Dùng tay giết kiến ba khoang, vết thương lan khắp người
Tin liên quan
Sau một thời gian kiến ba khoang vắng bóng và không mấy ai nhắc tới thì nay đột ngột quay trở lại "tấn công" sinh viên đang sống tại khu ký túc xá Đại học Quốc gia Tp.HCM. Tình trạng này kéo dài những ngày qua khiến cho các bạn sinh viên không khỏi khó chịu.
Quốc Anh (Sinh viên Đại học Nông lâm Tp.HCM) bị cắn ở vùng bả vai và má liên tục nhăn nhó do sự bứt rứt, khó chịu mà kiến ba khoang gây ra. Cách đây 2-3 năm, kiến ba khoang hoành hành cũng khiến cuộc sống sinh viên đảo lộn. Nhiều sinh viên như Quốc Anh đều tưởng chúng không còn gây hại nữa nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, cứ mỗi tối lại xuất hiện dày đặc kiến ba khoang lớn bé xung quanh bóng đèn.
"Ban đêm đang ngủ, thấy có côn trùng bò ở mặt, tôi nghĩ là muỗi nên lấy tay giết luôn. Sáng hôm sau thấy vùng mặt tối qua có côn trùng bò bị rát, đau, nghĩ do bị dời leo nhưng sau đó thấy xác kiến ba khoang mới tá hỏa. Ban đầu, vùng mặt chỉ có những phần da đỏ ứng nhưng sau đó 2-3 tiếng thấy rộp lên, đỏ ửng, đau, rát, ngứa lẫn lộn. Tôi đã dùng thuốc 2 ngày mà vẫn chưa thấy khỏi", bạn Quốc Anh chia sẻ.
Cũng trong hoàn cảnh như Quốc Anh, Thảo Nguyên (Sinh viên Đại học Quốc gia Tp.HCM) đã phải di dời tạm đồ đạc sang nhà họ hàng ở quận 5 để tránh kiến ba khoang và tiện việc chữa trị. Không đơn giản như Quốc Anh, phần da của Thảo Nguyên bị kiến ba khoang đốt kéo dài cả vạt vai và phần tay, bắp đùi. Nguyên nhân do Thảo Nguyên giết kiến ba khoang bằng tay trần mà không dùng dụng cụ bảo vệ. Sau đó, cô lại dùng tay để gãi lên các vùng da khác, làm cho nọc độc kiến ba khoang loang ra khắp nơi.
"Khi thấy kiến ba khoang, tôi chỉ dùng tay giết luôn, vì là sinh viên mới nhập học nên không biết nọc độc của nó lại ghê đến vậy. Sau khi giết kiến tầm 30 phút, vùng da bị vương phải nọc độc bắt đầu đỏ, sưng tấy và rộp lên khá đau đớn", Thảo Nguyên chia sẻ.
Nguyên nhân kiến ba khoang tấn công sinh viên được cho là do khu vực này rộng, xung quanh có nhiều bãi cỏ, bụi cây hoang nên kiến dễ ẩn nấp. Trong khi đó, khu vực ký túc xá thường sáng đèn nên càng hút kiến ba khoang bay vào, sinh viên không chú ý sẽ chạm tay vào chúng bất cứ lúc nào.
Dùng tay giết kiến ba khoang là sai lầm
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hữu Thanh (Chuyên khoa da liễu) cho hay, kiến ba khoang thường phát triển giai đoạn hè - thu. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về nọc độc của kiến ba khoang nhưng không ít người vẫn chủ quan.
Theo bác sĩ Thanh, chủ quan lớn nhất mà nhiều người hay mắc phải là mở cửa sổ suốt đêm trong khi ánh sáng đèn quá mức rất dễ hút kiến ba khoang. Ngoài ra, không ít trường hợp bị vết cắn khắp nơi là do không hiểu biết nên dùng tay giết kiến ba khoang làm cho nọc độc của chúng bị phát tán đến các vùng da khác khi chạm hay gãi.
Khi bị kiến ba khoang đốt, cắn sẽ khiến vùng da đó bị rộp, ngứa, đau rát, cho nên nhiều người lại dùng tay để gãi mạnh nhằm thoát khỏi cơn ngứa. Nhưng đây là thói quen sai lầm, bởi các vết cắn này rất dễ phồng rộp, có thể loét ra do vùng da nhạy cảm quá mức ảnh hưởng từ nọc độc. Trong quá trình gãi, tay cũng như vi khuẩn ngoài môi trường tiếp xúc hoặc thâm nhập sẽ càng làm cho vết thương bị loét nặng hơn.
"Nọc độc của kiến ba khoang rất đáng sợ, cho nên sau khi bị cắn phải dùng nước muối sinh lý để vệ sinh ngày 2-3 lần để vừa làm sạch vết thương và đảm bảo tiêu diệt hết nọc độc đang tồn tại ở đó. Ngoài ra, bạn dùng tay giết kiến ba khoang rồi rửa tay bằng nước lạnh là chưa đủ để làm sạch nọc độc mà phải dùng xà bông có thể khử khuẩn, đảm bảo an toàn tránh lan vết ngứa ra vùng da khác", bác sĩ Thanh nói.
Giang Anh
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất