Mắc sai lầm này trong ăn uống khi bị tiểu đường, bệnh nhân không mệt mỏi thì cũng suy dinh dưỡng trầm trọng
Tin liên quan
Chỉ ăn miến dong để kiểm soát đường huyết
Chế độ ăn đóng vai trò “sống còn” đảm bảo hiệu quả điều trị tiểu đường. Tuy nhiên, một chế độ ăn kiêng kỵ quá mức dẫn tới người bệnh bị thiếu năng lượng, vi chất ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân tiểu đường chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm ăn uống để ổn định đường huyết. Ví dụ như kiêng ăn tinh bột, chất béo, hoa quả vì có thể làm tăng đường huyết.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người có chế độ ăn quá nhiều tinh bột, đường, ít vận động có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao. Quan niệm cho rằng kiêng tinh bột và đường để kiểm soát đường huyết là hoàn toàn sai lầm có thể gây ra những nguy hại cho sức khỏe.
Khi điều trị tiểu đường, phải có một chế độ ăn đúng, cân bằng về chất và lượng, người bệnh vẫn phải ăn tinh bột để lấy năng lượng và hoa quả để lấy vitamin và khoáng chất.
Nhiều bệnh nhân tiểu đường nhịn ăn hoặc chỉ ăn miến dong.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm đã từng gặp bệnh nhân chỉ ăn miến dong, rau và một chút thịt để kiểm soát đường huyết. Chế độ ăn thiếu vắng tinh bột và dưỡng chất khiến cho bệnh nhân đó đã bị suy kiệt. Bản thân bệnh nhân cũng thừa nhận với bác sĩ rằng rất mệt mỏi khi phải ăn miến thường xuyên.
Bệnh nhân tiểu đường nếu nhịn ăn hoặc kiêng ăn tinh bột quá mức khiến cho lượng đường huyết trong máu giảm. Đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ bị đói năng lượng (do chế độ ăn năng lượng thấp). Khi bị thiếu chất bột đường, cơ thể buộc phải huy động chất béo và protein để duy trì đường huyết. Quá trình huy động này sẽ tạo ra những sản phẩm chuyển hóa dở dang, mất cân bằng về chất có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Một chế độ ăn kiêng chất bột đường có thể gây hại rất lớn cho gan, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
“Bệnh nhân tiểu đường kiêng khem quá mức dẫn tới chế độ ăn bị mất cân đối, thiếu hụt các vi chất quan trọng cho cơ thể. Chế độ ăn đơn điệu thiếu chất kéo dài có thể khiến cho bệnh nhân suy kiệt, các chức năng trong cơ thể bị suy yếu gây ra những biến chứng nguy hiểm như hạ đường đường huyết, suy giảm trí tuệ, nhiễm khuẩn…”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm nói.
Kiểm soát đường huyết thế nào cho đúng?
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, tiểu đường là bệnh liên quan tới hệ thống chuyển hóa của cơ thể cho nên chỉ sống chung mà không thể chữa khỏi. Nhưng phần lớn người bệnh có thể sống lâu hơn, ngăn ngừa các biến chứng bằng các phương pháp điều trị phù hợp kết hợp với một chế độ ăn thông minh.
Cách kiểm soát đường huyết thông minh là không làm tăng glucose máu nhiều sau ăn, cũng không làm hạ glucose máu lúc xa bữa ăn, nhất là hạ đường huyết nặng. Cho nên, bệnh nhân tiểu đường vẫn phải ăn tinh bột nhưng chọn những loại có chỉ số GI thấp.
“Nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường là hạn chế gluxit (chất bột đường) và chất béo, nhất là các axit béo bão hoà để tránh rối loạn chuyển hoá. Hạn chế nhưng không ăn kiêng khem quá mức, dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng, ăn không ngon miệng, suy dinh dưỡng, mệt mỏi… Bữa ăn cần phải cân đối giữa các chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và chất khoáng. Người bệnh vẫn cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn đủ nhưng vẫn kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.
Trong bài tiếp theo bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống và tập luyện cho bệnh nhân tiểu đường. Mời độc giả theo dõi và đón đọc.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất