Kỳ tích bác sĩ sống sót sau 5 năm bị ung thư phổi di căn
Tin liên quan
Phó giáo sư Đỗ Quốc Hùng, nguyên trưởng phòng C7, Viện Tim mạch Quốc gia (Hà Nội). Câu chuyện về cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư phổi của phó giáo sư Hùng được giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ như một kỳ tích, một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Phó giáo sư Hùng phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn muộn cách đây hơn 5 năm. Khi ấy ho kéo dài 3-4 tuần, uống thuốc mãi không khỏi, bác sĩ Hùng đi chụp chiếu thì phát hiện khối u ở phổi. Kết quả này khiến bản thân bác sĩ Hùng và nhiều đồng nghiệp rất ngạc nhiên vì trước đó ông vẫn khỏe mạnh, không đau đớn gì ngoài việc ho kéo dài. Đến khi phát hiện thì căn bệnh ung thư đã di căn tràn lan đến cột sống, tủy xương... Một thời gian sau, khối u di căn lên não.
Giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ về căn bệnh của người đồng nghiệp Đỗ Quốc Hùng. Ảnh: Nam Phương.
Giáo sư Khoa cho biết, tình trạng bệnh bác sĩ Hùng khi đó đã muộn, khối u trên não không thể mổ được, nếu mổ chắc chắn tử vong. Trên lý thuyết, những trường hợp này chỉ có thể điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, với nghị lực, tuân thủ phác đồ điều trị tuyệt đối cộng với áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất như chụp PET/CT, xạ phẫu bằng dao gamma quay..., bác sĩ Hùng đã chiến thắng được căn bệnh, toàn bộ khối u không còn.
Các bác sĩ đã áp dụng phối hợp nhiều phương pháp khác nhau cho người đồng nghiệp, cả điều trị hóa chất, thuốc trúng đích… để xử lý khối u ở nhiều vị trí khác nhau. Với ung thư, bệnh nhân sống sót sau 5 năm phát hiện bệnh đã được coi là khỏi bệnh. "Trường hợp bác sĩ Hùng điều trị khỏi bệnh khi đã ở giai đoạn cuối thực sự là một kỳ tích với ngành y Việt Nam và cả bản thân bệnh nhân", giáo sư Khoa nhận xét.
Theo giáo sư Khoa, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện tại chỉ phát hiện được tổn thương khi khối u đã hình thành và có kích thước đủ lớn. Kỹ thuật chụp PET/CT- chụp cắt lớp phát bức xạ positron giúp phát hiện u khi các công cụ khác không phát hiện được. Nó giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, khối u đã di căn như thế nào.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sử dụng hình ảnh PET/CT để mô phỏng kế hoạch xạ trị. Vị trí khối u được xác định rõ nên kỹ thuật viên hướng chùm tia xạ sát vào khối u, che các vùng tổn thương lành xung quanh. Nhờ đó hiệu quả điều trị cao hơn, không bỏ sót tổn thương.
Với khối u ở não như trường hợp phó giáo sư Hùng, ca mổ là điều hầu như không thể thực hiện. Thay vào đó, bệnh nhân được xạ phẫu bằng dao gamma quay. Các chùm tia mạnh hội tụ vào một điểm khối u, bảo vệ các tổ chức lành. Kỹ thuật này được áp dụng điều trị cho những u ở vị trí không thể mổ được, đã mổ nhưng tái phát, tổn thương nhỏ ở sâu bên trong…
(Theo VnExpress)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất