hay cương vị nào trong xã hội.
Cẩm Mịch
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất