Sơ cứu dị vật đường thở, kỹ năng quan trọng cứu người khỏi bàn tay tử thần

Sơ cứu dị vật đường thở, kỹ năng quan trọng cứu người khỏi bàn tay tử thần

Kim Anh 2016-06-21 19:15
- Dị vật đường thở là tai nạn rất nguy hiểm, nhẹ thì bị ho sặc, tím tái, nặng thì có thể gây viêm phổi, suy hô hấp, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Hóc dị vật - tai nạn chỉ do một phút lơ là

Bất kỳ tuổi nào cũng có thể gặp tai nạn mắc kẹt dị vật ở đường thở nhưng đa số là xảy ra với trẻ em từ 1 đến 3 tuổi vì lứa tuổi này trẻ rất tò mò và hay cho vào miệng các đồ vật. Không ít trẻ được đưa đi cấp cứu trong tình trạng xuất huyết vùng họng, đường thở, tính mạng bị đe dọa nhưng cha mẹ không biết con bị hóc khi nào.

Cách đây không lâu, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận trường hợp của cháu Lê Hữu Kiên, 12 tháng tuổi (Hà Tĩnh), nhập viện trong tình trạng nuốt đau, họng rớm máu. Gia đình cháu cho biết, trong lúc chơi, cháu Kiên đã cầm sợi dây cài áo bằng sắt và vô tình nuốt vào bụng. Gia đình đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến tỉnh và chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ đã nội soi, kéo dị vật từ dạ dày lên thực quản nhưng việc gắp dị vật ra rất khó khăn vì sợi dây đã cuộn lại và bị mắc một phần ở thực quản, một phần ở họng, có nguy cơ gây xây xước, thậm chí thủng thực quản. Các bác sĩ phải rất cố gắng mới gắp dị vật ra an toàn. Một ngày sau bệnh nhi đã có thể ăn uống bình thường, được ra viện.

Hóc dị vật đường thở là một tai nạn rất dễ gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh minh họa.

Tương tự là trường hợp hóc dị vật của một bé trai 2 tuổi ở Vĩnh Phúc, vào viện hồi tháng 3. Bé nuốt phải dị vật hình con dê bằng kim loại trong khi cầm chơi. Khi chụp X-quang thì thấy dị vật một phần ở thực quản, một phần ở vùng hạ họng. Vì dị vật có các móc sắc nhọn nên ghim chặt vào cổ họng, làm cho bé đau đớn. Dị vật ở ngay hạ họng nên đã được gắp ra nhanh chóng, song niêm mạc sàn họng của cháu bé đã bị chảy máu.

BV Nhi Trung ương cũng từng phải tiến hành phẫu thuật mở thực quản cho một bệnh nhi là bé H.V.M.Q, 2 tuổi, ở Thái Bình. Bé bị hóc dị vật là một mảnh xương gà lớn, găm sâu vào thành thực quản, gây khó khăn cho việc gắp ra, do đó các bác sĩ buộc phải tiến hành mổ mở. Khi được biết dị vật là mảnh xương gà to, gia đình bệnh nhi mới giật mình bởi họ cũng không biết bé bị hóc xương gà từ khi nào và vì sao. Chỉ biết trước đó cháu Q. bị sốt cao, quấy khóc, ho nhiều. Bệnh nhi sau đó được điều trị tích cực, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, điều trị chống nhiễm trùng tại bệnh viện.

Đây chỉ là một số trong rất nhiều trường hợp dị vật đường thở được cấp cứu kịp thời. Tác nhân gây dị vật đường thở ở trẻ rất đa dạng, có thể là hạt lạc, hạt ngô, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, thậm chí là các mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc...

Hóc dị vật không chỉ xảy ra với trẻ em mà nhiều người lớn cũng bị rơi vào tình trạng này. Họ bị hóc dị vật khi vừa ăn uống vừa giỡn, la lối trong lúc ăn, vừa ăn vừa làm việc hoặc khi ăn lại nghĩ đến chuyện khác.

Trường hợp chị Phan Thị Tâm, 44 tuổi ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, bất ngờ bị sặc, ho và khó thở, phải đi cấp cứu do vừa ăn hồng xiêm vừa cười đùa với con gái. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị dị vật đường thở. Chị được nội soi và lấy ra một hạt hồng xiêm từ khí quản. 

Dị vật đường thở rất nguy hiểm, có 2 loại là dị vật gây tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn hoặc tắc nghẽn đường thở hoàn toàn. Nếu bị dị vật đường thở không hoàn toàn, biểu hiện thường là ho, khó thở hoặc thở bất thường. Nếu bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn thì bệnh nhân sẽ không nói được, khó thở, mặt đỏ, môi và lưỡi bị tím tái. Lúc này, việc sơ cứu là rất quan trọng, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Cách sơ cứu khi bị dị vật đường thở

Quá trình sơ cứu cho người bị hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu không xử lý đúng cách và kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. 

Ho là biện pháp đơn giản để loại bỏ tắc nghẽn không hoàn toàn

Nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn thì có thể khuyến khích bệnh nhân ho để loại bỏ tắc nghẽn. Không được vỗ lưng bệnh nhân để tránh nguy cơ đẩy dị vật ngược lên hoặc đi sâu hơn vào trong đường thở, làm cho tình trạng khó thở thêm trầm trọng.

Nếu bệnh nhân bị ngạt thở do dị vật gây bít tắc hoàn toàn đường thở, cần tiến hành làm thủ thuật Heimlich để tống dị vật ra ngoài. Lưu ý thủ thuật này chỉ được tiến hành khi tình trạng bệnh nhân khó thở ở mức độ nguy kịch. Cách thực hiện thủ thuật này như sau:

- Đối với trẻ nhỏ, người sơ cứu ngồi, đặt trẻ nằm ngang qua đùi với tư thế đầu thấp hơn ngực. Vỗ vào lưng bằng phần phẳng ở bàn tay (tốt nhất là vùng tiếp xúc giữa cẳng tay và bàn tay) 5 – 6 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của trẻ, đồng thời kiểm tra xem dị vật có được tống ra ngoài hay không.

 
Sơ cứu dị vật đường thở, kỹ năng quan trọng cứu người khỏi bàn tay tử thần
Ảnh minh họa.

- Đối với người lớn, nếu bệnh nhân tỉnh thì để bệnh nhân ở tư thế đứng, người cúi về phía trước, người sơ cứu đứng phía sau, hai tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của bệnh nhân, sau đó giật mạnh từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực, tống dị vật ra bằng đường miệng. Cần làm động tác nhanh và dứt khoát, làm đi làm lại 10 lần.

- Nếu bệnh nhân bị bất tỉnh thì đặt nằm ngửa, người cấp cứu quỳ trên người nạn nhân. Đặt bàn tay trên bụng nạn nhân, giữa rốn và xương ức, bàn tay kia đặt trên bàn tay này. Làm động tác đẩy mạnh và nhanh lên phía trên, làm đi làm lại 10 lần. Cần theo dõi miệng nạn nhân, nếu dị vật xuất hiện thì nhanh chóng lấy ra.

Chú ý: Khi bị dị vật đường thở không nên cố gắng dùng mẹo hay dùng tay để móc ra hoặc vuốt xuôi vì có thể làm dị vật chui sâu vào đường thở, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không tống ra được thì phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ tiến hành lấy dị vật, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Kim Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bài tập lấy lại vóc dáng cho phụ nữ sau sinh

Đọc nhiều nhất