Tai biến khi chạy thận ở Hòa Bình: 'Tôi thấy ngứa sau đó nôn thốc nôn tháo rồi không biết gì'

Tai biến khi chạy thận ở Hòa Bình: 'Tôi thấy ngứa sau đó nôn thốc nôn tháo rồi không biết gì'

2017-05-30 11:44
- “Khi tôi tỉnh lại nghe nói có người tử vong nên rất bàng hoàng. Bệnh của tôi phụ thuộc vào bác sĩ nên bác sĩ bảo đi đâu thì tôi sẽ đi đó”.

Nhiều bệnh nhân bàng hoàng

Sau quá trình lọc thận nhân tạo được 30 phút, 18 bệnh nhân trong phòng có những biểu hiện bất thường. Các biểu hiện của bệnh nhân là khác nhau và đến nay nhiều người vẫn chưa khỏi bàng hoàng sau khi sự việc xảy ra.

Bác Trần Văn Huyền (61 tuổi, thành phố Hòa Bình) cho biết, thông thường, đến ngày chạy thận, bác đều có mặt lúc 7h sáng. Nhưng không ngờ đúng ngày bác chạy thận cũng là ngày xảy ra sự cố đáng tiếc. Theo bác Huyền, trước khi chạy thận, sức khỏe của bác cũng như các bệnh nhân khác đều bình thường, mọi người chuyện trò rất vui vẻ.

“Khoảng 7 giờ sáng, mọi người được chạy thận. Khoảng 30 phút sau, các bệnh nhân trong phòng có những triệu chứng khác nhau, người thì buồn nôn, người đi ngoài, ngứa ngoài da… Tôi thì bị đau bụng sau đó thì không biết gì. Khi tôi tỉnh lại, nghe có người tử vong tôi nên rất bàng hoàng”, bác Huyền nói.

Bác Huyền cũng cho biết thêm, bệnh của bác phải phụ thuộc vào bác sĩ. Cho nên nếu phải về Bạch Mai điều trị cũng sẵn sàng.

Cùng tâm trạng bàng hoàng với bác Huyền, bác Bùi Thị Vân (54 tuổi, ở Lạc Sơn, Hòa Bình) không ngờ tất cả mọi người trong phòng lại gặp sự cố này.

Bác Vân cho biết: “Khi chạy thận được 45 phút, tôi cảm thấy ngứa tai lan xuống lưỡi, cổ. Sau đó, nôn thốc tháo và không biết gì. Tôi cảm thấy mình đã may mắn".

Chạy thận an toàn khi nào?

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam), một bệnh nhân lần đầu tiên chạy thận sẽ phải chuẩn bị từ 3-4 tuần. Để đảm bảo an toàn khi chạy thận phải chú ý tất cả các khâu trước khi chạy thận, trong khi chạy và sau khi chạy.

Bệnh nhân sẽ phải được kiểm tra theo dõi sức khỏe ở cả 3 khâu đã kể trên. Trước khi chạy thận, bệnh nhân được làm tiếp cận mạch máu (a vascular access), đo mạch, huyết áp… Trong khi chạy, bệnh nhân được theo dõi tốc độ lọc. Sau khi chạy xong, bệnh nhân sẽ được khám sức khỏe một lần nữa trước khi về nhà.

TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết, chạy thận được chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính, suy thận cấp, ngộ độc cấp (theo chỉ định của bác sĩ). Trong quá trình chạy thận, có thể xảy ra tai biến nhất định. Ở mức nhẹ chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân. Ở mức độ nặng (sốc phản vệ) có thể gây ngừng tim và tử vong rất nhanh.

Một bệnh nhân sẽ được chỉ định chạy thận khi có những biểu hiện sau: xuất hiện hội chứng ure (uremic syndrome), như buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi, kali trong máu tăng, bệnh nhân có thể có dấu hiệu không đủ khả năng bỏ lượng dịch thừa ra khỏi có thể dẫn tới cơ thể phù nề. Một số biểu hiện khác như, tăng axit máu, viêm màng ngoài tim cũng cần chạy thận.

"Khi bệnh nhân có chức năng thận bị suy yếu, nếu không tiến hành lọc thì nguy cơ tử vong là chắc chắn", TS Trương Hồng Sơn nói.

PGS.TS Đinh Thị Kim Dung, Nguyên trưởng khoa Thận – Tiết niệu  (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới suy thận như lối sống không lành mạnh (rượu bia, thuốc lá),  tự ý kê đơn thuốc cho mình nhất là các loại thuốc kháng sinh, tự ý dùng các loại thuốc lá điều trị bệnh hoặc dùng các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm rởm vô tội vạ… Thận có thể bị suy sau khi bị ốm nặng, sau phẫu thuật… Người mắc bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận cũng có thể dẫn tới suy thận.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vì sao người bị chó dại cắn cứ đến đám tang là phát dại?

Đọc nhiều nhất