Những 'nỗi sợ' của cô nàng tuổi 29
Tin liên quan
Theo thống kê của văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới ở Việt Nam là 26,6 và nữ là 22,8. Những năm tháng của độ tuổi 20 - trước 30 cũng là khoảng thời gian thích hợp nhất để kết hôn, theo nhiều nghiên cứu. Chính vì vậy, các cô gái ở tuổi 29 thường có những "nỗi sợ đặc biệt".
Sợ tuổi 30
Phụ nữ nói chung, sợ nhất là bị chê già. Chia sẻ với PV báo Emdep.vn, bạn Nguyễn Thị Thơ (29 tuổi, TP HCM) cho biết: " Lúc bước sang tuổi 28, mình bắt đầu bị bạn bè gọi là gái "ế". Và khi đã 29, mình thấy sợ sinh nhật tiếp theo. Vì đó là tuổi 30. Nghe 30 sao mà 'to tát' thế".
Trong suy nghĩ của rất nhiều phụ nữ, ba mươi là một mốc đáng sợ, nó là dấu chấm cho tuổi trẻ và bước sang tuổi chín chắn, nếu không muốn nói là 'già'. Cô gái 29, sợ tuổi 30 vô cùng, vì sợ mình sắp già, sắp mất đi tuổi thanh xuân phơi phới.
Sợ cô đơn, không bạn bè
"29 tuổi, mình vẫn còn 'bơ vơ', trong khi các cô bạn thân đã lần lượt 'theo chồng bỏ cuộc chơi', rồi một nhóc, hai nhóc quấn lấy, không còn dư thời gian cafe chém gió hay lượn lờ shopping cùng mình như trước nữa" - Thơ chia sẻ.
"Giờ đây, mình chỉ còn duy nhất Thơ là cô bạn 'chung chí hướng', và nếu Thơ đi lấy chồng, nghĩa là mình sẽ phải lang thang ngắm đường phố một mình. Cảm giác cô đơn thật đáng sợ, giống như mình bị cả thế giới bỏ quên." - Bạn Vũ Thị Ngọc (bạn thân của Thơ) cũng có cùng cảm giác ấy.
Thơ và Ngọc. Ảnh: NVCC.
Sợ bị ràng buộc
Bạn Ngọc tâm sự, Ngọc đã có 29 năm thoải mái tự do, chẳng vướng bận điều gì. Nhìn mấy cô bạn thân đã sớm lấy chồng, quẩn quanh nội trợ con cái, một chút thời gian để chăm sóc bản thân cũng không có, nói gì thời gian vui chơi, Ngọc thấy sợ - sợ sự ràng buộc, mất tự do. Đi đâu cũng phải 'xin phép' chồng, rồi lại vội vàng về ngay vì còn con nhỏ. Thật sự với một cô gái yêu du lịch như Ngọc, điều đó chẳng khác nào "địa ngục".
Sợ gặp người thân họ hàng
29 tuổi, nghĩa là đã qua giai đoạn "đẹp" để lấy chồng. Và trong con mắt mọi người, hai bạn Thơ và Ngọc là "gái ế". Ế, có nghĩa là rất sợ mỗi dịp lễ Tết về quê, nhận được sự "quan tâm" của họ hàng: “Cháu đã có ai chưa”, “bao giờ thì lấy chồng”... Chưa kể mỗi lần nghe điện thoại của bố mẹ, đều muốn cúp máy nhanh nhanh vì biết sẽ có câu hỏi gì.
"Thật sự, mình ngại về nhà thăm bố mẹ vì sợ bị thúc giục. Điều đó thật nhàm chán, và cũng vô cùng đáng sợ" - Thơ tâm sự.
"Mình lấy chồng hay chưa là chuyện của mình, sao ai cũng cứ hỏi vậy. Thật sự mình cảm thấy những lời hỏi thăm của họ hàng bè bạn về chuyện đó rất "vô duyên", "bất lịch sự" " - Ngọc bức xúc.
Sợ người khác bàn luận về mình
"Nhìn cũng có đến nỗi nào mà ế", "xinh thế mà ế, chắc có vấn đề gì", "cành cao lắm vào giờ ế", “học cho lắm để làm gì”, “tưởng thông minh tài giỏi lắm mà chả ai thèm”,… hàng loạt những "nhận xét" thông thường ấy khiến Thơ và Ngọc "thi thoảng" chạnh lòng.
"Lấy chồng muộn đâu phải cái tội. Ế chẳng qua là muốn mãi ở "tư thế ngẩng cao đầu" mà thôi. Mình không cần thanh minh giải thích, cuộc sống của mình là do tôi quyết định, chẳng cần người ngoài phải “quan tâm”. Luôn nghĩ thế, nhưng thi thoảng, sự bàn luận chê bai của người khác vẫn khiến mình thấy “sợ”. - Thơ nói.
Thơ thi thoảng vẫn chạnh lòng vì những dò xét của mọi người dành cho tuổi 29 của mình. Ảnh: NVCC.
Sợ bị giới thiệu, mai mối
Thấy Ngọc càng ngày càng "quá lứa", bố mẹ, họ hàng, bạn bè luôn tìm cách giới thiệu, mai mối các anh chàng cho Ngọc, chẳng cần quan tâm Ngọc thích người như thế nào, Ngọc có đồng ý gặp mặt hay không.
Ngọc nói cô rất ghét sự sắp đặt đó. Người yêu trong mộng của Ngọc, phải là người Ngọc vô tình gặp, vô tình thân thiết, và tình yêu đến thật tự nhiên. Với Ngọc, tình yêu sét đánh chính là tình yêu lý tưởng. Ngọc sẽ không đồng ý cưới một người theo sự sắp đặt của gia đình. Ngọc sợ đến nơi hẹn với bạn bè người thân mà bỗng “xuất hiện” một anh chàng nào đó.
Sợ yêu mà gặp người không nghiêm túc
Thơ chia sẻ: "Mình không theo chủ nghĩa độc thân. Mình cũng rất muốn được như đám bạn: yêu và kết hôn với người mình yêu, có những đứa con xinh xắn. Nhưng vấn đề là, mình vẫn chưa tìm được nửa kia của đời mình. Càng ngày, khi "tuổi càng cao", mình càng thấy sợ. Rất muốn mở lòng yêu ai đó, nhưng lại sợ người ta không thật lòng, sợ không đến được với nhau".
Nỗi sợ hãi đó càng lớn, thì cơ hội "xuất giá" của Thơ càng thấp. "Mình giống như con nhím có thể xù lông bất cứ lúc nào vì rất sợ tổn thương." - Thơ ngậm ngùi.
"Thật ra, người phụ nữ hiện đại không nhất định phải lấy chồng, chỉ cần tự làm chủ cuộc sống của mình là được. Những nỗi sợ của mình cũng không quá to tát. Mình vẫn có những thú vui riêng mà chỉ cô nàng "ế" mới có. Nhưng dù sao, mình vẫn mong cuộc sống của mình có chút "thay đổi", để được trải qua đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc của một cô gái - một phụ nữ trong gia đình và xã hội" - Ngọc nói.
Nói về vấn đề này, Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn hôn nhân, gia đình phân tích: "Thực ra không có người phụ nữ nào "ế" cả, chỉ có người phụ nữ chưa tìm được một nửa của mình mà thôi".
Phạm Quyên
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất