Lạnh buốt ruột gan tê tái cả người có cần kiêng thịt ngan, thịt vịt như nhiều người vẫn nghĩ?

Lạnh buốt ruột gan tê tái cả người có cần kiêng thịt ngan, thịt vịt như nhiều người vẫn nghĩ?

2017-12-19 13:42
- Nhiều người quan niệm không nên ăn các món ăn có tính hàn vào mùa đông nhưng đây chưa hẳn đã là điều đúng đắn.

Theo thông tin dự báo thời tiết, nhiệt độ ở miền Bắc trong 3 ngày tới vẫn ở mức thấp từ 9 độ - 19 độ C. Thời tiết lạnh giá khiến nhiều chị em tìm món ăn giữ ấm cơ thể và hạn chế các món ăn có tính hàn.

Chị Nguyễn Thị Thoa (24 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, vào những ngày thời tiết lạnh, chị thường chế biến những món ăn có tính ôn ấm để giữ thân nhiệt cho gia đình. Một số món ăn có tính lạnh như ốc, hến, thịt vịt, thịt ngan, giá đỗ, mướp đắng… thường không xuất hiện trong bữa cơm gia đình suốt cả mùa đông. Chị Thoa cho rằng các món ăn có tính hàn chỉ phù hợp khi thời tiết nóng bức, còn những ngày đông lạnh nên kiêng kỵ tuyệt đối.

Lạnh lập cà lập cập chân tay có nên ăn thịt ngan, thịt vịt

Đồ ăn có tính hàn như thịt vịt, cá, cua, giá đỗ... vẫn có thể ăn khi thời tiết lạnh giá.

Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Lương y Bùi Hồng Minh cho hay những món ăn có tính hàn là các món được làm từ loài thân mềm (nghêu, ngao, sò, hến, ốc), cua, cá, ếch, thịt vịt, thịt ngan, thịt trâu, một số loại hạt và rau có tính hàn như: đậu xanh, đậu đen, giá đỗ, cà tím, mướp đắng, rau diếp cá, rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau sam, lá mơ, bầu, bí, mướp, dưa gang… ,tất cả các loại thực phẩm có tính hàn trên nếu ăn vào mùa hè sẽ có tác dụng tốt.

Ngoài ra, tính hàn của thực phẩm sẽ thay đổi tùy theo cách chế biến. Vì vậy, khi thời tiết lạnh vẫn có thể ăn các thức ăn có tính hàn nhưng cần gia cố thêm bằng các gia vị ôn ấm.

“Vào ngày thời tiết lạnh giá nên ăn đa dạng các thực phẩm để nâng cao sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe cho cơ thể, không nên kiêng tuyệt đối thức ăn. Bạn có thể ăn các thực phẩm có tính hàn bằng cách cho các gia vị có tính ấm vào. Ví dụ, thịt vịt khi luộc sẽ có tính hàn, nhưng khi chiên, xào sả ớt, nướng lại không còn tính hàn. Khi nấu thực phẩm có tính hàn có thể cho thêm gừng, tỏi, sả, ớt, riềng, sẽ làm cho các thức ăn đó ôn ấm hơn”, lương y Bùi Hồng Minh nói.

Trong trường hợp chỉ chế biến luộc không gia cố thêm gia vị thì nên ăn lượng vừa phải trong ngày có thời tiết lạnh. Sau khi ăn xong, bạn có thể dùng một ly trà gừng ấm để kích thích ôn ấm và kích thích tiêu hóa tốt.

Ai không nên ăn thức ăn có tính hàn?

Theo Lương y Bùi Hồng Minh trao đổi với PV Emdep, những người bị cảm cúm không nên ăn món có tính hàn, lạnh. Một số người có triệu chứng cơ thể hàn như: chân tay lạnh, tiêu hóa kém hay bị tiêu chảy, người hay đi tiểu đêm, thận yếu, đau xương khớp nên hạn chế ăn các món ăn có tính hàn đặc biệt là khi thời tiết lạnh giá.

Theo thuyết âm dương ngũ hành, thực phẩm có tính hàn là những thực phẩm có màu xanh, sống dưới nước, thực phẩm sống dưới bóng râm, có vị đắng và vị chua. Thực phẩm mang tính nóng là những thực phẩm có màu đỏ bên ngoài, sống trong đất, sống dưới ánh nắng mặt trời. Trong bữa ăn, nên biết cách kết hợp để đảm bảo sự hòa hợp nóng lạnh hợp lý.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 item kinh điển của mùa thu, các nàng không nhanh tay sắm thì hết mùa chỉ có tiếc hùi hụi

Đọc nhiều nhất