Một tháng 'đóng bỉm' 25 ngày vì... mổ đẻ

Một tháng 'đóng bỉm' 25 ngày vì... mổ đẻ

2016-08-15 07:01
- 2 năm trời ròng rã bị rong kinh, chị Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) phải sống trong những ngày tuyệt vọng và khổ sở.

Khổ sở: Một tháng "đóng bỉm" 25 ngày

Sau khi sinh mổ 2 con, chị Nga dùng thuốc tránh thai hàng ngày đến khi con út được 2 tuổi. Rắc rối bắt đầu xảy ra khi chị dừng thuốc. Chị bắt đầu có những triệu chứng của rong kinh. Chị kể, thời gian đầu, máu ra ít nhưng càng ngày bệnh càng trầm trọng thêm và máu ồ ạt ra nhiều. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều trở nên bất tiện. Những tháng ngày ấy với chị như địa ngục. Chị phải sống triền miên trong những ngày tuyệt vọng và khổ sở.

Một người phụ nữ bình thường, trong tháng phải chịu đựng 5-7 ngày “đèn đỏ” đã khó chịu, chị Nga phải "sống chung với lũ" gần như cả tháng, với 20-25 ngày. Sinh hoạt vợ chồng từ đó mà kéo theo vô vàn phiền toái và khó khăn. Cuộc sống của chị Nga bị đảo lộn, xáo trộn và không được bình thường như bao người phụ nữ khác.

Chuyên gia chia sẻ về hiện tượng rong kinh ở phụ nữ

Chị Nga khổ sở vì những triệu chứng lạ của mình

“Mình đi khám, chạy chữa các nơi. Ai mách bác sĩ nào mình đều tìm đến. Có nơi chẩn đoán mình bị rối loạn nội tiết nên đôn đáo tìm nơi chữa về nội tiết giỏi nhưng suốt 1 năm trời không tìm được hướng điều trị. Sau này, một số nơi kết luận mình bị hở vết mổ bên trong (sau khi sinh con). Khoảng thời gian ấy với mình như địa ngục. Mình tuyệt vọng vô cùng”, chị Nga kể.

Chi phí đi các nơi điều trị cũng là khoản lớn với gia đình chị Nga. Cứ 3 ngày 1 lần, chị lại lóc cóc đi chữa bệnh 1 nơi, lần ít thì chi phí từ 500.000 đồng, còn nếu lấy thuốc thì lên tới tiền triệu.

Tình trạng rong kinh của chị Nga chỉ được giải quyết sau khi được ThS.BS Tạ Việt Cường - Khoa D4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội điều trị. BS.Cường chẩn đoán chị bị tổn thương mạch máu ở khu vực vết mổ đẻ cũ và chỉ định nút mạch. Từ ngày nút mạch xong chị thấy đỡ và đến giờ thì đã khỏi dứt điểm.

Rong kinh hiếm gặp do tổn thương mạch vùng vết mổ đẻ 

BS. Tạ Việt Cường cho biết chị Nga là một bệnh nhân bị rong kinh hiếm gặp và xuất hiện những triệu chứng rất đặc biệt so với bình thường. Cứ 3-4 ngày, bệnh nhân lại bị ra máu nhiều một lần còn hàng ngày bệnh nhân ra máu nhưng không quá nhiều, màu đen sẫm.

BS. Cường đã tiến hành siêu âm và thấy vùng vết mổ của chị Nga có khoảng tụ dịch. Sau khi ra máu thì khoảng tụ dịch vùng vết mổ giảm kích thước. Tổng hợp các triệu chứng, bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương mạch vùng vết mổ đẻ cũ. Bác sĩ thảo luận với bệnh nhân và đưa ra phương án điều trị. Phương pháp mổ lại cho chị Nga lần 2 thì triệt để nhưng khả năng rủi ro cao. Phương pháp thứ 2 là nút mạch, chi phí cao hơn nhưng cũng nhẹ nhàng hơn. Cuối cùng, chị Nga chọn phương án nút mạch và sau đó đã trở về cuộc sống bình thường.

Sống trong tuyệt vọng vì một tháng 'đóng bỉm' 25 ngày

ThS.BS Tạ Việt Cường - Khoa D4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

BS.Cường nói, rong kinh ở phụ nữ không hiếm gặp. Có rất nhiều nguyên nhân, phổ biến có thể do u xơ tử cung dưới niêm mạc hoặc có thể do sử dụng thuốc tránh thai làm thay đổi nội tiết của cơ thể, hoặc liên quan đến thai nghén.

BS. Cường khuyến cáo, chị em khi thấy các triệu chứng của rong kinh như: ra huyết kéo dài nhiều ngày, đau bụng, mệt mỏi triền miên, nên đến các cơ sở y tế khám và chẩn đoán dựa vào siêu âm và các xét nghiệm. Nếu phát hiện kịp thời, rong kinh không quá khó để điều trị triệt để.

Tuệ Linh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Độc thân thì đã sao? Độc thân chứ có phải chết đâu mà sợ?

Đọc nhiều nhất