Người lớn hút thuốc lá, trẻ nhập viện liên tục
Tin liên quan
Con nhập viện vì bố hút thuốc
Dù đã 3 tuổi nhưng bé Lan nhà chị Ngọc Anh (Ba Đình, HN) vẫn thường xuyên ốm vì những đợt ho kéo dài. Dùng hết loại thuốc này đến loại thuốc khác nhưng những trận ho vẫn cứ nối tiếp nhau. Có khi đợt này vừa dứt được vài ngày, trận ốm khác lại đến. Bé đi khám nhiều đến mức các bác sĩ ở viện gần nhà bé đều quen mặt.
Vì thấy bé Lan không có những triệu chứng bệnh mãn tính như hen, viêm amidan quá phát... nhưng lại liên tục bị ho, các bác sĩ đã phải hỏi mẹ bé thật kỹ về hoàn cảnh sống. Mãi đến khi mẹ bé kể rằng bố bé có hút thuốc ở nhà thì nguyên nhân mới được làm rõ.
Nghe bác sĩ nói lúc này, chị Anh mới sực tỉnh và khẩn cấp cho lắp cửa kính phòng. Chị cũng yêu cầu chồng mỗi lần ra ban công hút thuốc phải đóng kín cửa kính để khói thuốc không còn bay vào được phòng.
Sau một thời gian tuân thủ nguyên tắc này, cộng thêm với việc tăng cường sức đề kháng và bảo vệ răng miệng cho con, quả thực giờ đây bé Lan đã ít bị ho hẳn. Trong 3 tháng nay, bé gần như không phải đến viện nữa.
Dù nhà không có ai hút thuốc nhưng bé Sơn Tùng, 2 tuổi, thường xuyên trong tình trạng đợt ốm này chưa qua đợt ốm khác đã đến. Trong đó, tình trạng thường gặp nhất của bé là viêm họng cấp hoặc lần nặng hơn là viêm phổi.
Khi nghe bác sĩ nói về các nguyên nhân gây nên tình trạng ho dai dẳng, mẹ bé hết sức ngạc nhiên vì ở nhà bé Tùng được chăm sóc rất kỹ lưỡng, cả ngày chỉ quẩn quanh với bác giúp việc trong nhà nên không có chuyện bé bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, khói bụi hay lân lan từ trẻ khác.
Tuy nhiên, một lần đi làm về sớm, chị vừa mới bước vào cửa phòng ngủ đã bị ho sặc sụa vì mùi thuốc lá nồng nặc bay từ phòng trọ của sinh viên ở sát nhà chị sang. Chị vội vã đóng kín cánh cửa kính lại mà phải rất lâu sau mùi thuốc lá vẫn còn lưu lại ở trong phòng. Lúc này chị mới giật mình nghĩ đến khả năng đây chính là thủ phạm gây nên tình trạng viêm họng mãn tính của con trai chị.
Trẻ sơ sinh hút thuốc lá thụ động có thể đột tử
Theo bác sĩ Hoàng Đình Chân, bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Hà Nội, việc trong gia đình có người hút thuốc là rất nguy hại cho trẻ nhỏ. Có tới 250 khí, chất độc và cả kim loại nặng trong khói thuốc lá. Các chất độc hại này tồn tại rất lâu trong nhà sau khi ngừng hút thuốc.
Hàng năm trên thế giới có đến 40.000 trường hợp tử vong vì hít phải khói thuốc lá. Trong đó có đến 1000 trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ là do mẹ hút thuốc lá.
Những người hút thuốc và hít phải hơi thuốc đều phải chịu những tác động đến sức khỏe như nhau. Việc ngửi phải hơi thuốc, với người lớn, dù sức đề kháng tốt vẫn có thể mắc các hội chứng về hô hấp như viêm mũi họng, các bệnh về tim mạch hoặc nặng hơn là ung thư phổi.
Tuy nhiên, với trẻ em, tác động từ việc hít phải hơi thuốc lá là vô cùng khủng khiếp. Khi hít phải hơi thuốc, trẻ có nguy cơ lớn mắc các bệnh hô hấp như viêm phế quản và viêm phổi. Theo ước tính, mỗi năm có 150.000-300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi do hít phải hơi thuốc.
Hơn nữa, các bé có bố mẹ hay hút thuốc thường cũng bị bệnh về đường hô hấp nặng hơn và phải nằm viện lâu hơn những trẻ khác. Đặc biệt, những trẻ mắc bệnh hen nếu sống trong môi trường có mùi thuốc lá thì bệnh sẽ trở nên nặng hơn.
Hút thuốc thụ động có thể ảnh hưởng lên hệ cơ tim của trẻ. Những ảnh hưởng này bao gồm việc hạn chế cung cấp oxy cho các mô của cơ thể và làm tăng nhịp tim
Trẻ sơ sinh khi hít phải hơi thuốc thường xuyên rất dễ mắc bệnh hô hấp mãn tính và thậm chí còn khiến trẻ bị đột tử. Chức năng phổi của trẻ cũng giảm tốc độ phát triển.
Trọng Nguyên
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất