Sự thật chuyện cô gái sau khi ho bị vỡ đốt sống lưng gây xôn xao mạng xã hội

Sự thật chuyện cô gái sau khi ho bị vỡ đốt sống lưng gây xôn xao mạng xã hội

2018-08-01 18:30
- Bệnh nhân được chẩn đoán có tổn thương cột sống, rất có thể là do tập yoga quá mức, còn ho chỉ gây đau chứ không thể dẫn đến vỡ đốt sống lưng.

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao chia sẻ thông tin về trường hợp cô gái trẻ bị nhập viện do bị vỡ đốt sống lưng sau một vài tiếng ho. Được biết, vào buổi sáng, khi đang đứng, cô gái bỗng ho một tiếng mạnh, đồng thời với tiếng ho đó có nghe tiếng “cục” ở sau lưng, đột nhiên đau điếng người và phải nằm xuống luôn. Cô gái trẻ được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để chụp chiếu (chụp cắt lớp), kết quả cho thấy bệnh nhân bị vỡ đốt sống lưng.

BSCKI Trần Tuấn Anh, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đức Giang người trực tiếp điều trị cho hay, bệnh nhân trên vào viện trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, không có rối loạn cơ, bệnh nhân bị đau vùng cột sống thắt lưng, đi lại. Khai thác tiền sử bệnh nhân không có chấn thương, nhưng bệnh nhân chia sẻ có tập yoga.

 

Bác sĩ điều trị lên tiếng thông tin cô gái trẻ ho bị gãy xương cột sống xôn xao trên mạng xã hội

Bác sĩ Tuấn Anh đang giải thích về tổn thương của bệnh nhân.

Ban đầu, khi bệnh nhân vào khám, bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân đau thắt lưng là do co thắt cơ cột sống sai tư thế hoặc ho quá mức. Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân được cho đi chụp Xquang thì trên phim có hình ảnh tổn thương cột sống phía trước (cột trụ trước) không phải là đường gãy mà là do bong điểm bám cũ của dây chằng phía trước.

Hình ảnh cho thấy bệnh nhân đã có tổn thương từ trước đó do tập yoga quá mức hoặc chấn thương nào đó mà bệnh nhân không nhớ. Bệnh nhân có hiện tượng căng giãn cột sống (khi tập yoga quá sức) khiến cho điểm bám bao khớp bị nhổ lên chứ không phải gãy hoàn toàn cột sống.

“Bệnh nhân không phải ho dẫn đến bị gãy cột sống. Theo phân loại, bệnh nhân bị gãy cột trụ trước (loại gãy vững) không cần phải can thiệp phẫu thuật.  Tuy nhiên, đối với bệnh nhân trên do đã có tổn thương từ trước đó, nên khi bệnh nhân ho thay đổi tư thế gây co thắt cơ và gây đau”, bác sĩ Tuấn Anh nói.

Bệnh nhân được điều trị theo hướng đau cột sống thắt lưng do căng cơ, được cố định bằng áo bất động cột sống thắt lưng để cơ không bị co và dùng thuốc giảm đau căng cơ. Bệnh nhân không cần chỉ định phải phẫu thuật mà được điều trị theo hướng nội khoa bằng thuốc. Sau 7 ngày nằm viện, chẩn bệnh nhân đã được ra viện.

Với trường hợp bệnh nhân này, nếu không được điều trị thì mảnh dây chằng có thể tiếp tục bong ra thêm, gây đau đớn. Với tổn thương này, nếu để lâu dài thì khi ngã sẽ gây ra tổn thương cột sống nhiều hơn. Việc phát hiện và điều trị cho bệnh nhân trên sẽ phòng được động tác làm việc quá sức, không tập những động tác quá nặng gây ra những tổn thương cột sống.

Ho lớn có thể gãy, nứt cột sống?

Theo bác sĩ Tuấn Anh, ho dù lớn tới đâu cũng rất khó có thể gây gãy được cột sống kể cả trường hợp có bệnh lý về xương. Ở những bệnh nhân cao tuổi có loãng xương, ốm nằm một chỗ cũng chỉ gây gù, cong, vẹo cột sống không thể gãy được cột sống. Để gãy được cột sống phải có lực tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào cột sống rất lớn như: tai nạn lao động ngã từ trên cao, tai nạn giao thông va chạm với lực mạnh.

Bác sĩ khuyến cáo trào lưu tập yoga ở chị em hiện nay đang thịnh hành. Khi tập, để tránh nguy cơ bị tổn thương như bệnh nhân trên, mọi người cần phải tập từ từ và phải lắng nghe cơ thể. Không nên thực hiện các động tác khó uốn gập, nên tập để chắc cơ và khỏe. Khi tậ,  nếu thấy căng cơ, đau nên nghỉ hoặc tập những động tác đơn giản hơn. Trong khi tậ,  nếu thấy đau ở đâu thì nên đi kiểm tra sớm nhằm tránh những tổn thương nguy hiểm để lại di chứng.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Sai thời điểm thì đã sao nếu anh thật lòng yêu em

Đọc nhiều nhất