Luôn cố gắng làm hài lòng người khác, bạn có đang bỏ quên hạnh phúc của chính mình?
Tin liên quan
Làm hài lòng người khác dễ bị nhầm lẫn với lòng tốt, nhưng thực tế là chúng không hề có sự liên quan. Làm hài lòng người khác vượt xa lòng tốt đơn thuần. Đó là khi bạn thay đổi lời nói và hành động của mình chỉ vì phản ứng của người khác, bỏ thời gian và sức lực chỉ để khiến mọi người thích mình.
Nếu xu hướng này vượt quá ngưỡng cân bằng, người làm hài lòng người khác (people - pleaser) sẽ cảm thấy kiệt sức, lo lắng và căng thẳng. Nhà tâm lý trị liệu Myers (Orergon, Mỹ) cho rằng: “Tâm lý chiều lòng người khác có thể gây tổn hại cho chính chúng ta khi chúng ta đặt mong muốn của người khác quan trọng hơn nhu cầu của bản thân mình”.
Janet là một bà mẹ bước sang tuổi 42, chị có 2 cậu con trai 11 và 13 tuổi. Công việc của Janet là một y tá. Chị tự ti về ngoại hình của mình vì bị thừa cân, dù đã tham gia chương trình thay đổi vóc dáng 10 tuần nhưng Janet vẫn chưa giảm được cân nào. Ban tổ chức chương trình đã cùng nhau ngồi lại để tìm hiểu xem bà mẹ này đã gặp phải khó khăn gì trong quá trình giảm cân.
Họ lắng nghe Janet chia sẻ. Chị nói rằng mình chưa thể bắt đầu tập luyện hay ăn kiêng theo chế độ, vẫn tiếp tục ăn đồ ăn nhanh vài lần trong tuần. “Tôi quá bận. Cơ hội tập luyện duy nhất trong ngày của tôi là thức dậy lúc 5 giờ sáng và đi bộ. Nhưng khi thức dậy tôi nhận ra mình còn quá nhiều việc phải làm. Tôi phải chuẩn bị bữa trưa, trả lời email và những việc khác trong nhà. Jack có trận đá bóng vào thứ Tư, và Jason có trận bóng chày vào thứ Ba sau đó là karate vào thứ Sáu.
Tâm lý chiều lòng người khác có thể gây tổn hại cho chính chúng ta khi chúng ta đặt mong muốn của người khác quan trọng hơn nhu cầu của bản thân mình.
Lúc về đến nhà thường đã quá muộn, cả nhà đều đang đói nên tôi chỉ còn cách mua đồ ăn nhanh hoặc món nào đó dễ làm. Sau khi ăn, tôi bắt đầu thấy tội lỗi và định lên thực đơn ăn kiêng cho bữa tối hôm sau. Nhưng lúc đó đã 9h tối và tôi bắt đầu thấy kiệt sức. Ngoài ra tôi phải tranh thủ đến viện dưỡng lão để thăm bà tôi 2 lần một tuần, vào những ngày bọn trẻ không có trận đấu bóng. Tôi kiệt sức rồi, không còn chút thời gian nào”.
Janet là một ví dụ điển hình của mẫu người làm hài lòng người khác. Tất cả thời gian của chị chỉ xoay quanh việc chăm sóc mọi người. Janet đã thật lòng khi nói rằng mình không có thời gian để tập luyện. Chị chắc chắn sẽ không thể tập luyện nếu còn muốn giữ tất cả thói quen trên.
Vì sao bạn muốn làm hài lòng người khác?
Xu hướng tâm lý làm hài lòng người khác bắt nguồn từ nỗi sợ bị từ chối hoặc sợ thất bại.
Bạn có đang chiều lòng người khác vì nỗi sợ không được yêu thương?
Nỗi sợ bị từ chối là tiếng nói: “Nếu tôi không làm mọi thứ để khiến người này hạnh phúc, họ có thể sẽ bỏ đi và ngừng quan tâm đến tôi”.
Nỗi sợ bị từ chối có thể đến từ những mối quan hệ đầu đời, khi bạn từng bị một người quan trọng (bố mẹ hoặc người yêu) bỏ rơi hoặc thiếu sự yêu thương. Nỗi sợ thất bại là loại cảm giác: “Nếu tôi mắc sai lầm, tôi sẽ làm mọi người thất vọng và sẽ bị trừng phạt”. Nỗi sợ thất bại có thể nảy sinh từ những trải nghiệm thời thơ ấu, khi bạn bị trừng phạt nghiêm khắc dù là những sai sót nhỏ nhất. Vì vậy, những người có cha mẹ thường xuyên trách mắng thuở nhỏ khi trưởng thành dễ có xu hướng làm hài lòng người khác.
Làm thế nào để ngừng chiều lòng người khác?
Hãy thể hiện lòng tốt chỉ khi bạn thực sự có ý đó
Lòng tốt thực sự không xuất phát từ mong muốn nhận được sự yêu mến hay chấp thuận. Nó không liên quan đến bất kỳ động cơ nào ngoài việc muốn làm việc tử tế cho người khác. Trước khi làm một việc gì đó cho người khác, hãy tự hỏi bản thân: Làm việc này có mang lại niềm vui cho bạn không? Hay bạn sẽ cảm thấy bực bội và buồn phiền nếu hành động ấy không được người khác đáp lại?
Thực hành đặt bản thân lên trước tiên
Nếu không tự chăm sóc bản thân, bạn sẽ không đủ năng lượng để làm bất cứ điều gì cho bất kỳ ai. Đặt nhu cầu của bản thân lên hàng đầu không phải là ích kỷ mà là một cách sống lành mạnh. Trở thành một người luôn quan tâm và cho đi là điều tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là quan tâm và hướng đến nhu cầu của chính chúng ta.
Bởi vì bạn xứng đáng được yêu thương!
Học cách thiết lập ranh giới
Xây dựng các ranh giới lành mạnh là bước quan trọng để vượt qua tâm lý làm hài lòng mọi người. Mỗi khi có ai đó yêu cầu bạn giúp đỡ hoặc làm điều gì đó, hãy cân nhắc các điều sau:
1. Bạn cảm thấy thế nào về việc này: Đó là điều bạn thật sự muốn làm hay là bạn không muốn?
2. Xem lại thời gian và cân nhắc nhu cầu của riêng bạn trước: Bạn sẽ phải hi sinh thời gian rảnh của mình để làm việc đó, có xứng đáng hay không?
3. Việc giúp đỡ người khác khiến bạn cảm thấy như thế nào? Bạn sẽ hạnh phúc hơn, hay đâu đó trong lòng lại thấy bực bội hơn?
Chờ cho đến khi bạn được người khác yêu cầu giúp đỡ
Bất kể là vấn đề gì, bạn có xu hướng luôn sẵn sàng với một giải pháp. Bạn thường xung phong đảm nhận phần việc ngoài trách nhiệm tại cơ quan và tham gia đưa lời khuyên khi bạn bè đề cập đến bất kỳ vấn đề nào của họ.
Từ giờ, hãy tự thử thách bản thân bằng cách đợi cho đến khi ai đó yêu cầu bạn giúp đỡ một cách rõ ràng. Ví dụ, nếu đồng nghiệp của bạn kể về sự bực bội của anh ta với sếp, hãy thể hiện sự quan tâm bằng cách lắng nghe thay vì đưa ra danh sách các lời khuyên để họ đối phó với tình huống này. Có thể, họ chỉ cần sự đồng cảm và lắng nghe hơn bất cứ điều gì khác.
Bất kỳ ai cũng đều khao khát được yêu thương và trân trọng, điều đó không có nghĩa bạn phải hi sinh hạnh phúc của mình để chiều lòng tất cả. Hãy cứ làm điều mà bạn thích, nói những gì bạn thật sự nghĩ, lắng nghe điều con tim bạn mách bảo và trở thành con người mà bạn muốn là. Sống trọn vẹn với nhu cầu của bản thân sẽ khiến bạn hạnh phúc và bình an hơn rất nhiều!
VC/ Dịch & tổng hợp từ Heathline và Psychologytoday
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất