Bỏ 9 triệu đi tiêm filler tạo cằm V-line, cô gái đau khổ khi phải mất tới 10 triệu để tháo dỡ
Tin liên quan
Tiêm filler tạo cằm V-line, cô gái khổ sở đi nạo vét, tháo dỡ vì không hợp mặt
Thường xuyên bị mọi người chê là cằm ngắn, to, xấu, khiến cho khuôn mặt mất đi sự thanh thoát chị N.K (24 tuổi) quyết định đầu tư thẩm mỹ để có được cằm Vline. Được một người bạn giới thiệu địa chỉ thẩm mỹ uy tín, chị N.K đã tới để tiêm chất làm đầy (filler) tạo hình cằm Vline như mong muốn.
Chị N.K cho biết, dịch vụ tiêm chất làm đầy tại đây có giá 9,3 triệu đồng (chưa kể tiền thuốc)… Tiêm xong chị N.K đã có được chiếc cằm dài thon gọn hơn. Nhưng khi nhìn vào gương chị thấy khuôn mặt không xinh đẹp, thanh thoát. Chiếc cằm mới không hề phù hợp với khuôn mặt, hơn thế sau khi tiêm về chị N.K thấy bị sưng phù nề rất đau.
Chị N.K sau khi nạo vét chất làm đầy.
Tiêm chất làm đầy được 1 tuần thì chị quyết định đi nạo vét để lấy lại chiếc cằm ngắn tự nhiên ngày nào. Nhưng khi quay trở lại nơi tiêm chất làm đầy họ từ chối không nhận. Chị N.K tìm tới một số phòng mạch tư khác nhưng không bác sĩ thẩm mỹ nào dám nhận.
Cuối cùng chị N.K đã tới một bệnh viện lớn có chuyên khoa về thẩm mỹ để tiến hành nạo vét chất làm đầy. Chi phí nạo vét, ép băng chị N.K cho biết mất khoảng 10 triệu đồng.
“Bác sĩ nói tôi tiêm chất làm đầy nhưng bị trộn lẫn silicon nên bị phù nề. Nhưng tôi quyết định nạo vét chất làm đầy vì thấy chiếc cằm không hề phù hợp với khuôn mặt. Bác sĩ đã tiến hành nạo vét và ép băng. Vì khi nạo ra, bên trong rỗng nên bị ứ dịch”, chị N.K chia sẻ.
Theo chị N.K sau khi nạo vét và ép băng thì cằm chị đã đỡ sưng và hiện nay chị đang phải ăn thức ăn mềm trong 10 ngày.
Tiêm chất làm đầy vào cơ thể thì dễ, nhưng để nạo vét thì cực kỳ khó
PGS, TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện 108 cho biết, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình gần đây thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tới nạo vét chất làm đầy do biến chứng và một phần nhỏ thấy không phù hợp. Những trường hợp tới nạo vét chất làm đầy chủ yếu ở sống mũi, má, hai rãnh mũi, môi, cằm và một số ít ở ngực.
“Tiêm chất làm đầy vào cơ thể thì dễ, nhưng để nạo vét thì cực kỳ khó và không hề đơn giản. Sau khi nạo vét bệnh nhân vẫn dễ bị viêm và biến dạng”, PGS, TS Nguyễn Tài Sơn cho biết.
Lý giải về việc hầu hết các bác sĩ sẽ từ chối các ca nạo vét chất làm đầy, PGS, TS Nguyễn Tài Sơn phân tích: “Bác sĩ thẩm mỹ từ chối nạo vét chất làm đầy cho bệnh nhân là điều rất dễ hiểu. Chất làm đầy khi bơm vào cơ thể không khác gì “nước đổ ra đất” nó ngấm vào các tổ chức. Vì vậy có nạo vét, ép băng thì chất làm đầy cũng không thể hết được, nguy cơ viêm tái phát cao”.
Cũng theo PGS, TS Nguyễn Tài Sơn khi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân các bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình luôn phải giải thích về nguy cơ viêm, biến dạng. Nếu bệnh nhân đồng ý và hiểu rõ quy trình các bác sĩ mới tiến hành làm. Sau nạo vét, ép băng hầu như không có biến chứng nguy hiểm.
Theo khuyến cáo của PGS, TS Nguyễn Tài Sơn hiện nay xu hướng làm đẹp bằng chất làm đầy đang được quảng cáo rất mạnh. Chị em chạy theo thị hiếu lại đua nhau đi làm đẹp bất chấp nguy hiểm. Các chất làm đầy rởm, kém chất lượng khi tiêm vào có thể có thể gây hoại tử bộ phận tiêm vào.
“Đừng liều mạng đánh đổi sắc đẹp đi tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những Spa nhân viên y tế không có kỹ năng tiêm. Việc tiêm chất làm đầy tại đâu, ở cơ quan nào cần phải có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ”, TS Nguyễn Tài Sơn khuyến cáo.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất