Trong nhà có người bị xâm hại tình dục, dù chữa trị vẫn phải tránh hành động gây tái phát này
Tin liên quan
Sau những cú sốc về tâm lý khi bị kẻ khác xâm hại tình dục, nạn nhân tiếp tục chịu đựng sự hoảng loạn, nỗi lo sợ và kể cả khi được chữa khỏi nhưng nguy cơ bệnh tái lại là rất cao.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, bác sĩ Đinh Hữu Uân - chuyên khoa Tâm thần, bệnh viện Tâm thần Trung ương - Cơ sở 1 cho biết: “Bệnh nhân bị xâm hại tình dục có một sang chấn tâm lý lớn ảnh hưởng nhiều đến đời sống tâm lý của một người. Tùy vào lứa tuổi và mức độ nhận thức, họ sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nhưng nhìn chung đó là những stress tâm lý chuyển sang một sang chấn tâm lý”.
Theo bác sỹ Uân, đa phần những người này có chung một trạng thái lo âu, trầm cảm, có thể có những hành vi, những dấu hiệu nặng hơn như trạng thái sững sờ, không tiếp xúc với ai. Đây là biểu hiện của trạng thái rất nặng.
Với căn bệnh này, người ta phân chia ra thành một số mức độ khác nhau. Từ suy nhược thần kinh đến trầm cảm, nặng hơn nữa có thể dẫn đến gần như không nhận thức được. Nếu trường hợp bệnh nhân bị quá nặng sẽ chuyển sang giai đoạn loạn thần cấp. Đa phần bệnh nhân rơi vào trạng thái sợ hãi cấp tính. Được biểu hiện như đối tượng không tiếp xúc với ai, nhìn thấy đàn ông thì rú người lên, trạng thái phản kháng mãnh liệt, mất kiểm soát bản thân.
“Với những bệnh nhân có biểu hiện nhẹ thì dùng những biện pháp tâm lý để xoa dịu nỗi đau tâm lý cho họ. Nếu bệnh nhân bị nặng hơn như mất ngủ, trầm cảm, sững sờ thì bác sỹ phải dùng thuốc hướng thần, hoặc thuốc bình thần hoặc thuốc chống trầm cảm để hỗ trợ thêm nhằm giải tỏa tâm lý cho người bệnh. Tùy từng mức độ để bác sĩ có thể kê đơn điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Uân phân tích.
Sau điều trị, những tình huống xâm hại có thể khiến bệnh tái phát rất nhanh.
Ngoài việc dùng thuốc, chúng tôi sẽ đưa lời khuyên cho bệnh nhân để họ cũng như người thân của mình biết cách phòng tránh như thế nào nếu trong tương lai có thể xuất hiện lại những triệu chứng ấy. Mặc dù khi đã khỏi bệnh nhưng trong tương lai, người bệnh có thể gặp những sang chấn trực tiếp hoặc có thể nghe người khác kể về trường hợp xâm hại tình dục khiến bản thân đã cảm thấy xuất hiện làm cho mảng hồi ức cũ xuất hiện trở lại.
“Vậy nên sau khi điều trị, người bệnh cần tránh những tình huống gợi lại cảm xúc xưa. Chỉ cần những mảng hồi ức này xuất hiện trở lại thì nguy cơ bệnh quay trở lại là rất cao”, bác sỹ Uân nhấn mạnh.
Cần làm gì khi có người thân bị xâm hại?
Khi gặp tình huống có người bị xâm hại tình dục, công việc đầu tiên người thân của nạn nhân nên làm đó là đưa nạn nhân trở về trạng thái yên tĩnh. Đưa bệnh nhân về nhà, xung quanh họ là những người thân. Kể cả sau này khi mọi việc đã lắng xuống, dù đi đâu hãy cố gắng đưa họ đi cùng để bệnh nhân cảm thấy bình yên và tin tưởng.
Bác sĩ đưa ra lời khuyên, với những trường hợp bị sang chấn nhẹ và chưa cần đưa đến bệnh viện thì người nhà luôn phải cận kề bệnh nhân để có chỗ dựa về tâm lý.
Tại các bệnh viện tâm thần, các phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý rất được coi trọng. Những tác động tâm lý trực tiếp là các liệu pháp: giải thích hợp lý, ám thị… Thêm vào đó là tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế – những người biết yêu ngành, yêu nghề, yêu thương người bệnh như ruột thịt, làm cho người bệnh tin tưởng để có thể nói ra những uẩn khúc trong lòng đã góp phần gây ra bệnh tâm thần.
Nếu trong trường hợp nạn nhân bị xâm hại dẫn đến hoảng loạn, mất ngủ, sững sờ cần đưa nạn nhân đến bệnh viện có uy tín của nhà nước, thuộc chuyên khoa tâm thần. Lúc đó các bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp hơn.
Dương Tuệ Mẫn
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất