Viêm mũi dị ứng: Nỗi khổ của những người ốm quanh năm suốt tháng
Tin liên quan
Cả năm ốm vì… viêm mũi dị ứng
Bị mắc căn bệnh viêm mũi dị ứng đã lâu (khoảng hơn 3 năm nay) nhưng chị Lan (Ba Đình, HN) không sao tìm được cách điều trị dứt điểm. Dù đã dùng đủ loại thuốc Đông Y, Tây Y và tìm đến các phòng khám có uy tín lớn nhỏ, ai mách đâu chị cũng đi thử nhưng kết quả cứ chỉ dứt đợt điều trị thuốc một thời gian là bệnh tình đâu lại vào đấy. Tháng nào chị cũng vài ba bận rơi vào tình trạng mũi nghẹt, sổ mũi, nhức đầu, khiến công việc bị ảnh hưởng, cuộc sống không được thoải mái.
Cũng giống như chị Lan, anh Cường (Gia Lâm, HN) cũng nhiều năm phải chung sống với bệnh viêm mũi. Bệnh của anh nặng đến mức độ cứ mỗi khi bệnh tái phát, anh nhức đầu đến không thể làm việc được và phải vào viện điều trị. Dù anh đã thăm khám nhiều nơi và được các bác sĩ chẩn đoán là bệnh viêm mũi quanh năm, có phác đồ điều trị rõ ràng nhưng anh không sao dứt được bệnh. Cứ đợt điều trị này vừa dứt được một thời gian thì bệnh lại tái phát.
Có những lần vừa khỏi được bệnh vài hôm, đi du lịch cùng gia đình, gặp điều kiện thời tiết bất thường, anh lại trở bệnh. Và trong nhiều chuyến đi chơi cùng gia đình, anh khốn khổ vì mũi sụt sịt, đầu đau nhức, không thể tận hưởng thời gian du lịch. Chưa kể, do nghẹt mũi nên anh không thể ngủ ngon, khiến người mỏi mệt.
Cũng vì mắc viêm mũi lâu năm, lại hay tái phát nên giờ anh còn bị viêm xoang mà nguyên nhân cũng vì do viêm mũi mà ra. Gia đình anh thậm chí còn tính đến chuyện chuyển nhà vào Sài Gòn sống với hy vọng khí hậu thay đổi sẽ giúp anh đỡ bệnh.
Những trường hợp trên cũng không phải là hiện tượng hiếm hoi khốn khổ vì bệnh này. Hầu hết những người mắc bệnh viêm mũi dị ứng đều phải sống chung với tình trạng hay tái phát bệnh. Đây được xem là căn bệnh rất khó chữa dứt điểm.
Căn bệnh chỉ có thể phòng chứ khó chữa dứt điểm
Theo bác sĩ Tuyết Thanh, viêm mũi dị ứng là căn bệnh khó chữa. Dị ứng có 2 loại: dị ứng theo mùa và dị ứng quanh năm. Trong đó, viêm mũi quanh năm khó điều trị hơn.
Có rất nhiều nguyên gây bệnh viêm mũi dị ứng, thường gặp nhất là các vật lạ bay trong không khí như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc, hóa chất. Và tất nhiên không thể thiếu được tác nhân môi trường. Khói xe, bụi, vi khuẩn trong không khí cũng là thủ phạm đáng kể.
Ngoài ra, một số người cũng bị dị ứng với các loại thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản…. Dị ứng với thức ăn này có thể gây triệu chứng toàn thân, ở riêng bộ máy tiêu hóa hoặc cũng có thể ở đường hô hấp.
Chính vì thủ phạm gây nên bệnh viêm mũi dị ứng là các dị nguyên nên người bệnh có thể tái bệnh bất cứ khi nào gặp tác nhân gây dị ứng. Và mỗi khi có triệu chứng bệnh, bệnh nhân đều phải uống thuốc, tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng tức thời trong lần viêm đó và chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi triệu chứng khó chịu trong một thời gian nhất định, chứ không điều trị được dứt bệnh.
Theo bác sĩ, những người đã mắc bệnh viêm mũi dị ứng, điều đầu tiên luôn phải nhớ là phòng tránh bệnh. Hãy hạn chế đi lại vào mùa phấn hoa và giảm tuyệt đối các tác nhân gây bệnh như bụi bẩn, lông động vật như chó, mèo, chim. Ngay cả phấn hoa trong các loại hoa cảnh hay hoa cắm trong nhà cũng cần phải tránh. Hạn chế tối đa dùng các loại hương nhân tạo như nước xịt phòng, nước hoa và tất nhiên cũng phải tránh khói thuốc lá.
Cũng nên phòng tránh sự thay đổi đột ngột nhiệt độ. Đặc biệt, phải giữ ấm cơ thể vào buổi sáng. Ngày hè, việc ra vào phòng có máy lạnh cũng có thể gây nên sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và với nhiều người đây là tác nhân gây bệnh.
Nếu người bệnh đã xác định loại thực phẩm nào gây dị ứng như cua, cá, tôm... thì cũng phải tuyệt đối tránh dùng.
Mỹ Lan
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất