Bố mẹ tá hỏa khi biết lý do con nói ngọng mãi không tự hết, nguyên nhân là ở đây
Tin liên quan
Trẻ bị ngọng cần can thiệp sớm
Năm nay đã 5 tuổi nhưng bé Nguyễn Thùy Dương (Vĩnh Phúc) vẫn nói ngọng. Được biết bé Dương nói ngọng từ lúc mới tập nói, nhưng gia đình chỉ nghĩ “trẻ mới bi bô tập nói mà ngọng là chuyện bình thường”. Lên 3 tuổi, bé Dương vẫn nói ngọng nên bố mẹ có ý định muốn đưa Dương đi khám. Tuy nhiên, ông bà nội lại ngăn cản cho rằng không cần thiết.
Tới khi bé Dương 5 tuổi, trong một lần bị ốm phải đưa đi viện khám, bác sĩ tình cờ phát hiện bé Dương bị hở vòm. Ngày còn bé, Dương có dấu hiệu hay bị nôn trớ khi ăn, thức ăn dễ bị trào lên mũi nhưng gia đình không phát hiện ra.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Oanh, Khoa Phẫu thuật Phục hình Hàm mặt (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương), dị tật hở vòm nhưng không hở môi khiến trẻ có vẻ ngoài hoàn toàn bình thường. Nếu không được phát hiện sớm, khi lớn lên sẽ bị nói ngọng.
Bệnh nhi bị khe hở môi - vòm miệng đang điều trị tại bệnh viện Răng Hàm Mặt TƯ.
Dị tật hở vòm nhưng không hở miệng khiến bố mẹ rất khó phát hiện ra. Nhiều cha mẹ không biết vì sao con nói ngọng. Cũng có những trường hợp cha mẹ có suy nghĩ khi con lớn sẽ tự hết nói ngọng.
“Khoa đã từng điều trị cho một trường hợp 17 tuổi mới phát hiện bị hở vòm. Nguyên nhân do bé bị hở môi thực sự nhưng niêm mạc lại bọc vào, nhìn vào không thấy khe hở. Điều này khiến cho bé nói phều phào nghe rất khó. Trường hợp bệnh nhân nhân này đã được phẫu thuật để cải thiện hơn về giọng nói”, bác sĩ Oanh chia sẻ.
Khi trẻ sinh ra có dấu hiệu ăn hay nôn trớ, nói ngọng cần phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa Nhi và răng hàm mặt sớm. Việc phát hiện sớm dị tật hở vòm sẽ giúp trẻ cải thiện được giọng nói và có một tương tốt đẹp hơn.
Bác sĩ Oanh chia sẻ, đã từng điều trị cho một trường hợp hở môi - vòm miệng (hở hàm ếch) 25 tuổi. Bệnh nhân đã từng được can thiệp phẫu thuật từ nhỏ nhưng giọng nói không được cải thiện. Theo chia sẻ của bệnh nhân này, dù có bằng Đại học, tiếng Anh tốt nhưng bệnh nhân vẫn không thể xin được việc do giọng nói khó nghe.
Phẫu thuật khép kín hở vòm miệng có giúp bé phục hồi?
TS. Lê Ngọc Tuyến, Trưởng khoa Phẫu thuật Phục hình Hàm mặt cho biết: “70% trẻ sau phẫu thuật đóng kín khe hở vòm miệng vẫn còn bị rối loạn về chức năng phát âm. Tới tuổi đi học, khi trẻ nói ngọng thường bị bạn bè chế giễu khiến cho trẻ thường tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp, khó hòa nhập với xã hội”.
Những dị dạng hở môi - vòm miệng thường đi kèm với rối loạn về răng, răng mọc lệch lạc, hàm trên hàm dưới chệnh lệch…
Bệnh nhân bị hở môi – vòm miệng được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật đóng kín khe hở ben đầu cho tất cả các đối tượng khe hở tại bệnh viện Răng Hàm Mặt.
“Hiện nay, bệnh nhân bị hở môi – vòm miệng được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật đóng kín khe hở ban đầu tại bệnh viện Răng Hàm Mặt. Đối với dị tật này cần can thiệp càng sớm càng tốt cho trẻ. Sau khi mổ, phẫu thuật kép môi, trẻ sẽ được theo dõi và tập luyện về ngôn ngữ”, TS. Lê Ngọc Tuyến nói.
GS. Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt cho hay, trẻ bị khe hở mô i- vòm miệng thường để lại hậu quả về tâm lý. Nhiều trẻ sau khi mổ xong vẫn không dám cười. Việc bệnh viện thực hiện mổ miễn phí dị tật hở môi giúp trẻ che bớt được một phần môi hở giúp an ủi cho gia đình và đứa trẻ. Việc theo dõi quá trình điều trị về sau này còn giúp cho trẻ tự tin hơn, có tương lai tốt đẹp hơn.
(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)
Bài tiếp theo, khi mẹ mang thai phát hiện con có dị tật khe hở môi – vòm miệng nên làm gì. Kính mời độc giả đón đọc.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất