Sắp Tết rồi, con vừa cười vừa làm điều này có ngày nhập viện, bố mẹ lưu tâm khẩn cấp

Sắp Tết rồi, con vừa cười vừa làm điều này có ngày nhập viện, bố mẹ lưu tâm khẩn cấp

Thu Hà 2018-01-08 12:33
- Những lễ hội cuối năm và dịp Tết nhất luôn có quá nhiều loại hạt, kẹo ngọt bày ra trước mắt trẻ. Chúng có thể khiến trẻ bị hóc và suy hô hấp nhanh chóng.

Càng gần Tết, càng nhiều “sát thủ” ngọt ngào

Để tránh nguy cơ bánh kẹo tăng giá trong dịp Tết, chị Bích Vi (Hà Nội) đã mua bánh kẹo từ một tháng trước Tết nguyên đán. “Mua bánh kẹo để biếu đôi bên nội ngoại, các cô dì chú bác. Biếu nhiều nên phải tranh thủ mua sớm cho rẻ và cửa hàng, siêu thị không bị đông đúc, chen lấn”, chị Vi lý giải.

Cứ mỗi lần thấy mẹ đi siêu thị sắm đồ Tết về, lũ trẻ nhà chị Vi lại năn nỉ mẹ cho bóc kẹo socola nhấm nháp. Không nỡ từ chối sở thích ăn kẹo socola của con, chị Vi cho con ăn mà không ngờ sự cố kinh khủng đã xảy ra.

Ngay cả trong lúc ăn, trẻ rất dễ bị những “sát thủ” ngọt ngào này lấy mạng

Kẹo bánh bày ra trước mắt khiến trẻ bị kích thích. Ảnh minh họa. 

“Hôm đó, hai anh em chúng vừa ăn kẹo vừa đùa nhau. Anh cù nách làm đứa em cười sằng sặc, hóc luôn viên kẹo đang ngậm trong miệng.  Thấy con gái ú ớ không nói được, đoán con bị hóc kẹo vì nhớ một lần xem video cấp cứu trẻ bị hóc từng xem trên mạng. Chỉ biết phản xạ vỗ ngay vào lưng con, rất may viên kẹo bật ra ngoài, con thở được ngay sau đó”, chị Vi sợ hãi nhớ lại.

Thạc sỹ, bác sỹ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hóc kẹo, hóc hạt ở đường thở là tai nạn thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là vào dịp Tết, số ca trẻ cấp cứu do hóc dị vật đường thở thường tăng đột biến so với các ngày thường.

Bởi ngày Tết, những đồ ăn vặt như kẹo, thạch, các loại quả, hạt “lạ mắt” luôn được bày ra trước mắt trẻ. Chỉ trong một vài phút người lớn lơ đễnh, trẻ tò mò bốc kẹo, hạt bỏ vào miệng, vừa ăn vừa đùa giỡn và rất dễ xảy ra hóc.

Dị vật cứng, có kích thước nhỏ, cạnh sắc nhọn thường gặp là hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt bí, lạc, mảnh xương, nắp bút, kim băng. Các loại dị vật này dễ rơi sâu vào khí quản, chọc vào tổn thương niêm mạc đường hô hấp.

Dị vật mềm, lớn, trơn như thạch, hạt nhãn, hạt vải rất nguy hiểm bởi chúng dễ bít chặt khí quản.

“Khí quản bít chặt, không có không khí vào phổi và gây ra xẹp phổi, suy hô hấp nhanh chóng. Trẻ bị suy hô hấp do dị vật đường thở hoàn toàn có thể tử vong trước khi đến bệnh viện nếu không được xử trí kịp thời và đúng kỹ thuật”, bác sỹ Ngô Anh Vinh cảnh báo.

Vỗ lưng, ấn ngực: “Bí kíp vàng” cứu sống trẻ hóc dị vật đường thở

Theo bác sỹ Ngô Anh Vinh, nếu trẻ đột ngột ho sặc sụa, khó thở và tím tái sau khi ăn uống, bố mẹ phải nghĩ ngay đến trường hợp trẻ bị dị vật đường thở.

Nếu trẻ tỉnh táo, không khó thở, không tím tái và ho mạnh được có hiệu quả thì cha mẹ nên khuyến khích trẻ ho để tống dị vật ra ngoài. Nếu trẻ khó thở, tím tái, ho yếu hoặc không ho được thì ngay lập tức tiến hành thực hiện động tác vỗ lưng và ấn ngực.

Cách làm:

-         Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp, vỗ lưng 5 lần.

Ngay cả trong lúc ăn, trẻ rất dễ bị những “sát thủ” ngọt ngào này lấy mạng

-         Nếu dị vật vẫn không bật ra ngoài được thì lật ngược trẻ lại.

-         Cho trẻ nằm ngửa, đầu thấp và ấn ngực trẻ 5 lần.

Ngay cả trong lúc ăn, trẻ rất dễ bị những “sát thủ” ngọt ngào này lấy mạng

- Nếu dị vật vẫn không thể bật ra ngoài được thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Tuyệt đối không thò tay vào họng trẻ móc dị vật theo phản xạ vì có thể làm dị vật xâm nhập sâu hơn vào đường thở và làm cho trẻ suy hô hấp nặng hơn.

Bác sỹ Ngô Anh Vinh khuyến cáo bố mẹ phải “thuộc nằm lòng” kỹ thuật cấp cứu trên để tránh khiến con thêm nguy kịch. Thực tế đã xảy ra trường hợp trẻ hóc hạt vải, sặc sụa, tím tái và khó thở. Mẹ cháu bé hoảng hốt móc tay vào miệng con, càng làm con khó thở, chảy máu vùng miệng.

Tuy nhiên, mẹ cháu chợt nhớ đến kỹ thuật xử trí hóc dị vật đường thở xem trên ti vi liền thực hiện ngay vỗ lưng, ấn ngực. Sau khi thực hiện hai động tác trên, cháu bé đã ho bật hạt vải ra ngoài, khóc to, thở được và hồng hào. Mặc dù vậy, gia đình vẫn đưa cháu bé vào khoa Cấp cứu – Chống độc.

“Chúng tôi hút dịch mũi miệng, cầm máu vết thương vùng miệng, chụp X quang phổi. Sức khỏe của bé ổn định và được ra viện ngay. Trường hợp này là minh chứng cho việc trẻ hoàn toàn có thể được cứu sống nếu bố mẹ lập tức thực hiện kỹ thuật xử trí ngay khi trẻ hóc dị vật đường thở”, bác sỹ Ngô Anh Vinh cho biết.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh nhấn mạnh cha mẹ cần phòng tránh hóc dị vật cho trẻ bằng cách không để các loại kẹo, hạt, quả nằm trong tầm tới của trẻ nhỏ. Cha mẹ tránh cho trẻ nhỏ ăn, ngậm các đồ ăn dễ hóc “không ngờ” như quả vải, nhãn, hạt lạc, kẹo, đặc biệt là thạch. “Tập cho trẻ thói quen ăn uống chậm rãi, không đùa giỡn khi ăn uống sẽ tránh được nguy cơ hóc dị vật đường thở”, bác sĩ Ngô Anh Vinh nói.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


6 bài tập đơn giản trước khi đi ngủ giúp nàng "lười chảy thây" cũng có eo thon, chân dài

Đọc nhiều nhất