Ngày thầy thuốc Việt Nam: Nghe tâm sự những điều không ai biết của một bác sĩ chăm sóc bệnh nhi ung thư
Tin liên quan
Vào một ngày cuối giờ chiều tại hành lang khoa Nội Nhi, Bệnh viện K2 Tân Triều, chúng tôi nhận thấy vẫn rất đông bệnh nhân chờ đợi kết quả. Dù đã cuối ngày nhưng công việc của các bác sĩ tại khoa Nhi vẫn rất bận rộn. Chúng tôi chờ đợi rất lâu mới trò chuyện được với TS.BS Trần Văn Công, Trưởng khoa Nội Nhi, Bệnh viện K2 Tân Triều. Sau khi thăm khám một ngày dài, bác sĩ Công vẫn luôn giữ nụ cười thân thiện và ánh mắt trìu mến.
Công việc của các bác sĩ tại khoa Nhi khá vất vả, ngoài điều trị cho bệnh nhân còn tham gia công tác khám bệnh (phòng khám bệnh viện). Khoa Nội nhi đang chăm sóc cho khoảng từ 50-60 bệnh nhi điều trị nội trú, trung bình một bác sĩ phụ trách theo dõi điều trị cho khoảng 5-6 bệnh nhân.
Theo bác sĩ Công, việc khám bệnh cho các bệnh nhi không đơn giản, công tác chẩn đoán khó khăn hơn do trẻ nhỏ không dễ hỏi triệu chứng như ở người lớn. Đa phần các trường hợp tới điều trị khi miêu tả triệu chứng đều do người nhà kể lại theo cảm nhận chủ quan của người chăm sóc. Bệnh ung thư ở trẻ nhỏ diễn biến thường rất bất thường, khó lường.
“Với một bệnh nhân nhi, từ công tác điều trị tới điều dưỡng chăm sóc, vất vả gấp 3 người lớn”, bác sĩ Công cho hay.
Với 17 năm gắn bó với khoa Nhi, bác sĩ Công chứng kiến không ít những câu chuyện xúc động về các bệnh nhân. Bên cạnh đó, cũng có những câu chuyện buồn khiến bác sĩ Công không khỏi suy nghĩ. Trong đó, rất nhiều trường hợp người nhà bệnh nhi không hiểu biết, có thái độ khiếm nhã với bác sĩ. Khi bác sĩ chăm sóc tốt cho bệnh nhi thì không được ghi nhận nhưng khi chỉ xảy ra một sơ suất nhỏ sẽ mắng nhiếc hết lời.
“Tôi đã từng biết có những trường hợp gia đình bệnh nhi ghi âm, quay phim để đe dọa bác sĩ. Có trường hợp đến bệnh viện chỉ để soi mói xem bác sĩ có làm gì sai, bác sĩ có nhận quà hay không… mà không quan tâm tới chuyên môn của bác sĩ khiến chúng tôi cảm thấy rất buồn. Còn có trường hợp bệnh nhi khi đến điều trị đã ở giai đoạn cuối, chuyển biến nặng khó có thể kéo dài thêm được sự sống. Dù bác sĩ đã giải thích nhưng gia đình bệnh nhi cố chấp cho rằng bác sĩ không nhiệt tình điều trị, bác sĩ vòi vĩnh quà…”, bác sĩ Công nói.
Bác sĩ Công tâm sự bản thân cũng chịu những sự “khủng bố” rất lớn từ gia đình bệnh nhân. Đặc biệt là những trường hợp bệnh nhi không may mắn qua đời, cha mẹ không chấp nhận cái chết của con và đổ lỗi cho bác sĩ.
“Nhiều gia đình bệnh nhân cứ nửa đêm gọi điện chửi bới bác sĩ. Nếu bác sĩ không nghe máy, họ còn nhắn tin lăng mạ. Ngay cả sáng mùng một Tết vừa qua, gia đình bệnh nhi vẫn gọi điện để mắng chửi tôi”, bác sĩ Công chia sẻ.
Bệnh nhi như chính con mình
Các y bác sĩ tại khoa Nhi vẫn đùa với nhau làm nghề y không khác “làm dâu trăm họ”, khó có thể được lòng tất cả mọi người. Bác sĩ phải làm việc bằng cái tâm, dùng cái tâm và chân thành để giải thích cho bệnh nhân hiểu về những tai biến, nguy cơ có thể gặp phải.
Các bệnh nhi tới điều trị tại khoa luôn được các y bác sĩ coi như con của chính mình. Những nụ cười, ánh mắt trong veo của bệnh nhi là động lực để các y bác sĩ tại khoa khắc phục khó khăn trong chẩn đoán, kiểm soát tai biến nhằm tăng cơ hội điều trị bệnh.
Bác sĩ Công đã từng rất bức xúc khi bệnh nhi có cơ hội điều trị khỏi nhưng gia đình cương quyết xin về không điều trị. “Khi đó, tôi không kiềm chế được cảm xúc. Sau đó, lúc nghe những lời chân tình của bác sĩ, gia định bệnh nhi cũng chấp nhận để bé ở lại điều trị” bác sĩ Công tâm sự.
Khi mỗi một bệnh nhi ra viện không còn đau đớn, nụ cười trên môi khiến cho bác sĩ Công nói riêng và đội ngũ y bác sĩ tại khoa Nhi chung quên hết mệt mỏi và những ấm ức đã từng gặp. Dù có được người nhà bệnh nhi ghi nhận hay không, nhưng từng ngày, từng giờ, họ luôn cần mẫn dốc hết sức lực vì sức khỏe của bệnh nhi.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất