Nghịch lý cuộc sống: Bạn luôn thiếu thời gian nhưng không thể dừng lướt mạng xã hội?
Tin liên quan
Việc đầu tiên bạn làm khi thức dậy là vồ lấy cái điện thoại và check Facebook? Việc cuối cùng bạn làm trong ngày trước khi đi ngủ là xem nốt vài cái video trên Tiktok? Bạn có bao giờ tự nhủ mình lướt mạng xã hội thêm 5 phút nữa thôi nhưng 30 đã trôi qua? Nếu bạn có những thói quen đó, bạn không phải người duy nhất đâu vì mạng xã hội sinh ra vốn là để gây nghiện.
Tại sao chúng ta không thể dừng lướt?
Bạn cho rằng việc dùng mạng xã hội chỉ là thói quen lúc rảnh rỗi, nhằm thư giãn đầu óc và nó vô thưởng vô phạt. Trên thực tế, các đế chế tỉ đô đứng sau Facebook, TikTok, Instagram đang “thao túng” bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Người dùng vốn không phải trả xu nào khi dùng những dịch vụ này, vì thế các ông lớn công nghệ phải tìm đủ mọi cách để khiến người dùng sử dụng mạng xã hội lâu nhất có thể và họ có thể thu được lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo.
Bằng cách nào mà các mạng xã hội có thể khiến con người “cống” hàng giờ thời gian quý báu của mình mỗi ngày? Dòng feed vô tận, những video tự động next và phát khiến bạn luôn bị cuốn theo. Cứ cuộn đi, có thể điều gì hấp dẫn đang đợi chờ mình phía trước. Rốt cuộc, người ta thậm chí không biết mình đang tìm kiếm điều gì.
Người ta dùng mạng xã hội để thể hiện bản thân, kết nối với bạn bè, người quen, cập nhật tin tức hoặc giải trí. Số lượt like, comment tấp nập trên những bức ảnh bạn đăng có khiến bạn thấy phấn khích không? Những video giải trí trên mạng có hấp dẫn không? Chính khát khao được người khác chú ý, công nhận là động lực khiến người ta không thể ngừng truy cập vào mạng xã hội. Đây chính là cơ chế phần thưởng, khiến dopamin trong não tăng lên, chất truyền dẫn thần kinh này liên quan đến việc kích hoạt khoái cảm.
Bên cạnh đó, nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO – Fear Of Missing Out) luôn thôi thúc chúng ta phải cập nhật tin tức thường xuyên, để “chống tối cổ” và không bỏ lỡ bất kỳ cuộc vui nào từ bạn bè.
Cũng có thể, người ta vùi đầu vào mạng xã hội để tạm lánh khỏi những vấn đề mà mình đang phải đối mặt: công việc gặp khó khăn, cảm giác cô đơn, mất kết nối với người khác. Khi không biết nên làm gì, không muốn làm gì, dễ nhất là mở một ứng dụng mạng xã hội nào đó như Facebook, Tiktok, Instagram rồi quẹt quẹt trong vô thức.
Bạn có thấy việc dùng mạng xã hội đang dần trở nên mệt mỏi không?
Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu bạn không quá lệ thuộc vào mạng xã hội và không để nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, bạn không có nhiều quyền kiểm soát như bạn tưởng.
Có bao giờ bạn cảm thấy tự ti, mặc cảm khi lên newsfeed thấy bạn bè dường như ai cũng có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, sang chảnh hơn mình. Bạn so sánh phiên bản sang xịn của người khác trên “sân khấu” mạng xã hội với hậu trường thảm hại của cuộc đời mình và thấy sự tự tin, lòng tự trọng tụt xuống bằng không.
Bạn có bao giờ tìm kiếm một sự kết nối nào đó trên mạng xã hội rồi thấy bơ vơ, lạc lõng, dường như ai cũng đang hối hả với cuộc sống của họ. Cuối cùng, vẫn còn có mình ta với cô đơn.
Những lượt like, comment khiến bạn phấn khích trong chốc lát nhưng cũng rất nhanh tàn. Bạn buộc phải nghĩ ra một cái gì đó mới để tiếp tục thu hút sự chú ý của người khác. Như mất hàng giờ để chỉnh sửa một cái ảnh, thêm vào 7749 lớp filter ảo diệu lung linh, vắt óc nghĩ ra câu caption thật chất. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng mất cả tiếng đồng hồ, nhìn lại chậu bát chưa rửa, cái nhà chưa quét, sau những hào nhoáng trên mạng, bạn vẫn phải quay về với mớ bề bộn của đời mình.
Bạn lên mạng xã hội là để giải trí, để kết nối với mọi người, nhưng thật sự cái mà bạn nhận được lại là những cảm xúc tiêu cực, khó chịu, mệt mỏi. Vậy bạn còn lên mạng xã hội để làm gì? Nếu nó bắt đầu làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn, ảnh hưởng đến công việc của bạn, vậy phải chăng đã đến lúc bạn cần thanh lọc bản thân khỏi tác động tiêu cực của mạng xã hội?
Tại sao bạn không thể bỏ mạng xã hội dù đã rất cố gắng?
Thứ nhất, tất cả những mối quan hệ xung quanh bạn dường như đều dính dáng đến mạng xã hội. Bạn không muốn lên mạng xã hội nhưng trên đó có 7749 hội nhóm liên quan đến lớp học, công việc. Thậm chí có một số công việc còn gắn chặt với mạng xã hội.
Thứ hai, do thói quen đã hình thành qua hàng ngày, hàng tháng, hàng năm rất khó thay đổi.
Thứ ba, bạn dành thời gian cho mạng xã hội nhiều hơn bạn nghĩ. Không tin, bạn cứ thử cài một số ứng dụng theo dõi lịch sử dùng điện thoại sẽ rõ, nhìn lại thống kê trong ngày xem ứng dụng bạn dành nhiều thời gian nhất có phải là Facebook, Tiktok hay Instagram không? Và vì đã dành nhiều thời gian cho nó, khi không còn sử dụng mạng xã hội, tự dưng bạn sẽ bị trống ra một khoảng thời gian mà không biết nên làm gì.
Thứ tư, những thứ “nghiện ngập” thường khó bỏ và rất dễ tái nghiện trở lại, nhất là khi “con nghiện” không đủ quyết tâm. Đó là lý do bạn cứ gỡ rồi lại cài app Facebook, khóa tài khoản rồi lại phải mở ra.
Vậy giải pháp nào cho chúng ta?
Đầu tiên, bạn phải xác định rõ tư duy của mình, bạn có muốn hạn chế sử dụng mạng xã hội không và bạn làm điều đó để làm gì?
Tiếp đến, hãy dứt khoát gỡ ứng dụng mạng xã hội ra khỏi điện thoại, bạn có thể sử dụng bản website của những dịch vụ này nếu muốn, nhưng sự bất tiện sẽ khiến bạn giảm đáng kể thời gian dành cho việc lướt lướt.
Nếu cần, bạn hãy ghi chép lại tâm trạng của bạn trước và sau khi mỗi lần vào Facebook, bạn cảm thấy tốt hơn hay tệ đi?
Ngoài ra, để bớt vào mạng xã hội, bạn cần có một hoạt động thay thế, đánh lạc sự chú ý của bản thân, chẳng hạn như vẽ vời, ca hát, làm đồ thủ công.
Hãy thử thanh lọc bản thân khỏi mạng xã hội một thời gian và cảm nhận sự tích cực mà thử thách này mang lại nhé!
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất