Ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn: Nguy cơ tháo đốt ngón tay, chân, hoại tử nặng nề

Ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn: Nguy cơ tháo đốt ngón tay, chân, hoại tử nặng nề

Trang Lê 2017-01-10 15:30
- Nhiễm liên cầu khuẩn lợn đặc biệt nguy hiểm và có thể để lại những di chứng nặng nề và có nguy cơ tử vong cao.

Theo quan điểm của nhiều người, mua lợn cắp nách để ăn Tết là an toàn tuyệt đối cho gia đình. Bởi vì đây là loại lợn nuôi tự nhiên, không ăn thức ăn tăng trọng và các chất tạo nạc, chất kích thích.

Trao đổi với phóng viên Emdep.vn, TS, BS Trần Trung Cấp – Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, hầu hết vào dịp cuối năm, khoa Hồi sức Cấp cứu tiếp nhận khá nhiều trường hợp do ăn tiết canh phải nhập viện.

Mới đây, khoa đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị ban hoại tử toàn thân do ăn tiết canh của lợn cắp nách. Bệnh nhân nhập viện đêm 6/1 và được đưa đến viện trong tình trạng sốc, ban hoại tử toàn thân.

Gia đình nạn nhân cho biết, hôm 31/12, để liên hoan tất niên, anh T. và nhóm bạn đã mua lợn cắp nách về làm thịt, chế biến tiết canh mời khoảng 20 người đến ăn. 

Sau khi ăn tiết canh khoảng 5 đến 10 tiếng, anh T. xuất hiện sốt cao, người lạnh, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử. Ngay lập tức gia đình đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh Lai Châu để cấp cứu. Nhưng vì tình trạng quá nặng, có nguy cơ tử vong cao nên bệnh viện Lai Châu đã chuyển xuống BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.

BS Cấp cho biết, khi mới nhập viện, bệnh nhân sốc nặng có ban hoại tử khắp toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay. Đáng ngại nhất là tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng.

“Hiện tại bệnh nhân T. đã qua cơn nguy kịch nhưng di chứng để lại là hết sức nặng nề, có thể bệnh nhân này sẽ phải tháo các đốt ngón tay và chân do bị hoại tử”, BS Cấp nói.

Tuyệt đối không ăn tiết canh 

Nói về việc ăn tiết canh lợn cắp nách bị nhiễm liên cầu lợn, BS Cấp cho biết, ăn tiết canh và bị nhiễm độc là vấn đề năm nào cũng xảy ra. Không chỉ lợn bệnh mà ngay cả lợn khỏe cũng có thể chứa gen khuẩn liên cầu lợn.

“Khi chọc tiết lợn, không có ai rửa vùng họng nên có thể vấy bẩn lên tiết và đi vào bát tiết canh. Lợn khỏe mạnh cũng có thể mang vi khuẩn, còn khi ốm thì các vi trùng ấy sinh sôi nảy nở và xâm nhập vào các vùng khác như thịt, phổi, tiết. Nếu người ăn những bộ phận này chưa được nấu chín cũng có nguy cơ lây nhiễm rất cao”, bác sĩ Cấp cho hay.

Theo BS Cấp, người khỏe mạnh không ăn tiết canh mà bị xây xát chân, tay sau đó tiếp xúc với máu của động vật nhiễm liên cầu lợn cũng có thể bị bệnh.

Ngoài ra, theo bác sĩ, lợn cắp nách còn có các mầm bệnh khác. Nguyên nhân do lợn cắp nách được thả rông có thể ăn phải rau sống có trứng sán, chuột chết có mầm bệnh…

liên cầu lợn

Vì vậy, ngoài liên cầu lợn có thể mang những bệnh khác như sán, giun xoắn. Nếu nấu chín, mầm bệnh có thể chết nhưng khi ăn tái, sống có nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao.

Nói về các bệnh nhân bị mắc liên cầu lợn, bác sĩ Cấp cho biết, bệnh nhân có rất nhiều thể bệnh khác nhau nhưng hai thể hay gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu.

“Với viêm màng não mủ, bệnh nhân bị sốt, đau đầu, buồn nôn, có thể có hôn mê co giật tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau. Với thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân bị sốt, sốc mà không xử trí kịp thời sau này suy gan, thận, sốc, tụt huyết áp, rối loạn đông máu", bác sĩ Cấp nói.

Ngoài các bệnh nhân là nam giới, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương từng tiếp nhận các bệnh nhân là nữ chủ yếu là nhóm người bán thịt lợn, tham ăn lợn ốm.…

Để có một dịp nghỉ Tết nguyên đán khỏe mạnh, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo mọi người không nên ăn đồ sống, tái, đặc biệt là tiết canh trong đó có tiết canh lợn.

Trang Lê

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Valentine đen

Đọc nhiều nhất