Áp lực đồng trang lứa và cách vượt qua nỗi sợ ‘không bằng con nhà người ta’ để sống đúng là mình

Áp lực đồng trang lứa và cách vượt qua nỗi sợ ‘không bằng con nhà người ta’ để sống đúng là mình

Vy Cầm 2021-11-08 08:00
- Tự ti trước những thành tựu của người khác không khiến bạn trở nên khá hơn. Có thể chính người mà bạn đang “ganh tị” cũng lại đang gặp áp lực đồng trang lứa với những người khác.

Áp lực đồng trang lứa – nỗi niềm không của riêng ai

Trong tiếng Anh, danh từ “peer” chỉ người cùng địa vị, còn “pressure” là sức ép, áp lực. “Peer pressure”, hay còn gọi là áp lực đồng trang lứa, là thuật ngữ chỉ sự ảnh hưởng của những người cùng một nhóm xã hội tác động đến cá nhân, khiến cá nhân thay đổi thái độ sống, giá trị sống để phù hợp, ngang hàng với những người cùng nhóm.

Trên thực tế, sự ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa có cả tích cực lẫn không tích cực. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, khi được tiếp xúc thường xuyên với những người có lối sống đẹp, giỏi giang, ưu tú thì áp lực đồng trang lứa sẽ giúp bạn có thêm đông lực phát triển và hoàn thiện mình. Tuy nhiên ở thời đại này, đa phần chúng ta dễ gặp phải tình trạng áp lực và căng thẳng khi so sánh mình với những bạn bè đồng trang lứa.

Áp lực đồng trang lứa và cách vượt qua nỗi sợ ‘không bằng con nhà người ta’ để sống đúng là mình

Có lẽ bạn cũng không quá xa lạ gì với những lời so sánh “con nhà người ta” ngay từ khi còn nhỏ:

“Thằng A con nhà bác B được điểm 10, suốt ngày nhất lớp. Sao con chỉ được có 7 điểm?”

“Sang mà xách dép cho cái C kia kìa, mới tí tuổi đảm đang quán xuyến hết việc nhà, mẹ nó nào có phải mó tay việc gì!

Rồi đến khi đi làm:

“Lương tháng của cháu bao nhiêu? Bác nghe nói cái X con nhà bác Y cuối phố được tận Z triệu/tháng đấy, lũ trẻ bây giờ giỏi thật!”

“Em có bằng IELTS chưa? Các bạn phòng mình đều “bảy chấm” trở lên”.

“Nhìn mà xem, bằng tuổi mày, cái C đã lấy chồng, đẻ một lứa, lại mới mua nhà tậu ô tô! Còn mày thì…”

Chúng ta dễ thấy tự ti, buồn bã mỗi khi nhìn sang những thành tựu của người khác và rồi tự trách mình “một vạn câu hỏi vì sao”: Vì sao bằng tuổi mà mình lại không giỏi giang, không kiếm tiền giỏi, không có khuôn mặt đẹp, thân hình hoàn hảo, không có một người yêu lý tưởng… bằng “người ta”?

Hậu quả của áp lực đồng trang lứa chính là sự bỏ lỡ cơ hội phát triển và sống thật với mong muốn của chính mình. Mỗi khi quen biết được ai đó xuất sắc hơn, chúng ta lại tự động so sánh mình và buồn bã, tự ti và nhụt chí cố gắng. Thậm chí, nhiều người còn nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như đố kị, ganh tị, muốn hạ bệ người khác để mình được công nhận là giỏi hơn.

Áp lực đồng trang lứa và cách vượt qua nỗi sợ ‘không bằng con nhà người ta’ để sống đúng là mình

Làm sao để vượt qua áp lực đồng trang lứa?

1. Nhận thức lại giá trị bản thân

Ở một bệnh viện ở Nara (Nhật Bản), có một nhà tâm lý học làm việc hơn 70 năm tên Tsuneko Nakamura. Ông được biết đến là một người luôn bình tĩnh trong công việc, chưa bao giờ xung đột với đồng nghiệp và thường thoải mái, chẳng mấy khi lo lắng. Khi được hỏi về bí quyết sống hạnh phúc, ông Nakamura chỉ đưa ra 3 chữ: Không so sánh.

Mỗi khi có một người đồng nghiệp khác được tiến cử lên vị trí cao hơn, hay ai đó được đối xử tốt hơn, ông không quá bận tâm và lấy làm bất mãn vì những điều đó.

Ông quan niệm rằng, người khác có cuộc sống và quỹ đạo của riêng họ. So sánh mình với những người khác rồi ghen tị, đau khổ chỉ làm chúng ta tiêu hao năng lượng một cách vô nghĩa.

Tự ti trước những thành tựu của người khác không khiến bạn trở nên khá hơn. Có thể chính những người mà bạn đang “ganh tị” cũng lại đang gặp áp lực đồng trang lứa với những người khác.

Theo đuổi một hình mẫu có sẵn khiến bạn bỏ quên những ước mơ, mong muốn của bản thân. Rất nhiều người dành cả đời để thực hiện giấc mơ của người khác, để đến khi nhận ra thì đã muộn. Bà hoàng thời trang Coco Chanel từng có một câu nói rất đáng suy ngẫm: “Vẻ đẹp bắt đầu từ khoảnh khắc bạn quyết định là chính mình.”

Không có một tiêu chuẩn nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người. Thay vào đó, sao chúng ta không nhìn nhận lại về giá trị bản thân mình? Bạn là một cá thể độc nhất, với những suy nghĩ, tính cách và ưu điểm riêng biệt. Có thể có những mặt bạn không giỏi bằng “ai đó”, nhưng chắc chắn có những lĩnh vực bạn chẳng hề kém cạnh khi so sánh với bạn bè cùng tuổi.

Áp lực đồng trang lứa và cách vượt qua nỗi sợ ‘không bằng con nhà người ta’ để sống đúng là mình

2. Bớt phụ thuộc vào mạng xã hội

Thời đại công nghệ số bùng nổ, có ngày càng nhiều mạng xã hội và việc kết nối giữa người với người chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Ở đó, chúng ta nhanh chóng cập nhật được cuộc sống ảo của những người bạn nhờ những gì họ đăng tải.

Tuy nhiên có một điều nguy hiểm, mạng xã hội đưa đến cho chúng ta những thông tin về tất cả mọi người và đồng thời cho ta nhiều cơ hội để so sánh bản thân mình với họ. Nếu như nhận thức về giá trị bản thân chưa đủ vững, nếu như sự tự tin từ bên trong chưa đủ lớn, chúng ta sẽ rất khó kiểm soát được sự so sánh vô thức trước những thông tin mà bạn bè mình chia sẻ. Hơn nữa, hầu như mọi người đều chỉ chia sẻ những chuyện tốt đẹp về cuộc sống của mình và giấu đi những gì không tốt. Nếu chỉ quan sát người khác qua mạng xã hội, chúng ta rất dễ nghĩ rằng cuộc sống của người khác tốt hơn mình rất nhiều. Ngoài ra, cũng đã có không ít những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng của con người.

Vì vậy khi chưa xây dựng đủ sự tự tin vào bản thân, bạn không nên để mạng xã hội thâu tóm quỹ thời gian của mình và ảnh hưởng lên cách bạn nhận định mọi thứ.  

Áp lực đồng trang lứa và cách vượt qua nỗi sợ ‘không bằng con nhà người ta’ để sống đúng là mình

3. Hiểu rằng “mỗi người đều có một ‘timeline’ của riêng mình”

Chúng ta đều có một tiến trình phát triển riêng không ai giống ai. Mỗi người đều có một xuất phát điểm khác nhau, có con đường và ngã rẽ riêng, có những thử thách phải tự mình vượt qua và thời điểm nhất định để đạt được thành tựu. Có những người “trầy da tróc vẩy” vì thất bại cả thanh xuân nhưng cuối cùng đã toả sáng rực rỡ ở tuổi 40. Có những người đạt được thành công ngay từ khi 20 tuổi nhưng sau này vẫn có thể làm thuê cho một người tốt nghiệp đại học “hạng xoàng”.

Đừng vội nản chí nếu như những người xung quanh bạn đã có chút thành tựu còn mình vẫn chưa. Nhà văn Phạm Lữ Ân có một câu rất hay về “thời điểm” rằng: “Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được. Nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm”.

Áp lực đồng trang lứa - tảng đá cản đường hay động lực phát triển?

Áp lực đồng trang lứa vừa có thể tạo nên tác động tiêu cực lẫn tích cực, tuỳ vào góc nhìn và thái độ sống của mỗi người. Áp lực không hẳn là xấu, bởi “có áp lực mới có kim cương”. Áp lực đồng trang lứa sẽ là một ảnh hưởng tốt khi góp phần thúc đẩy động lực mỗi người cố gắng, học hỏi từ những người xung quanh và đưa ra hướng đi phù hợp cho chính mình.

Còn nếu như đã nỗ lực hết sức mà vẫn chưa bằng người khác? Không sao cả. Bạn không cần phải ganh đua với ai khác, điều quan trọng là bạn đang trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày.

Theo một cách nào đó, sao chúng ta không biến “peer pressure” thành “peer motivation” (động lực) để theo đuổi con đường riêng? Để sống hết mình, và để không hối tiếc.

Vy Cầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mỹ Tâm e ấp bên Hà Anh Tuấn

Đọc nhiều nhất