Một bên mắt không khép lại được, nửa mặt tê cứng như đông đá chỉ vì thói quen này trong mùa hè
Tin liên quan
Méo mồm, liệt mặt do thói quen này
Có con đang điều trị tại Khoa Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện châm cứu Trung ương), anh Trần Việt L. (Quảng Nam) vẫn còn rất ân hận vì thói quen mở điều hòa quá lạnh khiến cho bé Trần Phạm Mỹ D. (26 tháng tuổi) bị méo mồm, liệt một phần bên mặt, một bên mắt không thể khép lại.
Anh Trần Việt L. chia sẻ, bé D. có dấu hiệu méo mồm, liệt một bên mặt từ khi 5 tháng tuổi. Vào một buổi trưa khi ngủ dậy, bé D. có những dấu hiệu bất thường trên. Lúc đó, gia đình anh L. rất hoảng sợ và đưa con đi khám khắp nơi.
Theo anh L., anh đều đã chữa trị cho con bằng Đông Y và Tây Y nhưng không có kết quả. Thời gian gần đây, anh tìm hiểu trên mạng và đưa bé D. ra bệnh viện châm cứu Trung ương điều trị. Sau 2 liệu trình, bé D. đã khỏi bệnh được 4-5 phần. Hiện miệng cháu chỉ hơi méo và mắt đã cử động được linh hoạt.
Bé D. đang điều trị méo mồm, liệt cơ mặt do thường xuyên bị nhiễm lạnh.
Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng liệt cơ mặt của bé D., anh L. cho biết “Con thường ngủ dậy rất sớm khoảng 4-5 giờ sáng. Khi con tỉnh dậy thường đòi đi chơi nên tôi đưa con sang hàng xóm chơi. Vào mùa hè nắng nóng, gia đình tôi thường để điều hòa từ 20-22 độ C cả ngày lẫn đêm. Do bị nhiễm lạnh trường kỳ tích tụ lại nên con mới bị méo miệng”.
Từ câu chuyện của bản thân, anh L. cũng khuyên mọi người không nên đưa con đi chơi khi trời mới sáng, khi nằm điều hòa không nên để mức nhiệt độ quá lạnh đặc biệt vào ban đêm. Bên cạnh đó, khi ngủ không nên mở cửa để hạn chế khí lạnh đột ngột làm tăng nguy cơ bị liệt cơ mặt.
Phòng bệnh tốt nhất là giữ ấm cơ thể
Theo Ths.BS Dương Văn Tâm, Trưởng Khoa Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện châm cứu Trung ương), thời tiết đại hàn giá rét khiến số ca mắc bệnh đường hô hấp viêm phổi, viêm phế quản tăng lên. Còn trong những ngày có thời tiết nắng nóng, trẻ cũng dễ bị mắc viêm họng, viêm đường hô hấp do bố mẹ dùng quạt, điều hòa quá lạnh.
Đặc biệt là vào thời điểm nửa đêm gần sáng, nếu quá nóng hay quá lạnh cũng có thể gây ra bệnh lý cơ mặt do bị viêm dây thần kinh ngoại biên số 7 do bị nhiễm lạnh.
Theo y học cổ truyền, những trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 là do bị nhiễm phong hàn (gió lạnh). Phong hàn xâm phạm và các kinh dương bì phù ở mặt gây ách tắc kinh khí, không lưu thông dẫn tới liệt cơ, không vận động được.
Y học hiện đại thì cho rằng, khí lạnh làm cho dây thần kinh khi đi qua xương đá khiến các tổ chức xung quanh xương đá bị phù nề, xuất tiết, bóp nghẹt dây thần kinh số 7.
Bác sĩ Dương Văn Tâm cho hay, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể gặp ở mọi đối tượng. Triệu chứng lâm sàng gồm: bệnh nhân đột ngột bị liệt mặt, mặt méo sang bên đối diện, ăn uống bị rơi vãi, thức ăn bị đọng bên má, một bên mắt bị tổn thương và khi nhắm mắt không kín.
Trong y học hiện đại, điều trị bằng cách cho thuốc chống phù nề, chống viêm và cho thuốc bổ thần kinh. Y học cổ truyền với nguyên tắc lấy hàn trị nhiệt và lấy nhiệt trị hàn. Bệnh do hàn thì lấy nhiệt để điều trị, trục phong ôn ấm kinh lạc ở mặt, thông kinh hoạt lạc. Bệnh có thể điều trị dứt điểm không để lại bất kỳ di chứng nào.
Người bệnh sẽ được sử dụng phương pháp điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, dùng đèn chiếu tia hồng ngoại ôn ấm kinh lạc.
“Liệt dây thần kinh số 7 có thể tự khỏi nếu biết cách giữ ấm cơ thể, không để cơ thể bị lạnh. Bệnh không được điều trị đúng cách có thể để lại di chứng méo mồm gây mất thẩm mỹ”, bác sĩ Tâm nói.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất