Xúc động câu chuyện thấp thỏm từng giây của người mẹ nuôi con sinh non

Xúc động câu chuyện thấp thỏm từng giây của người mẹ nuôi con sinh non

Khánh An 2018-05-01 15:00
- Tất cả sẽ thật là hoàn hảo nếu như đúng 9 tháng 10 ngày, con ra đời. Nhưng mẹ không ngờ, em bé có thể sinh non ngoài sức tưởng tượng.

Biết tin mình có bầu bạn Cua khi “bạn ấy” đã gần ba tháng, chị Đặng Thị Hậu (Q. Hà Đông, Hà Nội) sốc toàn tập. Em bé đến quá bất ngờ, khi chị Gà mới chỉ 21 tháng tuổi, chị Hậu không hình dung nổi chặng đường phía trước sẽ như thế nào. May mắn lớn nhất là cả thai kỳ chị đều khỏe mạnh và không gặp bất cứ vấn đề gì đáng lo ngại cả.

Vậy mà “đùng một cái”, bạn Cua chào đời khi chưa đầy 36 tuần tuổi. Sự xuất hiện bất ngờ và ra đời đầy thử thách của Cua khiến chị Hậu “sốc tập 2”. Chồng đi làm xa, một mình chị Hậu chăm con – đứa nhỏ sinh non, đứa lớn chưa đầy hai tuổi.

Hiện em bé sinh non đã tròn 7 tháng tuổi. Nhưng chưa bao giờ chị Hậu quên những ngày tháng bất ngờ và đầy thử thách ấy. Nhật ký nuôi con sinh non của chị đã nhận được rất nhiều nút like đầy cảm xúc của các bà mẹ.

Nhật ký mẹ nuôi con sinh non chưa đầy 36 tuần tuổi

 

“Sáng hôm đó, mẹ chuẩn bị cho chị Gà đi ăn sáng thì bị rỉ ối. Lúc đó, mẹ không biết thế quái nào là rỉ ối đâu. Nó là hiện tượng như kiểu mót tè không kiểm soát, dù chỉ với số lượng rất ít (có khi chỉ 5ml).

1 lần, 2 lần rồi 3 lần như thế. Mẹ biết, đã có chuyện gì đó xảy ra. Mẹ lọ mọ search Google và quyết định phải đi siêu âm gấp.

Trước khi đi siêu âm, mẹ còn kịp nhờ dì Hà đèo đi mua sẵn một số đồ sơ sinh cần thiết rồi về nhà, xếp sẵn vào làn. Linh cảm của một người mẹ khiến mẹ nghĩ biết đâu đấy, hôm nay mình sinh thì sao?

9h kém, nắng vàng rực rỡ đường Lê Văn Lương kéo dài. Mẹ được dì đèo siêu âm ngay Vạn Phúc cho tiện đường và đỡ đông đúc. Ông bác sĩ sau khi nghe mẹ trình bày rõ hiện trạng thì siêu âm vô cùng kỹ. Thứ duy nhất mẹ nhớ được lúc bác sĩ nói là “bình thường nước ối sẽ ở mức 17, 18 nhưng của cháu chỉ còn 11 thôi. Vào viện xem có hướng điều trị không nhé”.

Mẹ cũng đỡ lo hơn phần nào vì biết đâu, vào viện các bác sĩ sẽ có hướng điều trị để mẹ không bị rỉ ối nữa và con sẽ có thêm thời gian yên vị trong bụng mẹ.

Nghĩ vậy, mẹ vẫn về chuẩn bị quần áo và gửi con ở bà ngoại rồi đợi bố về đèo đi viện.

Quãng thời gian chờ đợi bố dài thật dài, dù chỉ có nửa tiếng đồng hồ. Lúc này, mẹ bắt đầu thấy các cơn đau. Nó không quá dồn dập nhưng mẹ biết, có vẻ mẹ sẽ sinh con sớm rồi.

12h kém, bố đèo mẹ ra viện 103. Quãng đường có hơn 5km mà mẹ cảm giác dài vô tận. Cứ vài phút lại một cơn đau, mẹ bảo bố ‘chết, em đau đẻ đấy, cảm giác y như đợt sinh Gà con luôn’. Bố còn đùa mẹ bảo “vớ vẩn, đẻ gì mà đẻ, đau bụng thôi”.

Vào viện, mấy cậu cảnh vệ còn bắt dắt xe qua cổng. Mẹ đau quá, nhăn nhó nên mấy cậu ấy lại bảo “thôi, lên xe đi”. Thế là bố đèo mẹ phóng vèo vào thẳng Khoa Sản rồi mới đi gửi xe.

Mẹ lê chân vào, sảnh vắng tanh. May quá, có em y tá đang ngồi ngủ gục giữa hành lang. Mẹ chỉ kịp hỏi “Em ơi, phòng bác sĩ ở đâu? Chị đau quá”.

Lê mãi, cũng đến phòng trực của bác sĩ. Nhìn mẹ, các bác đoán được tình hình hay sao mà bảo mẹ sang ngay phòng đẻ.

- Thế đi đẻ một mình hả cháu?

+ Dạ không, chồng cháu đang gửi xe. Tí nữa vào.

- Thế có mang hồ sơ sinh đến không?

+ Cô ơi, cháu còn chưa kịp đăng ký sinh cơ.

- Ôi thế không có giấy tờ gì à?

+ Cháu mang chứng minh thư với thẻ bảo hiểm đi thôi.

- Ừ được rồi, để cô kiểm tra xem sao.

Rồi bác sĩ đo nhịp tim thai, đo lượng nước ối và phát cho mẹ  vỉ thuốc. Một việc quan trọng nữa là…thụt (thốn vô cùng). Bác sĩ dặn đi dặn lại là 15 phút sau mới được vào WC giải quyết nghe chưa.

Mẹ đăng ký gói đẻ sạch với phòng dịch vụ rồi nhận đồ về phòng. Bác sĩ còn trêu “thống nhất với chồng đi nhá, hôm trước có đôi vợ chồng, chồng nhất định không chịu thanh toán tiền phòng dịch vụ dù vợ đã đăng ký”. Mẹ đang đau dữ dội mà cũng phì cười.

Nhận phòng xong xuôi đã 12h20. Mẹ cố nằm đợi đến 12h30 để đi WC.

Chao ôi, lúc này mới gọi là đau dồn dập. Cứ 5 phút một cơn, đau quằn quại, đau chết đi sống lại. Đau từ lúc nằm trên giường cho đến lúc cố lết ra ngoài hành lang.

1 phút 1 cơn, ông trời đúng là đang thử thách sức chịu đựng của mẹ. Mẹ cáu bố nhặng xị “em đau lắm, đau chết mất thôi”. Ai dè bố còn so sánh “làm sao đau bằng anh bị ong đốt”. Lúc này, mẹ cáu thực sự. Bố lúc này mới động viên mẹ, đau quá thì gồng người lên cho đỡ đau vậy.

Hơn 1h30 chiều, mẹ đau chết đi sống lại. Lúc này, cảm giác “mót ị” xuất hiện. Mẹ bảo bố dìu ngay ra phòng bác sĩ rồi thều thào bảo “cháu đau lắm rồi, đau đến lúc mót ị rồi cô ơi”.

Thế là bác sĩ vội vàng lấy chìa khóa mở cửa phòng đẻ rồi bảo mẹ lên bàn nằm. Kiểm tra lại nhịp tim con, lượng nước ối rồi bác sĩ quay sang bảo mẹ “mở 10 phân rồi, chuẩn bị đẻ nhá. Tay vịn vào đây, rặn thì tay kéo, chân đẩy, cô bảo rặn thì rặn”.

