Sự tích cực cũng có thể trở thành ‘độc dược’: Có những khi ta cần để bản thân được tiêu cực
Tin liên quan
Khi tôi bị sa thải cách đây chưa đầy một tháng, nhiều bạn bè và người quen đã động viên tôi rằng: “Hãy nghĩ tích cực lên”.
Họ nói rằng tôi sẽ sớm ổn trở lại nếu như biết suy nghĩ tích cực.
Hơn nữa, họ nhắc nhở tôi rằng thế vẫn còn là may mắn. Bởi vì chỉ có tôi bị thôi việc, ít nhất chồng tôi vẫn đang được đi làm. Ít nhất sức khoẻ của tôi vẫn còn tốt.
Họ khẳng định mạnh mẽ rằng tôi nên biết ơn những gì mình đang có, hơn là đau buồn vì những điều mất mát.
Tôi hiểu rằng không ai cố ý làm tổn thương mình, họ chỉ đang cố gắng giúp tôi cảm thấy khá hơn. Và tất nhiên, tôi rất biết ơn vì những gì tôi đang có, tôi biết mình đang có cuộc sống tốt hơn nhiều người khác.
Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có thể vui vẻ ngay lập tức trước sự thật này.
Có những khi, sự tích cực có thể trở thành “độc dược”...
Bị sa thải thật tệ. Còn tệ hơn khi bị sa thải giữa đại dịch, khi tình hình mất việc đang ở mức cao nhất lịch sử trên toàn cầu. Tìm kiếm một công việc mới có vẻ chẳng hề dễ dàng, đặc biệt là khi rất nhiều người cùng đang tìm việc và rất ít cơ quan có khả năng tuyển nhân sự mới.
Tôi hoang mang và lo lắng. Không có suy nghĩ tích cực hay lạc quan nào có thể xua tan nhanh chóng nỗi sợ này.
Tích cực không phải là sai. Trên thực tế, tích cực có thể đem đến động lực thúc đẩy chúng ta phát triển. Nhưng sự tích cực có thể trở thành “độc dược” khi nó kìm nén những cảm xúc thật bên trong chúng ta.
Trong trường hợp này, đó chính là sự tích cực độc hại.
Sự tích cực độc hại là gì?
Trong thời đại của truyền thông, chúng ta liên tục bắt gặp những bài viết về “thái độ tích cực” mọi lúc mọi nơi. Dĩ nhiên, lạc quan là điều tốt. Nhưng trấn an sự bất an bằng lạc quan không đúng lúc có thể khiến tình trạng tâm lý của bạn trở nên tồi tệ hơn.
Thuật ngữ sự tích cực độc hại – “toxic positivity”, nói về thái độ sống chỉ giữ sự tích cực mà từ chối, gạt bỏ tất cả những cảm xúc khác như: buồn bã, lo lắng, sợ hãi,…
Sự thật là khi bạn càng cố né tránh hoặc phủ nhận những cảm xúc khó chịu bên trong mình, chúng càng trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta chỉ là con người, đâu phải máy móc có thể tự lập trình để chỉ cảm thấy hạnh phúc 24/7?
Ở đây, tôi không dùng cụm từ “cảm xúc tiêu cực”. Bởi cảm xúc của chúng ta là đa dạng và sinh động, không “tốt” hay “xấu”, không nên gắn mác cho chúng chỉ với 2 tính từ “tích cực” và “tiêu cực”. Tôi thích gọi đó là những cảm xúc dễ chịu và cảm xúc khó chịu hơn.
Né tránh tiêu cực, liệu có thật là tốt?
Cảm xúc là tấm biển chỉ dẫn, mọi cảm xúc đều mang một thông điệp
Thay vì gắn mác cảm xúc, hãy coi chúng như tấm biển chỉ đường. Mọi cảm xúc xuất hiện đều mang đến một thông điệp. Né tránh những cảm xúc khó chịu sẽ chỉ khiến bạn đánh mất cơ hội để hiểu về chính mình. Ví dụ, khi bạn sợ hãi, cảm xúc sợ hãi đang nói với bạn rằng: “Hãy tìm hiểu lí do khiến mình sợ điều này”.
Nếu bạn buồn vì phải rời bỏ một công việc, có thể là bạn sợ sự không ổn định. Nếu bạn cảm thấy lo lắng về một bài thuyết trình, có thể là bạn rất quan tâm đến việc mình có được công nhân năng lực hay không, bên trong bạn có nỗi sợ bị đánh giá và phán xét. Nếu sự giận dữ xuất hiện, nó báo hiệu rằng ranh giới cảm xúc của bạn đang bị xâm phạm.
Thay vì gắn mác cảm xúc, hãy coi chúng như tấm biển chỉ đường.
Nếu càng lờ đi những cảm xúc khó chịu, bạn càng không thể xử lý tận gốc nỗi sợ làm nên những cảm xúc khó chịu ấy. Vấn đề của bạn vẫn ở đó, như một “đống rác” trong ngôi nhà nội tâm, chỉ được “đắp chiếu” qua quýt. Một ngày nào đó, trời đổ mưa, “đống rác đắp chiếu” đó sẽ bốc mùi hôi thối, việc xử lý chúng càng trở nên phức tạp.
“Không ổn” cũng ổn mà!
Chấp nhận những cảm xúc khó chịu giúp bạn vượt qua chúng nhanh hơn. Khi cảm thấy buồn bã, mệt mỏi, thất vọng,… đừng tự ép mình phải ổn ngay lập tức, hoặc giả vờ như mọi chuyện đều ổn. Sẽ thật tốt khi bạn có thể nói ra tâm trạng của mình với người thân và bạn bè. Trút bỏ mọi thứ khỏi lồng ngực, bao gồm cả những cảm xúc khó chịu, sẽ giúp chúng ta nhẹ lòng và thoải mái hơn rất nhiều.
It's okay to not be okay!
Chấp nhận cảm xúc khó chịu không phải là thường xuyên kêu ca hay than thở. Chấp nhận cảm xúc khó chịu là khi bạn thật sự dành thời gian cho tâm trí, cho mình khoảng lặng với sự bình tâm, để lắng nghe tiếng nói đang ẩn khuất sau mỗi cảm xúc của mình.
Hoàn toàn bình thường nếu một ngày nào đó bạn buồn bã, giận dữ hay thất vọng.
Hoàn toàn bình thường nếu bạn lo lắng, bất an hay căng thẳng.
Không ổn cũng không sao cả.
Đôi khi, bất ổn cũng là điều rất đỗi bình thường. Và bất ổn, cũng chính là cơ hội để chúng ta chạm sâu hơn tới thế giới nội tâm bên trong mình.
Vy Cầm/Tham khảo Heathline và Psychologytoday
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất