Bước ra khỏi 'vùng an toàn' có phải là lựa chọn tốt nhất?

Bước ra khỏi 'vùng an toàn' có phải là lựa chọn tốt nhất?

I Am NGA 2021-10-16 08:00
- Bạn có thấy căng thẳng, lo lắng, sợ hãi trước những lời khuyên như thúc giục bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn?

Khi đọc sách self-help hay lướt mạng xã hội, bạn sẽ bắt gặp lời khuyên của những diễn giả, những người thành công và có tầm ảnh hưởng khuyên rằng bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn. Điều đó khiến bạn cảm thấy có gì đó sai sai với cuộc sống êm đềm và yên ả của mình. Nó có bằng phẳng nhạt nhẽo quá chăng? Liệu đã đến lúc mình cần phải thay đổi?

Kiệt sức vì nỗi ám ảnh "bước ra khỏi vùng an toàn"

Tôi là một hình mẫu điển hình của kiểu người an toàn. Tôi thận trọng, chỉn chu, luôn tìm hiểu rất kỹ trước khi bắt đầu làm một việc gì đó. Con đường của tôi khá êm đềm và bằng phẳng, không gặp nhiều sóng to gió lớn. Tôi học hành thuận lợi, tốt nghiệp xong đi làm, chưa từng chịu cảnh thất nghiệp hay phải rải hồ sơ tìm việc khắp nơi. Suốt nhiều năm tôi vẫn gắn bó với công việc đó, sống trong căn phòng đó, vẫn độc thân và thường phải nhíu mày suy nghĩ mỗi khi bạn bè hỏi câu: “Dạo này cậu có gì mới không?”

Bước ra khỏi vùng an toàn có phải là lựa chọn tốt nhất?

Nhiều lúc tôi cũng trăn trở mình có hơi hèn nhát không? Trong khi bạn bè đã nhảy đến 7, 8 công ty, khởi nghiệp rồi làm tự do, thăng chức, lên đời, kết hôn, sinh con. Cuộc sống của mình có vẻ cứ như giậm chân tại chỗ nhỉ? Sao mình không dám nhảy ra khỏi vùng an toàn, phá vỡ giới hạn của bản thân và sống liều lĩnh hơn đi?

Suy nghĩ đó khiến tôi luôn căng thẳng, lo lắng và mất tập trung. Tôi sợ mình bị lỗi thời, bị đào thải khỏi thị trường lao động và nếu không nhảy việc bây giờ, để đến khi nhiều tuổi hơn thì khó mà tìm được một công việc tốt. Để có một cú nhảy êm, không trượt ngã, tôi chuẩn bị rất kỹ. Tôi suy nghĩ về công việc trong mơ mà mình muốn, học hỏi thêm những kỹ năng mới, thử sức với những công việc freelance. Cuối cùng, tôi mệt mỏi, kiệt quệ khi cứ phải xoay mòng mòng.Bước ra khỏi vùng an toàn có phải là lựa chọn tốt nhất?

Dịch bệnh khiến cho hầu hết những nguồn thu nhập phụ của tôi đều giảm và trở nên rất bấp bênh. Hợp đồng cộng tác viên không có những chế độ phúc lợi, bảo hiểm, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, ráo mồ hôi là hết tiền. May mắn là công việc chính của tôi vẫn ổn, thu nhập không bị giảm quá nhiều và tôi cũng không bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đó là sự đảm bảo an toàn cho cuộc sống của tôi.

Gần hai tháng được trải nghiệm “work from home” toàn thời gian, tôi không hề tự do như mình tưởng. Ngược lại, tôi còn bị rơi vào stress triền miên. Tôi bẽ bàng nhận ra, mình vẫn chưa đủ sức để mà “khởi nghiệp” hay trở thành một freelancer toàn thời gian. Ngày trở lại văn phòng làm việc, tôi như được “hồi sinh”, tự nhiên thấy yêu công ty quá!

Tìm về nơi an toàn cho tâm hồn

Khi tôi bị stress, thứ đầu tiên giúp tôi được xoa dịu lại là bài thiền tìm về nơi an toàn cho tâm hồn mà tôi nghe được trong một podcast. Hóa ra, ai cũng cần một vùng an toàn để tâm hồn mình tìm về nương náu, những khi cuộc sống ngoài kia quá khó khăn, khắc nghiệt. Nơi an toàn ấy có thể là nhà mình, có thể là một môi trường thân thuộc, cũng có thể là chính cơ thể mình. Cơ thể mình phải luôn là một “ngôi nhà” an toàn cho tâm hồn trú ngụ, và để có cảm giác an toàn, ta phải sống trong một không gian an toàn.

Bước ra khỏi vùng an toàn có phải là lựa chọn tốt nhất?

Những ngày dịch bệnh “đu đỉnh” khủng khiếp, rõ ràng được sống ở vùng xanh vẫn yên tâm hơn là sống trong các khu cách ly, phong tỏa hay tệ hơn là trong bệnh viện. Những năm tháng qua, tôi sống trong một căn phòng nhỏ được bao quanh bởi màu xanh lá của những tán cây. Bạn bè hỏi sao không chuyển đến một căn phòng khác tiện nghi hơn, thu nhập của tôi tốt hơn rồi mà, hoặc sao không nghĩ đến chuyện mua nhà đi. Có tiền thì mua lúc nào chẳng được, không có tiền thì ở đâu chẳng thế, sao phải chuyển? Ít ra sống ở nơi đó, tôi vẫn được bác chủ nhà quan tâm, hàng xóm quen tên, đi chợ ai cũng quen mặt, thậm chí có thể nợ tiền nếu quên mang ví. Tôi được an toàn.

Ở công ty, tôi được làm công việc mình yêu thích, công việc trong mơ thuở hai mươi của tôi. Tôi có thời gian để học hỏi, trải nghiệm những công việc tự do, tôi có những đồng nghiệp thân thiện, dễ mến, tôi còn đòi hỏi điều gì hơn nữa? Tôi từng từ chối những công việc được offer vị trí tốt hơn, lương cao hơn chỉ vì công việc đó có điểm gì đó mà tôi không thích.

Đừng vội nhảy ra khỏi vùng an toàn khi bạn chưa sẵn sàng

Tôi không cho rằng chúng ta nên ru rú, núp lùm ở trong vùng an toàn của bản thân. Chỉ có điều, không phải ai cũng thích liều lĩnh, mạo hiểm, bay nhảy khắp nơi và thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh. Cái gì cũng có giá của nó. Cái giá của mạo hiểm là rủi ro. Cái giá của an toàn là cuộc sống khó có sự thay đổi đột biến.

Gần đây, tôi nghe cuốn Sống đơn giản cho mình thanh thản của Shunmyo Masuno, ông viết rằng những người tu hành như mình sáng nào cũng dậy sớm, dọn dẹp, ngồi thiền, tụng kinh,… ngày qua ngày như thế nhưng mình của ngày hôm nay khác mình của ngày hôm qua, dù vẫn làm một công việc giống nhau. Một chân lý đơn giản như vậy mà suốt bao nhiêu năm tôi không nhận ra.

Bước ra khỏi vùng an toàn có phải là lựa chọn tốt nhất?

Trong khi tôi thấy chán nản với cuộc sống tẻ nhạt của mình, tôi đã quên mất rằng mình là người từng dám nhảy xuống bể bơi sâu 1,8 met khi học bơi, vì tôi chắc chắn có người cứu hộ đảm bảo an toàn. Người khác thấy cuộc sống của tôi đầy màu sắc thú vụ khi tôi dám trải nghiệm những điều mình muốn làm.

Tôi vẫn nuôi dưỡng những ước mơ, ấp ủ những dự định, những điều mình muốn làm. Và tôi biết, mình trưởng thành lên từ vùng an toàn của bản thân. Đến một lúc nào đó, tôi sẽ bước ra khỏi vùng an toàn, khi đã sẵn sàng mà không cần ai thúc giục.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 3 cung hoàng đạo mang vẻ ngoài duyên dáng, tâm hồn cao thượng, nhiều người ngưỡng mộ

Đọc nhiều nhất