Theo thống kê, 13-29% số ca ung thư phổi ở nam giới có liên quan tới môi trường làm việc. Trong khi đó, tỉ lệ mắc ung thư vú ở nữ tiếp viên hàng không và nữ công nhân xí nghiệp cũng cao hơn ở các ngành nghề khác.
Dưới đây là những nghề dễ mắc bệnh ung thư nhất và người làm việc trong ngành này cần có phương pháp phòng tránh kịp thời.
Công nhân xí nghiệp
Công nhân xí nghiệp là những người làm việc liên tục trong môi trường có nhiều hóa chất độc hại như amiăng, benzene, cadmin, niken... Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm việc trong các ngành như luyện kim, thực phẩm đóng hộp, sản xuất nhựa ô tô, nhà máy điện tử, nhuộm và dệt có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất.
Ngoài ra, do đặc thù hay phải tăng ca, việc làm ca đêm cũng gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở nữ công nhân xí nghiệp. Nguyên nhân là do ánh sáng nhân tạo của đèn huỳnh quang có thể ngăn chặn việc tăng sinh melatonin, một loại hormone chỉ tăng lên vào ban đêm. Đây là loại hormone có chức năng kích thích tế bào vú phát triển.
Phi công và tiếp viên hàng không
Những người làm nghề thường xuyên phải tiếp xúc với bức xạ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao. Mức độ rủi ro phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với chúng và phi công chính là một trong những nghề đó. Theo nghiên cứu, phi công cùng những thành viên trong buồng lái có khả năng bị ung thư da do các tấm kính trong buồng lái làm tăng mức độ bức xạ. Càng lên cao, mức độ bức xạ càng lớn. Vì vậy, các thành viên phi hành đoàn sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao khi thực hiện các chuyến bay dài ngày.
Trong khi đó, nữ tiếp viên hàng không được cảnh báo có nguy cơ mắc ung thư da và ung thư vú cao do chịu tác động của bức xạ trong không gian.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng cảnh báo cả nữ tiếp viên hàng không và nam tiếp viên hàng không đều có tỉ lệ mắc u hắc tố ác tính và ung thư bạch cầu cao hơn bình thường.
Nhà du hành vũ trụ
Là một nghề vinh quang và được nhiều người mơ ước, song nhà du hành vũ trụ là người gặp nhiều rủi ro về sức khỏe, trong đó có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Giống như nghề phi công và tiếp viên hàng không, nguy cơ mắc ung thư của nhà du hành vũ trụ là do bức xạ. Trong không gian, mức độ bức xạ cao hơn so với trên Trái Đất rất nhiều lần.
Thợ mỏ và công nhân xây dựng
Do môi trường làm việc có chứa nhiều chất bức xạ từ quá trình phân hóa của các chất uranium và radon, những người thợ mỏ được cảnh báo dễ mắc bệnh ung thư phổi.
Ngoài nghề thợ mỏ, công nhân xây dựng cũng có nguy cơ bị ung thư phổi khi phải làm việc thường xuyên trong tình trạng hít bụi bặm. Họ cũng có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng cao hơn người bình thường.
Nhân viên văn phòng
Theo các nghiên cứu khoa học, phụ nữ ít vận động thể lực, ngồi làm việc quá nhiều có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và niêm mạc tử cung trước khi mãn kinh cao hơn người vận động nhiều tới 2.4 lần.
Bên cạnh đó, những người nghiện rượu, bia, thuốc lá, sử dụng nhiều chất kích thích hoặc người có người thân đã mắc bệnh đều có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn những trường hợp khác.
Lính cứu hỏa
Theo nghiên cứu, khả năng mắc ung thư tinh hoàn ở lính cứu hỏa cao hơn những người làm nghề khác tới 100%, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 28%, nguy cơ bị bệnh máu trắng và ung thư tủy cao hơn 50% so với người bình thường.
Nguy cơ ung thư của lính cứu hỏa đến từ việc phải tiếp xúc thường xuyên với các chất có khả năng gây ung thư benzene, chloroform, xút, styrene và formaldehyde. Mỗi khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, các chất này có thể thâm nhập vào cơ thể họ qua đường hô hấp hoặc da.
Đặc biệt, nhiều lính cứu hỏa thường cảm giác vướng víu khi mặc đồng phục bảo hộ do nó cồng kềnh và nặng. Vì thế họ thường cởi bỏ chúng ngay lập tức sau khi dập xong đám cháy mà không biết xung quanh hiện trường vẫn còn nhiều hóa chất và xút. Đây là lý do một số chuyên gia cho rằng cần trang bị những dụng cụ ngăn chặn hóa chất thâm nhập vào cơ thể của lính cứu hỏa qua đường hô hấp và da.
Dương Thùy
Hờn ghen là chuyện đàn bà - Thấu hiểu được mới là đàn ông