Rặn độ 7 lần thì con ra đời. Bác sĩ nhấc ra vệ sinh rồi đặt lên cân. “2,3kg nhé cháu, may là vào đẻ kịp  và không phải chuyển con ra Nhi nằm lồng ấp đấy”.

1h50 chiều, 24/7/2016, 35w5d, chào mừng Cua con bé bỏng đến với thế giới này! Mẹ chỉ tiếc vì chưa kịp mua cho con ít quần áo và đồ dùng mới. Chân tay con bé tí xíu như cẳng gà, ai đến chơi cũng thương vì bé quá.

Nuôi chị Gà, mẹ hiếm khi đặt vấn đề cân nặng làm trọng tâm. Nhưng với Cua, mẹ sẽ lưu ý hơn. May mắn là mẹ có nhiều sữa nên con được nuôi sữa mẹ hoàn toàn. Thậm chí, hai chị em con cùng “tu ti” và mẹ trở thành bò sữa chính hiệu.

Để giữ cho làn da mỏng manh của con không bị viêm nhiễm, mẹ đã  nhờ bà ngoại đun một nồi nước để ngày nào con cũng được tắm hoàn toàn bằng nước đun sôi để nguội, không phải tắm bằng nước lã. Tròn một tháng tuổi, mẹ thử cân xem con tăng được mấy lạng rồi. Trộm vía là sau trận đi ngoài kéo dài mấy ngày, con vẫn đạt 3,4kg, tăng 1.1kg so với lúc sinh. Với người khác, đây chẳng là điều gì đặc biệt, nhưng với bố mẹ, đó là cả một điều kỳ diệu.

Tháng đầu tiên trôi đi êm ả như thế! Nhưng không hiểu sao, sau đó, suốt 1,5 tháng trời, Cua con quấy kinh khủng. Ăn tốt, nhưng con ngủ vô cùng ít. Có những thời điểm, con chỉ ngủ 4 tiếng/ngày. Sáng không ngủ, chiều không ngủ, đêm ngủ được một lúc lại dậy, khóc ầm ĩ. Dỗ cũng khóc, bế cũng khóc. Mẹ stress thực sự. Bi kịch của cuộc đời là lúc cả 3 mẹ con cùng ốm và bố thì không có nhà.

Mẹ cứ lọ mọ đêm hôm, đánh vật với hai nhóc và tự động viên mình “tất cả rồi sẽ ổn thôi, sẽ ổn thôi mà!”. Sau 3 tháng, Cua con bắt đầu ngoan dần đều. Những ngày con tự ngủ được đã xuất hiện trở lại. Mẹ để ý đến việc làm thế nào để con ngủ ngon và rút ra kết luận là miễn sao bạn ti no, giường êm, không quá ồn là con sẽ tự ngủ ngon lành.

Hạnh phúc tuyệt vời là có những tối, hai chị em Gà - Cua tự ngủ thật sớm. Trộm vía, đến bây giờ, Cua khá ngoan rồi. Trình độ tự ngủ lên level cao hơn, cả ngày và tối đều đỡ vất vả hơn cho mẹ.

Chúng ta đã cùng nhau đi qua một hành trình đầy gian nan. Thử thách nuôi con sinh non khiến mẹ hiểu sâu sắc mỗi đứa trẻ, một tính cách, một thể trạng khác nhau. Nên mẹ hãy nuôi con theo cách mà mẹ cảm thấy là ổn cho con nhất. Những lời người khác nói, mẹ chỉ cần biết và tham khảo, phù hợp hay không, mẹ và con mới là người quyết định cách nuôi.

27 tuổi, sau 3 năm kết hôn, mẹ đã có 2 cô con gái rồi. Bố mẹ chỉ cần các con luôn khỏe mạnh và bình yên thôi!”.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Du lịch Quy Nhơn: Eo Gió hoang sơ và đẹp ngỡ ngàng

Đọc nhiều nhất